UBND tỉnh Bình Dương chỉ rõ cái sai của ông chủ Đại Nam

UBND tỉnh Bình Dương chỉ rõ cái sai của ông chủ Đại Nam

25/10/2013 14:27
Ngọc Luân
(GDVN) - Thực chất thỏa thuận góp vốn tại KCN Sóng Thần 3 là chuyển quyền sử dụng đất theo từng lô, nền. Do đó, nếu tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/500 theo đề xuất của công ty Đại Nam là không đúng thẩm quyền, phá vỡ bản quy hoạch chung 1/2.000 của toàn bộ KCN, và đặc biệt là sẽ tiếp tay cho việc phân lô bán nền, trái các quy định pháp luật của doanh nghiệp – Đại diện UBND tỉnh Bình Dương khẳng định.
Sáng nay (25/10/), PV Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Phú Cường – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương và ông Võ Văn Lượng - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, xoay quanh vụ việc nhà đầu tư Đại Nam đứng đơn tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.  “Tỉnh có thiếu sót” Đề cập thẳng thắn vào những nội dung của lá đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng, ông Lê Phú Cường - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, công ty Đại Nam huy động góp vốn trong khi dự án chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 là sai rõ ràng.
Lá đơn tố cáo ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương của ông Huỳnh Uy Dũng.
Lá đơn tố cáo ông Lê Thanh Cung -  Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương của ông Huỳnh Uy Dũng.


Ông Cường cũng khẳng định, việc UBND tỉnh Bình Dương chậm phê duyệt quy hoạch 1/500 kéo dài tới 7 năm – theo như ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo là không đúng, mà sự thật là chỉ kéo dài có hơn… 3 năm.

Theo ông Lê Phú Cường, vào năm 2009 Công ty Đại Nam có văn bản trình UBND tỉnh Bình Dương và Sở Xây dựng đề nghị thông qua quy hoạch 1/500 của khu hành chính - đất ở trong KCN Sóng Thần 3, đồng thời xin tách KCN Sóng Thần 3 thành 2 dự án: Khu đô thị Đại Nam (rộng hơn 136 ha) và KCN Sóng Thần 3 (còn rộng 397 ha). Vì khu diện tích đất ở (61,5 ha) nằm trong khu đô thị Đại Nam, không còn thuộc dự án KCN nên ông Dũng xin được chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Dương không chấp nhận đề xuất này. Ông Cường nhấn mạnh: “Công ty Đại Nam xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, chia tách khu công nghiệp Sóng Thần 3 thành khu công nghiệp Sóng Thần 3 và Khu đô thị Đại Nam từ 61 ha lên hơn 130 ha như đã nói trên với mục đích là để hợp thức hóa diện tích đã phân lô bán nền". Lý do UBND tỉnh Bình Dương không chấp thuận tách dự án vì cho rằng điều này sẽ phá vỡ quy hoạch chung của khu liên hợp rộng hơn 4.100 ha của tỉnh Bình Dương, đồng thời lãnh đạo tỉnh nhận thấy chưa cần thiết phải tách khu dân cư đô thị tại KCN Sóng Thần 3.


Mặt khác, việc tách dự án KCN để làm dự án khu dân cư đô thị thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, do UBND tỉnh Bình Dương chưa đồng ý với đề xuất của chủ đầu tư nên chưa có văn bản nào đề xuất với Thủ tướng.

Quan điểm nói trên đã được UBND tỉnh Bình Dương truyền đạt lại cho các cơ quan tham mưu của tỉnh để truyền đạt lại cho chủ đầu tư. Thế nhưng, không hiểu vì sao kết luận này đã không đến được với công ty Đại Nam, và đã dẫn đến ông Huỳnh Uy Dũng tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Về trách nhiệm đối với việc “ngâm” đề nghị phê duyệt của công ty Đại Nam trong nhiều năm, đại diện Sở Xây dựng Bình Dương thừa nhận những thiếu sót trong việc chậm trễ trả lời doanh nghiệp. Bởi, từ năm 2010, công ty Đại Nam xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng phía Sở Xây dựng và UBND tỉnh Bình Dương chưa trả lời cụ thể bằng văn bản cho Công ty Đại Nam. Mặc dù đây vẫn nằm trong khả năng giải quyết của tỉnh.

Khu công nghiệp Sóng Thần của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng.
Khu công nghiệp Sóng Thần của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng.
Trước đó, trao đổi qua điện thoại với PV Báo Giáo Dục Việt Nam, ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận trách nhiệm của một số Sở, ngành khi đã tham mưu ra quyết định trao quyền sử dụng đất khu ở trong KCN Sóng Thần 3 là “lâu dài” thay vì 50 năm theo thời hạn của KCN. “Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Dương sẽ rà soát để xử lý trách nhiệm các cán bộ liên quan đến sự việc này.” – ông Cung cho biết.“Tỉnh đã làm đúng theo luật quy định” Trong một cuộc trao đổi sau đó với PV Báo Giáo Dục Việt Nam, ông Võ Văn Lượng – Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện lãnh đạo tỉnh chưa nhận được bất cứ thông tin chỉ đạo nào từ các cơ quan Trung ương về vụ việc này.

Tuy vậy, ông Lượng nhận định, vụ việc “lùm xùm” như thế đã gây ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo tỉnh, ảnh hưởng đến chính sách thu hút và kêu gọi đầu tư của Bình Dương nên lãnh đạo tỉnh cũng đã yêu cầu các Sở, Ban, ngành thẩm tra lại và sớm có báo cáo để nắm rõ vụ việc.

Theo ông Lượng, quan điểm xử lý của tỉnh Bình Dương là sẽ chờ ý kiến của Thủ tướng, các Bộ - ngành Trung ương rồi sẽ có những bước giải quyết tiếp theo đúng luật khiếu nại tố cáo. Cá nhân, đơn vị nào sai, sai đến đâu sẽ chịu trách nhiệm đến đó.

Mặt khác, ông Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cũng khẳng định: “Không có sự đối xử bất bình đẳng giữa doanh nghiệp, cá nhân nào trong chính sách kêu gọi đầu tư của tỉnh. Tuy nhiên, dù thực hiện chủ trương nào cũng phải tuân thủ những quy định của pháp luật”.

Riêng về nội dung tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng cho rằng, quyết định năm 2009 do ông Lê Thanh Cung ký (khi đó ông Cung đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương – PV) có nội dung “Cấm chủ đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất ở 61,5ha trong KCN Sóng Thần 3” - là vi phạm Luật đất đai, ông Võ Văn Lượng nêu rõ: “Quyết định này là không hề sai luật".

Theo ông Lượng cung cấp: Để có tiền triển khai dự án KCN Sóng Thần 3, ông Huỳnh Uy Dũng đã huy động hơn 400 tỷ đồng dưới danh nghĩa “góp vốn đầu tư” của 700 người, sau đó chia khoảng 2.600 nền (chiếm một nửa khu ở gần 61,5ha) và đã hứa hẹn chuyển Quyền sử dụng đất cho những người khách này.

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng trình bày quan điểm của mình với cơ quan báo chí.
Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng  trình bày quan điểm của mình với cơ quan báo chí.
Nhận thấy việc huy động là bất thường, khi đó Công an tỉnh Bình Dương đã vào cuộc điều tra và báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy. Ngày 1/10/2009, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - Mai Thế Trung đã chủ trì họp Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương và kết luận: Việc chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 thực hiện “góp vốn đầu tư” nói trên thực chất là “phân lô bán nền” nên sai với quy hoạch được duyệt, sai luật nên đã yêu cầu UBND tỉnh chấn chỉnh, không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong KCN. Vì vậy, ông Lê Thanh Cung mới ký văn bản như đã nêu trên.

Trong khi đó, trong lá đơn tố cáo của mình, doanh nhân Huỳnh Uy Dũng đã dẫn ra 2 văn bản gồm: Biên bản làm việc của Đoàn thanh tra liên ngành (gồm Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh...) khi tới thanh tra tại Công ty Đại Nam vào tháng 8/2009 và Báo cáo kết luận thanh tra của Giám đốc Sở Xây dựng (thời điểm đó là ông Trần Văn Dũng). 2 văn bản này có vận dụng một số quy định và cho rằng “Chủ đầu tư KCN có thể ứng vốn trước từ khách hàng, huy động vốn từ các nguồn vốn khác”,  đó cũng là cơ sở để ông Dũng “lò vôi” khẳng định mình đã làm đúng và tố cáo ông Lê Thanh Cung.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Lượng cung cấp thêm thông tin: Sau khi ban hành 2 văn bản này của Đoàn thanh tra liên ngành, các sở ngành Bình Dương đã có một cuộc họp khác đánh giá lại sự việc. Theo đó, do khu ở 61,5 ha nằm trong tổng thể 533,8 ha của KCN Sóng Thần 3 nên vẫn là đất KCN, chủ đầu tư chỉ có thể cho thuê chứ không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Trong khi đó, thực chất của thỏa thuận góp vốn tại KCN Sóng Thần 3 là chuyển quyền sử dụng đất theo từng lô, nền. Vì vậy, theo ông Lượng, nếu tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/500 theo đề xuất của công ty Đại Nam là không đúng thẩm quyền, phá vỡ bản quy hoạch chung 1/2.000 của toàn bộ KCN, và đặc biệt là sẽ tiếp tay cho việc phân lô bán nền trái các quy định pháp luật của doanh nghiệp.

KCN Sóng Thần 3 có tổng diện tích 533 ha nằm trong tổng thể khu liên hợp công nghiệp – dịch vụ – đô thị rộng hàng ngàn hecta mà tỉnh Bình Dương đang xây dựng. Quy hoạch 1/2.000 của KCN Sóng Thần 3 được UBND tỉnh phê duyệt chia làm 3 khu. Cụ thể: Khu dành cho xây dựng nhà máy xí nghiệp có diện tích 319,7ha, Khu hành chính – dịch vụ – kho bãi có diện tích 71,3ha, Khu nhà ở có diện tích 61,5 ha. Phần còn lại là đất xây dựng công trình kỹ thuật, đất để làm đường giao thông và trồng cây xanh. Quy hoạch cũng chỉ rõ, tại Khu làm nhà ở, chủ đầu tư chỉ được xây dựng nhà để cho chuyên gia, công nhân thuê chứ không được sử dụng làm nhà ở lâu dài, đặc biệt là không được phân lô bán nền.
Ngọc Luân