Vì sao dự án sân bay Long Thành giảm mức đầu tư tới 2,6 tỷ USD?

04/06/2015 12:20
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ trưởng GTVT - ông Đinh La Thăng cho biết, rất mong sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các nhà khoa học về dự án này.

Sáng nay (4/6), Bộ trưởng Đinh La Thăng thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bộ trưởng Thăng cho biết, việc lựa chọn vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được các cơ quan chuyên môn của ngành hàng không dân dụng Việt Nam nghiên cứu kỹ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2005.

Tiếp đó, quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011.

Các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt cũng đồng bộ với việc hình thành nên Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

"Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với mục tiêu trước hết là để khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải hàng không của khu vực; mục tiêu lâu dài là để trở thành cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia.

Trong tương lai, cảng hàng không này có thể đảm nhận được vai trò là một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á", ông Thăng nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết rất mong nhận được các ý kiến đóng góp tâm huyết của giới khoa học về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. ảnh: Ngọc Quang.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết rất mong nhận được các ý kiến đóng góp tâm huyết của giới khoa học về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. ảnh: Ngọc Quang.

Dự án dự kiến phân kỳ đầu tư thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng 1 đường hạ cất cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5,2 tỷ USD. Dự án triển khai trong giai đoạn 2018 – 2025, tuy nhiên sẽ phấn đấu hoàn thành vào khoảng năm 2022.

Lý do trong giai đoạn 1 chỉ xây dựng được 1 đường cất hạ cánh được Bộ trưởng Thăng lý giải là do vẫn duy trì khai thác Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nên có thể hỗ trợ Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong trường hợp khẩn nguy.

Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng đường hạ cất cánh số 2 độc lập, cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đáp ứng công suất 50 triệu khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD. Dự kiến triển khai trong giai đoạn 2030 – 2035.

Giai đoạn 3 hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn này khoảng 6,6 tỷ USD, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2040 – 2050.

Để đảm bảo tiến độ và tiết kiệm kinh phí, Chính phủ đề nghị giải phóng mặt bằng một lần cho 2.750 héc-ta với kinh phí ước tính khoảng 9.540 tỷ đồng.

Đối với phần diện tích chưa xây dựng trong giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xem xét cho phép người dân địa phương tiếp tục khai thác canh tác ngắn ngày để phát triển kinh tế gia đình, tránh để đất trống gây lãng phí.

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, dự kiến cơ cấu nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 như sau:

Vốn ngân sách nhà nước ước tính 12.149 tỷ đồng (chiếm 11,1% tổng mức đầu tư của dự án) dùng cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, xây dựng các công trình cho các cơ quan quản lý nhà nước; dự kiến phân bổ trong 3 năm, mỗi năm khoảng 4000 tỷ đồng là có thể cân đối được.

Vốn ODA ước tính 29.177 tỷ đồng (chiếm 26,5% tổng mức đầu tư của dự án), dự kiến dung cho đầu tư xây dựng các hạng mục bay như: Đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay.

Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Chính phủ sẽ chỉ đạo hoàn tất các thủ tục cần thiết, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan để huy động nguồn vốn này cho dự án.

Vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước ước tính 68.644 tỷ đồng (chiếm 62,4% tổng mức đầu tư của dự án ) dùng để đầu tư xây dựng các công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga, các hạng mục thương mại.

“Hiện nay đã có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến dự án nếu được chấp thuận chủ trương đầu tư như ADP của Pháp, Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Incheon, một số tập đoàn của Nhật Bản…

Chính phủ sẽ chỉ đạo đầu tư và các cơ quan liên quan tính toán cụ thể hiệu quả kinh tế, tài chính, phương án huy động vốn cho dự án, phù hợp với tiến độ bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi”, ông Thăng cho hay.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho biết thêm, sở dĩ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án sau khi rà soát lại giảm khoảng 2,6 tỷ USD (tương đương 54.619 tỷ đồng) so với báo cáo trước đây của Chính phủ trình ra Quốc hội với 3 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, điều chỉnh phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư giảm từ 5000 héc-ta xuống còn 2.750 héc-ta. Vì vậy, kinh phí cũng giảm từ 989 triệu USD xuống còn 454 triệu USD.

Thứ hai, giảm các hạng mục đầu tư do chỉ đầu tư 1 đường cất hạ cánh giai đoạn 1 và tính toán chuẩn xác lại suất đầu tư (đơn giá xây dựng được áp dụng đơn giá của các dự án đã triển khai trong thời gian gần đây tại Việt Nam và các nước trong khu vực như Nhà ga hành khách quốc tế T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội bài; Cảng hàng không Kuala Lumpur – Malaysia; Cảng hàng không Suvarnabhumi – Thái Lan). Theo tính toán đó kinh phí giảm 1.057 triệu USD:

Nhóm hạng mục nhà khách VIP, trạm gác, khu bảo trì cảnh quan, trung tâm y tế, hệ thống cấp nước bên ngoài… giảm chi phí đầu tư 15 triệu USD;

Nhóm các hạng mục san nền, thi công đường trục, hầm kỹ thuật, áo đường, trạm xử lý nước thải… giảm 808,8 triệu USD;

Nhóm các hạng mục nhà ga hàng hóa, trạm nhiên liệu, hệ thống cấp điện bên ngoài, hệ thống cấp nhiệt, viễn thông… giảm 183,8 triệu USD.

Nhóm các hạng mục: Nắn tuyến giao thông kết nối, văn phòng cảnh sát, hải quan, đài chỉ huy, nhà điều hành... giảm 24 triệu USD.

Không đưa vào dự án các hạng mục đầu tư triển khai theo phương án xã hội hóa khác là 426,9 triệu USD.

Nhóm các hạng mục nhà ga, nhà đậu xe... giảm 26,3 triệu USD.

Ngọc Quang