Việt Nam sẵn sàng tổ chức thành công APEC 2017

21/11/2016 10:09
Theo TTXVN
(GDVN) - Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong bài phát biểu tại phiên bế mạc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2016.

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 20/11 theo giờ địa phương (sáng 21/11 theo giờ Hà Nội), tại Trung tâm Hội nghị Lima (Peru), Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã kết thúc tốt đẹp.

Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2017.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các Trưởng đoàn chụp ảnh chung. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các Trưởng đoàn chụp ảnh chung. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Trân trọng giới thiệu tới độc giả bài phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phiên bế mạc:

Thưa Ngài Chủ tọa!

Thưa quý vị!

Trước hết, tôi trân trọng cảm ơn quý vị đã nhiệt tình ủng hộ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2017 và đồng hành cùng chúng tôi trong quá trình chuẩn bị vừa qua.

Năm APEC 2017 là một ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Việt Nam, thể hiện mong muốn của chúng tôi tích cực góp phần đưa châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng. Sau hơn 30 năm đổi mới và ngày càng gắn kết sâu rộng với khu vực và thế giới, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ, phát triển đầy năng động và được dự báo trở thành một trong 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất.

Việt Nam đã chuẩn bị về mọi mặt để năm 2017 là một thành công nữa của Diễn đàn APEC. Chúng tôi sẵn sàng chào đón các bạn đến với Việt Nam và tham dự các hoạt động tổ chức trải khắp đất nước.

Thưa quý vị!

Các cuộc thảo luận trong hai ngày qua cho thấy chúng ta đang ở thời khắc then chốt trong một thế giới đầy biến động và một châu Á-Thái Bình Dương đang chuyển mình mạnh mẽ. Thời cơ và thách thức đặt ra chưa từng có.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc triển khai Chương trình nghị sự đến năm 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tạo ra nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững, bao trùm và công bằng của nhân loại.

Tuy nhiên, sự trì trệ kéo dài của kinh tế thế giới, làn sóng mới của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa khủng bố, xung đột khu vực, biến đổi khí hậu gia tăng cùng các nguy cơ an ninh phi truyền thống khác ngày càng đan xen, phức tạp, gây nên nhiều hệ lụy sâu rộng đối với từng nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục chứng tỏ khả năng dẫn dắt và vai trò tiên phong, tạo động lực mới để xây dựng một châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và phát triển bền vững.

Vì vậy, tôi đề nghị chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung.” Theo đó, chúng ta cần tìm kiếm và kiến tạo những động lực mới nhằm:

- Đẩy mạnh hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 theo lộ trình.

- Tăng cường liên kết khu vực sâu rộng hơn thông qua nỗ lực làm sống động các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư; đẩy mạnh kết nối trên cả ba phương diện hạ tầng cơ sở - thể chế - con người, kết nối các chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối tiểu vùng, vùng sâu vùng xa; phát triển du lịch bền vững; mở rộng giao lưu văn hóa, giao lưu thanh niên, trao đổi sinh viên...

- Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng, đẩy mạnh cải cách cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao..., trong đó việc khai thác hiệu quả các cơ hội của cách mạng công nghệ số có ý nghĩa then chốt.

- Tăng cường năng lực cạnh tranh và sáng tạo của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, trong nền kinh tế số và Internet; phát huy tiềm năng to lớn của đối tác công - tư và của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và doanh nghiệp trẻ.

- Nâng cao tính tự cường và bao trùm của các nền kinh tế, nhất là trong phát triển giáo dục và việc làm, y tế, bình đẳng giới, phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh tài nguyên, nhất là tài nguyên nước.

Thưa quý vị!

Thế kỷ 21 được kỳ vọng là thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương, nơi hội tụ những nền kinh tế năng động hàng đầu thế giới. Qua 27 năm hình thành và phát triển, Diễn đàn APEC đã chứng tỏ khả năng điều chỉnh và thích ứng không ngừng để đóng góp quan trọng vào thịnh vượng của khu vực.

Đây là lúc APEC cần khẳng định vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng, động lực của tăng trưởng, liên kết khu vực.

Chúng ta cần tiếp tục thảo luận về tầm nhìn và định hướng tương lai của APEC sau năm 2020. Đó là chung tay tạo dựng “Quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.”

Một lần nữa, tôi chân thành cảm ơn nước chủ nhà Peru cùng Ngài Tổng thống Pedro Paplo Kuczynsky về sự chuẩn bị hết sức chu đáo và đón tiếp nồng hậu dành cho chúng tôi tại thủ đô Lima tươi đẹp, giàu lòng mến khách.

Tôi đánh giá cao vai trò chủ nhà của Peru và đặc biệt là sự điều hành hiệu quả của Ngài Tổng thống để Hội nghị của chúng ta đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng.

Nhân dịp này, tôi trân trọng mời các quý vị tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25, tổ chức từ ngày 10-11/11/2017 tại thành phố biển Đà Nẵng năng động, một trung tâm kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn.

Theo TTXVN