Vinamilk và Hanoimilk: Khoảng cách khó lòng thu hẹp

16/08/2013 14:11
Theo Sài Gòn đầu tư
Cho dù tiềm năng rất lớn nhưng trên TTCK hiện mới chỉ có 2 doanh nghiệp sữa đang niêm yết là CTCP Sữa Việt Nam (VNM) và CTCP Sữa Hà Nội (HNM). Thế nhưng, 2 doanh nghiệp này có sự chênh lệch rất lớn về tầm vóc và cả sức hấp dẫn trên TTCK.
Tiềm năng tăng trưởng của ngành sữa Việt Nam khá cao khi mức tiêu thụ sản phẩm sữa của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, bình quân chỉ khoảng 15 lít sữa/người/năm, trong khi Malaysia và Thái Lan lần lượt là 23 lít và 25 lít sữa/người/năm.

Ngoài ra, yếu tố dân số trẻ (chiếm 36%) và thu nhập bình quân đầu người tăng 6%/năm cũng như nhu cầu cải thiện sức khỏe, tầm vóc của người Việt Nam là những điều kiện thuận lợi giúp ngành sữa trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt trong dài hạn.

Trong ngắn hạn, theo báo cáo của Tổ chức khảo sát thị trường quốc tế (BMI) về ngành thực phẩm và đồ uống quý III-2013, dự báo tăng trưởng về sản lượng sản xuất và doanh số bán sữa của Việt Nam sẽ đạt lần lượt khoảng 11,9% và 6,2% trong năm 2013, cải thiện hơn so với năm 2012 chỉ đạt 8,94% và 5,25%.


Cho dù tiềm năng rất lớn nhưng trên TTCK hiện mới chỉ có 2 doanh nghiệp sữa đang niêm yết là CTCP Sữa Việt Nam (VNM) và CTCP Sữa Hà Nội (HNM). Thế nhưng, 2 doanh nghiệp này có sự chênh lệch rất lớn về tầm vóc và cả sức hấp dẫn trên TTCK.

VNM là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa hàng đầu với thị phần lớn liên tục duy trì và tăng trưởng cùng với khả năng sinh lợi cao, ổn định trên 20% qua các năm. Dự kiến năm 2013 VNM có thể đạt 31.874 tỷ đồng doanh thu (tăng 20%) và 6.149 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 6%), EPS đạt 7.377 đồng/CP nhờ vào 2 dòng sản phẩm chủ lực là sữa nước và sữa bột. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu của VNM đạt 92 triệu USD và kế hoạch năm 2013 là 230 triệu USD (chiếm khoảng 15% tổng doanh thu).

Trong khi đó, HNM cũng là doanh nghiệp hoạt động trong ngành sữa nhưng kết quả kinh doanh không mấy khả quan. HNM không sản xuất sản phẩm sữa tươi 100% đang được người tiêu dùng ưa chuộng mà chủ yếu chỉ là sữa tươi tiệt trùng Izzi (người tiêu dùng định vị là phân khúc giá rẻ) và sữa chua ăn Hanomilk.

Năm 2012, HNM chỉ đạt 1,2 tỷ đồng lợi nhuận (giảm 23%), hoàn thành 39% kế hoạch năm và không chia cổ tức. Năm 2013, HNM đặt kế hoạch 336 tỷ đồng doanh thu (tăng 34%) và 3,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 154,7%).

Nhìn vào mức tăng trưởng HNM có sự tiến bộ vượt bậc so với VNM, nhưng trên thực tế con số này cũng chỉ là số lẻ so với lợi nhuận khủng của VNM. Sự chênh lệch này còn được thể hiện qua mức giá trên TTCK của 2 doanh nghiệp khi VNM là 147.000 đồng/CP còn HNM chỉ có 8.000 đồng/CP. Và dự báo khoảng cách này sẽ khó lòng được thu hẹp nếu HMM cứ mãi làng nhàng như hiện nay.
Theo Sài Gòn đầu tư