“Vũ khí” mới giúp phát hiện dầu ăn bẩn tái chế

22/02/2012 13:29
Ngọc Ninh (Theo Ecns/Xinhua)
(GDVN) - Nhân viên thanh tra an toàn thực phẩm thành phố Thượng Hải đã được trang bị một thiết bị của Đức, giúp họ phát hiện dầu bẩn đã được tái chế.
Cục Quản lí dược phẩm và thực phẩm Thượng Hải cho biết, thiết bị công nghệ này đã được sử dụng tại quận Từ Hối và quận Trường Ninh, thành phố Thượng Hải.

Theo nguyên tắc, các nhà hàng chỉ được tái sử dụng dầu ăn nhiều nhất là 3 lần, sau đó phải giao cho đơn vị thu gom xử lý. Tuy nhiên, một số nhà hàng Trung Quốc vẫn dùng loại dầu sử dụng quá số lần quy định để cắt giảm chi phí.
Thanh tra an toàn thực phẩm phát hiện dầu bẩn tái chế.
Thanh tra an toàn thực phẩm phát hiện dầu bẩn tái chế.

Một quan chức của Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ FDA cho biết, các thiết bị mới của Đức tỏ ra rất hiệu quả trong việc phát hiện ra loại dầu đã sử dụng quá 3 lần, bằng cách so sánh nó với các thành phần tiêu chuẩn.

Loại dầu ăn được bán buôn cũng sẽ bị cấm sau hàng loạt các vụ bê bối liên quan đến dầu máng (loại dầu ăn được lấy từ máng thải hoặc ống cống phía sau nhà hàng để tái chế và đem bán).

Sau khi được trộn với dầu ăn chất lượng và được dán nhãn của các nhãn hiệu đã được đăng ký, dầu “tinh chế” được bán cho nhiều công ty bán buôn và được phân phối đến các chợ và nhà hàng. Một cuộc điều tra của FDA cho thấy, có từ 20 đến 30% nhà hàng nhỏ sử dụng loại dầu này.
Nguyên liệu chế biến dầu bẩn là nước thải của các nhà hàng
Nguyên liệu chế biến dầu bẩn là nước thải của các nhà hàng

Năm ngoái, đã có 134 người ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc bị bắt vì sản xuất và bán dầu máng, trong đó có 19 người bị truy tố. Ngoài ra 12 vị quan chức cũng bị mất chức vì “xao nhãng nhiệm vụ”.

Ở một trường hợp khác, có hai người bị kết án 10 năm tù vì sản xuất và bán hơn 110 tấn dầu máng.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, đã có từ 2 triệu đến 3 triệu tấn dầu bẩn được tiêu thụ hàng năm tại Trung Quốc, chiếm khoảng 10% thị trường.

Ngọc Ninh (Theo Ecns/Xinhua)