Xã Hoàng Động tan nát vì hàng loạt công trình trái phép trên đất nông nghiệp

16/09/2019 09:06
LÃ TIẾN
(GDVN) - Nhiều công trình xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp, tồn tại cũ có, đang xây dựng cũng có là vấn đề nóng, khiến người dân xã Hoàng Động (Hải Phòng) bức xúc.

Thời gian qua với sự vào cuộc quyết liệt của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại nhiều quận, huyện đã được kiểm soát, đẩy lùi.

Tuy nhiên, tại xã Hoàng Động (huyện Thủy Nguyên), tình trạng này lại đang có dấu hiệu bùng phát, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chống tham nhũng không chùng lại mà quyết liệt hơn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Chống tham nhũng không chùng lại mà quyết liệt hơn

Theo phản ánh của một số hộ dân sinh sống tại xã Hoàng Động, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã có nhiều công trình nhà ở xây dựng trên đất nông nghiệp, song chính quyền chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Vi phạm nổi bật nhất phải kể đến một loạt công trình xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp tại thôn 3, xã Hoàng Động của ông Bùi Hồng Chinh và ông Lê Quang Huy.

Trên diện tích đất nông nghiệp hơn 1 ha mua lại của người dân, ông Chinh và ông Huy đã xây dựng bể bơi, sân bóng, 2 dãy nhà điều hành, khu công trình phụ và đổ bê tông đường vào khuôn viên…

Một loạt công trình gồm: bể bơi, sân bóng, nhà điều hành... xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (Ảnh: Lã Tiến)
Một loạt công trình gồm: bể bơi, sân bóng, nhà điều hành... xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp (Ảnh: Lã Tiến)

Tiếp đến, công trình nhà 3 tầng xây dựng kiên cố trên khu đất nông nghiệp phục vụ xây dựng nhà máy nước mini của ông Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Đình Toàn.

Theo ông Nguyễn Duy Hoàng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hoàng Động, công trình này xây dựng từ năm 2015, xã có lập biên bản xử phạt nhưng đến năm 2016 vẫn hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Công trình nhà ở 3 tầng kiên cố xây dựng trên đất làm nhà máy nước mini (Ảnh: Lã Tiến)
Công trình nhà ở 3 tầng kiên cố xây dựng trên đất làm nhà máy nước mini (Ảnh: Lã Tiến)

Nghiêm trọng nhất là những hộ hiện đang xây dựng nhà ở, có hộ đang hoàn thiện nhà ở cao tầng, xây nhà kiên cố trên đất nông nghiệp.

Cụ thể, các hộ gồm: bà Bùi Thị Bích Nguyệt, bà Nguyễn Thị Thanh (trú tại thôn 4, xã Hoàng Động); ông Nguyễn Hữu Thuận (thôn Hoàng Pha)…xây dựng vào khoảng giữa năm 2019.

Công trình nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp đang xây dựng tại thôn 4, xã Hoàng Động (Ảnh: Lã Tiến)
Công trình nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp đang xây dựng tại thôn 4, xã Hoàng Động (Ảnh: Lã Tiến)

Chủ tịch xã Hoàng Động cũng thừa nhận các hộ này đang xây dựng, chính quyền xã có lập biên bản xử phạt.

Tuy nhiên thay vì yêu cầu tháo dỡ, trả lại nguyên trạng thì xã lại làm thủ tục trình cấp trên “hợp thức hóa” những vi phạm này.

Công trình nhà ở kiểu biệt thự mái thái xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ giữa năm 2019 (Ảnh: Lã Tiến)
Công trình nhà ở kiểu biệt thự mái thái xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp từ giữa năm 2019 (Ảnh: Lã Tiến)

Bên cạnh đó, hộ bà Nguyễn Thị Quyên (ở thôn 6 Hoàng Pha) cũng xây nhà trên đất nông nghiệp từ năm 2018, xây dựng ngay dưới hành lang lưới điện.

Hộ ông Nguyễn Tuấn Anh nhận chuyển nhượng của 2 hộ dân, tự ý san lấp mặt bằng để xây dựng nhà kiên cố kinh doanh vật liệu xây dựng trên diện tích hơn 2.000 m2, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều.

Công trình nhà ở của ông Nguyễn Quốc Bảo xây dựng ngay sát chân đê sông Cấm (Ảnh: Lã Tiến)
Công trình nhà ở của ông Nguyễn Quốc Bảo xây dựng ngay sát chân đê sông Cấm (Ảnh: Lã Tiến)

Hộ ông Nguyễn Quốc Bảo (ở thôn 5) nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp sát chân đê sông Cấm, diện tích khoảng 1.500 m2.

Ông Bảo đã tự ý xây dựng nhà ở kiên cố, quy mô hoành tráng vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều, tồn tại từ năm 2015 đến nay.

Người dân không chỉ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp mà nhiều hộ còn mua bán đất nghĩa trang, tự ý san lấp để chôn cất trong khi chính quyền địa phương không hề hay biết.

Nhiều công trình nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp vẫn đang hoàn thiện (Ảnh: Lã Tiến)
Nhiều công trình nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp vẫn đang hoàn thiện (Ảnh: Lã Tiến)

Cụ thể, tại khu vực nghĩa trang Ông Sãi, có hàng chục trường hợp san lấp, quây tường lấn chiếm đất làm nơi chôn cất.

Có nhiều hộ ngang nhiên bán cho người khác địa phương để thu tiền, vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai.

Người dân nơi đây thắc mắc, để xây dựng được những căn nhà kiên cố như vậy, người dân có phải “làm luật” với chính quyền?

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã làm việc với ông Nguyễn Duy Hoàng, Ủy ban nhân dân xã Hoàng Động.

Ông Hoàng có thừa nhận những vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại địa bàn như phóng viên cung cấp và cho biết, xã đã lập các biên bản vi phạm hành chính, báo cáo Phòng Tài nguyên môi trường, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên.

Thay vì xử phạt, yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, chính quyền xã Hoàng Động lại có chủ trương "hợp thức hóa" sai phạm (Ảnh: Lã Tiến)
Thay vì xử phạt, yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, chính quyền xã Hoàng Động lại có chủ trương "hợp thức hóa" sai phạm (Ảnh: Lã Tiến)

Tuy nhiên, phóng viên cũng đề nghị ông Hoàng cung cấp những biên bản xử phạt, ông Hoàng hứa hẹn sẽ cung cấp vào dịp khác.

Đối với những vi phạm mới phát sinh trong năm 2019, ông Hoàng cho biết đã có báo cáo gửi cấp trên và đang làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất đối với những hộ vi phạm mới.

Trước sự việc trên, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Ủy ban nhân dân huyện Thủy Nguyên sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm những công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp nói trên.

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã buông lỏng quản lý khi để xảy ra sai phạm.

LÃ TIẾN