Xác lập kỷ lục kinh tế Việt Nam nhờ tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ

30/12/2016 06:00
Mai Anh
(GDVN) - Năm 2016 đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như là năm đầu tiên xác lập kỷ lục thành lập doanh nghiệp vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cho biết số doanh nghiệp đăng ký thành lập cả năm 2016 đã đạt kỷ lục cao chưa từng có.

Tính đến ngày 20/12, đã có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. 

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh nghiệp, tăng 43,1%.
Con số hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập là kết quả của tinh thần khởi nghiệp được Chính phủ đưa ra năm 2016. 

Hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 là một con số kỷ lục trong lịch sử kinh tế Việt Nam (Ảnh: thoibaokinhdoanh)
Hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016 là một con số kỷ lục trong lịch sử​ kinh tế Việt Nam (Ảnh: thoibaokinhdoanh)​

Còn nhớ tại phiên họp thường kỳ đầu tiên khi Chính phủ mới kiện toàn ngày 4-5/5/2016, Thủ tướng đã khẳng định "Đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp".

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là một trong những định hướng quan trọng của Thủ tướng khi mới nhậm chức.

Ông nêu rõ: "Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp hay không?"

Tháng 10/2016, trong bài phát biểu tại Lễ phát động Chương trình "Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2016 – 2021 và Ngày hội Thanh niên Khởi nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh: "Khởi nghiệp là một trong những thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo.

Chưa bao giờ khởi nghiệp được sự quan tâm của Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị như lúc này. Chưa bao giờ khởi nghiệp có những điều kiện thuận lợi như lúc này".

Điều kiện thuận lợi ở chỗ ngay khi nhấn mạnh năm 2016 là năm khởi nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp có vai trò của các bạn rất quan trọng, là nguồn lực mạnh, tạo ra việc làm, hình thành hệ thống chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp lớn, đóng vai trò xuất khẩu, hội nhập kinh tế”, Thủ tướng nói và cam kết, Nhà nước tạo dựng môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp.

Chính phủ đã đặt mục tiêu tới năm 2020, Việt Nam sẽ có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, tức là mỗi năm có thêm khoảng 100.000 doanh nghiệp thành lập mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016 - ảnh Báo Đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016 - ảnh Báo Đầu tư.

Theo các chuyên gia, những cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung và về thủ tục đăng ký kinh doanh nói riêng là nguyên nhân dẫn tới sự “bùng nổ” về lượng doanh nghiệp thành lập mới.  

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, cho rằng việc chuyển từ cơ chế xét duyệt sang cơ chế im lặng là đồng ý đã thay đổi căn bản chất lượng dịch vụ công. 

Khi thông báo các nội dung như cổ đông sáng lập, địa điểm kinh doanh, mẫu dấu..., doanh nghiệp có thể không phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh để nhận kết quả. Kết quả này được công khai tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, năm 2016 sẽ đi vào lịch sử kinh tế nước nhà là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.

Xác lập kỷ lục kinh tế Việt Nam nhờ tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ ảnh 3

9 tồn tại, hạn chế và 10 thành tựu nổi bật năm 2016 của đất nước

Bằng việc "hăng hái hơn trong việc thành lập doanh nghiệp", đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc cho rằng, điều này phản ánh "người dân đã bỏ phiếu cho Chính phủ". 

Niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy. Đó là dấu ấn quan trọng nhất của Chính phủ mới trong những ngày tháng đầu tiên.

Tinh thần khởi nghiệp Chính phủ đặt ra năm 2016 nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới doanh nhân.

Chủ tịch HĐQT FLC Group – ông Trịnh Văn Quyết, người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016 cho rằng: "Khởi nghiệp cần cẩn trọng, nhưng đừng thận trọng quá, vì nếu cứ ngồi tính toán rủi ro, bạn sẽ không làm gì được cả".

Doanh nhân nổi tiếng với việc "làm những điều không thể" ở khu nghỉ dưỡng 5 sao FLC Sầm Sơn và FLC Quy Nhơn khuyên các bạn trẻ tham khảo ý kiến của những người từng khởi nghiệp để lấy sự khích lệ và kinh nghiệm nhưng "đừng làm hoành tráng ngay từ đầu". 

Xác lập kỷ lục kinh tế Việt Nam nhờ tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ ảnh 4

"Câu chuyện có thật là doanh nghiệp bức xúc nhưng ngại kiến nghị"

Chủ tịch FLC Group khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp nếu thực sự đam mê và có phương án khả thi vì "nếu có thất bại về kinh doanh, bạn vẫn thu được kinh nghiệm".

Ông cho rằng, khởi nghiệp ở độ tuổi nào cũng được bởi quan trọng là ý tưởng, nhiệt huyết: "15 tuổi có cách khởi nghiệp của tuổi 15, người 80 tuổi lại có cách đi khác".  

Tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam là Phạm Nhật Vượng vẫn muốn mình và mọi nhân viên giữ được tinh thần của những ngày đầu tiên. Vì thế ông đã đổi slogan của Tập đoàn Vingroup từ "Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển" thành "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp" để "mọi người giữ mãi cái ngọn lửa ấy, ý chí ấy, tinh thần làm việc đấy".

Lý do là ông Vượng thấy công ty của mình còn "quá nhỏ bé so với các công ty khác trên thế giới, còn quá nhiều việc phải làm và chưa có gì để khoe khoang" nên phải "mãi mãi tinh thần khởi nghiệp". 

Chủ tịch Vingroup cho rằng, tập đoàn này đã phát triển nhưng chưa đạt mức thịnh mà có rất nhiều đỉnh cao khác cần phải đạt tới. 

Mai Anh