Xuất hiện nhiều tiểu xảo lách lãi suất

21/09/2011 12:08
Huy động vốn theo kỳ hạn ngày, tuần… sao cho “lãi mẹ đẻ lãi con” là một trong những thủ thuật vượt rào lãi suất đầu vào...
Sau khi có quyết định lãi suất tiền gửi VNĐ không quá 14%/năm thực thi được 2 tuần, thị trường lãi suất tương đối ổn định. Tuy nhiên, một số ngân hàng (NH) đang đối mặt nguy cơ nguồn vốn sụt giảm phải tìm cách “lách”.“Chiêu” kỳ hạn ngày Một trong những “chiêu” đang được nhiều NH áp dụng là tăng lãi suất huy động ngắn ngày (tính theo ngày hoặc tuần) chạm mức 14% để thu hút khách hàng. NH Phương Tây tung ra loại tiền gửi kỳ hạn 1,2,3,4,5,6 ngày, lãi suất đều ở mức 13,8%/năm (0,0386%/ngày). Nhiều NH khác cũng áp dụng lãi suất 14%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần, tiền gửi thanh toán. Câu hỏi đặt ra liệu mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn ngày, tuần có vượt trần lãi suất 14%/năm? Giả sử khách hàng gửi 100 triệu đồng theo kỳ hạn 1 ngày lãi suất 13,8%/năm thì ngày đầu tiên, người gửi nhận được số tiền lãi 38.600 đồng. Đến ngày thứ hai, số lãi này được cộng vào số tiền gửi ban đầu, cứ thế, “lãi mẹ đẻ lãi con” cho đến hết tháng thì lãi suất thực tế sẽ lên tới 15%-16%/năm. Tương tự, người gửi tiết kiệm theo kỳ hạn tuần, các khoản tiền gửi thanh toán cũng hưởng được lãi suất thực tế cao hơn 14%/năm...
Dòng vốn bắt đầu dịch chuyển mạnh khiến các NH nhỏ gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn.
Dòng vốn bắt đầu dịch chuyển mạnh khiến các NH nhỏ gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn.
Ngoài ra, do áp lực về chỉ tiêu huy động vốn nên các chi nhánh, phòng giao dịch của nhiều NH còn “vượt rào” lãi suất bằng chi trả trực tiếp phần lãi suất cộng thêm, chuyển tiền vào tài khoản cho người “đóng vai” giới thiệu khách hàng đến NH gửi tiền hoặc hợp thức hóa phần lãi suất trả thêm thông qua việc mua - bán vàng… Tuy nhiên, khi một trong những cách thức lách luật lãi suất có nguy cơ bị cơ quan quản lý phát hiện, một NH lớn đã đi trước một bước bằng cách kỷ luật cán bộ của mình nhằm “né” các biện pháp xử lý vi phạm lãi suất của NH Nhà nước. Dư luận cho rằng đây cũng là một tiểu xảo của NH liên quan đến lãi suất huy động vốn.Nguồn vốn dịch chuyển Do cùng một mặt bằng lãi suất đầu vào nên thị trường có sự chuyển dịch tiền từ NH này đến NH khác. Mặt khác, trước đây, một số doanh nghiệp tạm ngưng hoặc thu hẹp sản xuất, dùng vốn tự có gửi NH, nay lãi suất giảm mạnh, họ rút ra để kinh doanh. Từ đó, nguồn vốn của một số NH nhỏ sụt giảm, dẫn đến mất cân đối số vốn ra vào (thanh khoản) tạm thời nên những NH này buộc phải cạnh tranh huy động vốn theo kỳ hạn ngày, tuần… Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc NH Đông Á (DongA Bank), cho biết DongA Bank “bốc hơi” trung bình 20 tỉ đồng/ngày. Còn phó tổng giám đốc của một NH khác ở TPHCM cũng cho biết đang hết sức lo lắng khi nguồn vốn của NH mình sụt giảm 200 tỉ đồng sau gần 2 tuần áp dụng trần lãi suất 14%/năm, buộc phải vay vốn NH bạn với lãi suất 15%-16%/năm (kỳ hạn tuần) và 17%-18%/năm (kỳ hạn tháng). Trong khi đó, 12 NH lớn đang nắm giữ 80% thị phần cho biết nguồn vốn gần như không sụt giảm. Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc NH Hàng hải (Maritime Bank), nói tình hình huy động vốn của Maritime Bank không có biến động tiêu cực trong những ngày gần đây. Tổng Giám đốc NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Trương Văn Phước cũng khẳng định dư nợ cho vay không tăng nên Eximbank đang dư thừa vốn… TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng: Mặt bằng lãi suất đầu vào xuống còn 14%/năm, người dân rút tiền từ NH nhỏ đến gửi NH lớn là tất yếu. Mộ bộ phận dân cư cũng rút tiền để mua vàng, USD… mà biểu hiện của nó là giá vàng và tỉ giá ngoại tệ tự do trong những ngày gần đây đều tăng. Để sống còn, các NH nhỏ buộc phải vay vốn NH bạn, đồng thời cần thông báo trực tiếp “sức khỏe” của mình với NH Nhà nước để được tái cấp vốn.
Lãi suất cho vay vẫn còn rất cao

Tuần qua, dù nhiều NH đưa ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, 18% - 19%/năm, cá biệt có gói tín dụng chỉ trên 16%/năm cho nhiều đối tượng khách hàng, nhất là cho vay phục vụ xuất khẩu, có sử dụng các dịch vụ của NH… Tuy nhiên, ngoài các gói tín dụng ưu đãi, mặt bằng lãi suất cho vay của các NH nhìn chung vẫn còn trên dưới 20%/năm.

Tại nhiều NH, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh khoảng 22%- 23%/năm; lãi suất cho vay tiêu dùng từ 20%- 24%/năm; cho vay nhà đất từ 20,3% - 22,8%/năm và cho vay mua xe từ 21,8% - 23%...
Theo Người lao động