Yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu trả lại phần lợi nhuận do chênh lệch thuế

16/03/2016 07:43
Mai Anh
(GDVN) - "Rõ ràng doanh nghiệp đạt lợi nhuận lớn đến từ cách tính thuế sai. Do đó, không thể để doanh nghiệp "bỏ túi" phần chêch lệch này mà phải thu lại...".

“Tranh công đá trách nhiệm”

Ngay sau khi Bộ Công Thương ra thông cáo báo chí cho rằng, vấn đề áp thuế xuất nhập khẩu xăng dầu, tính toán giá bản lẻ xăng dầu là trách nhiệm Bộ Tài chính, dư luận đặt câu hỏi phải chăng cơ quan quản lý nhà nước đang đá trách nhiệm cho nhau? Liệu có những bất cập trong quản lý, điều hành giá xăng dầu hiện nay?

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia về giá, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính).

Cách tính thuế bấp cập dẫn đến giá xăng cao hơn - ảnh minh họa (nguồn ảnh: H.Lực).
Cách tính thuế bấp cập dẫn đến giá xăng cao hơn - ảnh minh họa (nguồn ảnh: H.Lực).

PGS.TS Ngô Trí Long phân tích, thị trường xăng dầu tại Việt Nam vẫn còn độc quyền nhóm hay nói cách khác, vẫn có doanh nghiệp nắm vị trí thống lĩnh thị trường, vì vậy giá bán lẻ xăng dầu do nhà nước định giá. 

Theo Nghị định 83, quy định Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trong công tác quản lý giá đối với mặt hàng xăng dầu.

Giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường dựa vào giá cơ sở, giá cơ sở và phương pháp tính giá mặt hàng xăng dầu lại do Bộ Tài chính quyết định. 

Giá cơ sở trong đó gồm nhiều yếu tố, thuế nhập khẩu là một trong các yếu tố để tính giá cơ sở. Khi thuế nhập khẩu thay đổi tăng lên làm giá bán lẻ xăng dầu tăng.

Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) thì từ 2015, thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu như diesel, dầu hỏa từ ASEAN chỉ có 5%, madut là 0% và từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ khu vực này sẽ hưởng thuế 0%.

PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) - ảnh Ngọc Quang.
PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) - ảnh Ngọc Quang.

Tuy nhiên thuế xuất nhập khẩu hiện đang áp với xăng là 20%, dầu diesel và mazut là 10%, dầu hỏa là 13%.

Sự chêch lệch thuế trong cách tính thuế nhập khẩu xuất phát từ thông tư của Bộ Tài chính trong phương pháp tính, dẫn việc tính thuế suất lệch 5%-10%. 

“Như vậy vô hình chung làm giá bán lẻ xăng dầu tăng lên, việc này xảy ra trong một thời gian dài. Cũng do tính mức thuế nhập khẩu chênh lệch cao hơn mức thuế thực thi nên giá bán lẻ tăng lên. Mức thuế chênh lệch này gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, PGS.TS Long cho biết. 

“Có một hiện tượng đối với cơ quan chức năng đó là khi có công thì tranh công, trách nhiệm thì đổ người khác. Vì vậy phân cấp quản lý nhà nước chỉ nên giao cho một đơn vị, tránh việc phối hợp không tốt đổ lỗi cho nhau”, PGS.TS Ngô Trí Long nêu ý kiến.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trách nhiệm chính ở đây thuộc về hai Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Bộ Công Thương với nhiệm vụ cơ quan quản lý, điều hành giá mặc dù phương pháp tính giá do Bộ Tài chính nhưng trong quá trình điều hành công tác giá xăng dầu phải thẩm tra lại cách tính giá.

Vai trò của Bộ Công Thương quản lý vấn đề thương mại hội nhập vì vậy nắm các chủ trương thỏa thuận hợp tác. Trách nhiệm của Bộ Công Thương xem xét cách tính giá, cái tắc trách là buông lỏng quản lý, chưa hoàn thành trách nhiệm.

Bên cạnh đó, với chức năng quản lý về thuế, lại không theo dõi cập nhật cụ thể mà lại để cách tính sai trong thời gian dài gây thiệt hại cho người dân, Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm. 

“Sai sót cách tính thuế cao hơn mức thuế mà các hiệp định thương mại đã ký xảy ra trong thời gian dài lỗi ở cả hai bên, trách nhiệm cả ở hai bên. Cách giải quyết hai Bộ Công Thương và Tài chính phải xem xét trách nhiệm cá nhân để xử lý, có chế tài xử lý nghiêm minh cụ thể, không thể để tình trạng ra thông cáo báo chí, anh này đổ lỗi anh kia được", ông Long thẳng thắn.

Doanh nghiệp xăng dầu phải trả lại phần lợi nhuận "khủng"

Trở lại vấn đề, cách tính thuế cao dẫn đến giá bán lẻ xăng dầu cao, ai được lợi?

PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định, với cách tính thuế như trên chắc chắn giá bán cao hơn 5%, lẽ tất nhiên doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi. 

Trong năm 2015 nhà nước phải hoàn thuế cho doanh nghiệp 35.000 tỷ đồng trong đó riêng thuế xăng dầu 3.500 tỷ đồng.

Không chỉ được hưởng phần chênh lệch này, doanh nghiệp xăng dầu còn được hoàn thuế khi nhập khẩu xăng ở những nước có hiệp định thương mại với Việt Nam. 

Doanh nghiệp nắm bắt cơ chế chính sách, nắm bắt thỏa thuận thương mại Việt Nam với các nước. Vì vậy khi nhập khẩu xăng dầu, doanh nghiệp ưu tiên nhập xăng dầu ở những nước có hiệp định thương mại với Việt Nam, có ưu tiên thuế xuất nhập khẩu.

Khi đóng thuế nhập khẩu, doanh nghiệp đóng đủ theo quy định như với xăng là 20%, dầu diesel và mazut là 10%, dầu hỏa là 13%. 

Khi tính giá bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp dựa vào thuế suất doanh nghiệp đóng cho ngành thuế. Mức thuế này vốn dĩ doanh nghiệp đã được hưởng lợi nhuận do cách tính thuế cao.

Mặt khác, mặc dù đóng thuế nhập khẩu cao nhưng doanh nghiệp có đầy đủ chứng từ nguồn gốc xăng dầu ở những nước có hiệp định thương mại với Việt Nam, có chính sách ưu tiên thuế nhập khẩu. Dựa vào đó doanh nghiệp được hoàn thuế một phần.

Điều đó lý giải vì sao năm vừa qua doanh nghiệp xăng dầu lãi "khủng".

"Như thế rõ ràng doanh nghiệp đạt lợi nhuận lớn đến từ cách tính thuế sai. Dù nhà nước có trách nhiệm nhưng không thể để doanh nghiệp "bỏ túi" phần chêch lệch này mà phải thu lại, trả lại cho người tiêu dùng bằng cách đưa vào quỹ bình ổn giá để khi giá cả biến động quay lại hỗ trợ người dân", chuyên gia Ngô Trí Long đề xuất.

Mai Anh