Lại xuất hiện hàng loạt cây xăng găm hàng, "hét" giá

03/05/2011 08:13
(GDVN) – Sau tin đồn xăng dầu tăng giá, tình trạng "găm hàng", ngừng bán lại xảy ra ở nhiều cây xăng trên địa bàn huyện Yên Mô (Ninh Bình), Lâm Hà (Lâm Đồng)...

(GDVN) – Sau tin đồn xăng dầu tăng giá, liên tiếp những ngày vừa qua, nhiều cây xăng trên địa bàn một số xã huyện Yên Mô (Ninh Bình), Lâm Hà (Lâm Đồng) lại xảy ra tình trạng “găm” xăng, hạn chế lượng hàng bán ra, thậm chí, đột ngột ngừng bán.

>> 21h đêm, đổ xô đi mua xăng vì tin đồn xăng tăng giá 25.000 đồng/lít

“Để mua được 20.000 đồng tiền xăng, tôi phải đi xa mấy cây số, riêng tiền xăng đi lại cũng mất khoảng 10.000 đồng. Bực mình nhất là cửa hàng bán xăng nhỏ giọt, cầm chừng”, mhững người dân ở xã Yên Từ (Yên Mô, Ninh Bình) không ngớt lời than thở khi việc mua xăng trở nên quá khó khăn trong những ngày nghỉ lễ 30/4

Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã tạm thời đóng cửa, ngừng bán.
Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm thời ngừng bán.
Sáng 3/5, thấy mọi người trong xóm xôn xao về tin đồn xăng sắp tăng giá, bác Bùi Văn Chung (xã Yên Từ) vội vàng lấy xe dự định đổ đầy bình xăng gần 4 lít của mình. Lên đầu làng, cây xăng Đ.T duy nhất của xã đã đóng cửa, một số hộ quanh đấy cho biết: Cửa hàng xăng này nghỉ bán hàng từ mấy ngày gần đây.  “Khi giá xăng ổn định, họ bán hàng bình thường, mở cửa thường xuyên, còn vào những lúc như thế này, họ bán hàng rất thất thường, có thể nói là “vô tội vạ”, nhiều người cứ chủ quan, tin là xã mình có cây xăng, cuối cùng lại phải dắt bộ đi chỗ khác đổ xăng”, chị Khánh, người dân ở Yên Mô cho biết.

Không chỉ có xã Yên Từ xuất hiện tình trạng “găm hàng” chờ tăng giá, nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu khác tại các xã lân cận như Yên Phong, Yên Nhân,… đều đồng loạt ngừng hoạt động, bán cầm chừng vì những lý do khác nhau.

Tại cây xăng ở Chợ Lồng (Yên Phong, Yên Mô), nhân viên bán hàng thông báo: Khách hàng chỉ được đổ tối đa 1 lít khiến không ít người dân ngơ ngác, bất bình. Với những ai lớn tiếng thắc mắc về “quy định vô lý” này, cô nhân viên chỉ trả lời gọn lỏn: “Sếp cháu bảo chỉ được bán thế! Bác muốn hỏi thì lên gặp sếp”.

Đi tới 2 điểm mà vẫn chưa mua được số lượng xăng như mong muốn, bác Chung lại lạch cạch chạy xe về xã Yên Nhân (xã kế cạch, cách đó 2km). Mới đầu giờ chiều, cây xăng này đã kéo rào sắt chắn ngang phía trước nghỉ bán hàng. Phía trong, treo một tấm phông đỏ, trên đó viết phấn trắng: “Nghỉ bán hàng, chờ thẩm định máy”.

Trăm nghìn lý do khác nhau để nghỉ bán xăng.
Đại lý đưa ra nhiều lý do khác nhau để nghỉ bán xăng.
Không chỉ “găm hàng”, một số địa chỉ tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) chỉ sẵn sàng phục vụ người dân mua xăng với giá cao “cắt cổ”, từ 25.000 – 26.000đ/lít, trong khi, giá phổ biến là 21.300 – 22.000 đồng.

Sáng 2/5, tại xã Tân Hà (huyện Lâm Hà), nhiều người dân đi mua xăng đã phải rút “hầu bao” nhiều hơn so với bình thường. Tại một số điểm bán xăng lẻ nằm ngay trung tâm xã Tân Hà, giá xăng mà nhân viên tính tiền ở đây lên tới 25 - 26.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, mới hơn 10 giờ sáng, cây xăng Chí Thành đã thông báo hết xăng, nghỉ bán.

Một người dân trú tại xã Đan Phượng, Lâm Hà bức xúc: “Nhà tôi cách đây 10km, giờ muốn mua xăng để đi về nhưng họ không bán mặc dù nhân viên của cây xăng đã báo giá 24.700đ/lít”.

Theo khảo sát trong ngày 2/5, nhiều cây xăng khác trên địa bàn huyện Lâm Hà cũng xảy ra tình trạng tương tự, khiến người dân nơi đây gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt, sản xuất…

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên giaoduc.net.vn, mặc dù chưa xảy ra tình trạng đóng cửa, “găm hàng” chờ lên giá nhưng tình trạng đóng cửa sớm nghỉ ăn trưa, ăn tối vẫn thường xuyên xảy ra. Không ít lần, tầm 11h trưa, người đi đường đã nhìn thấy những tấm biển: “Nghỉ ăn trưa” đặt phía trước cây xăng quanh khu vực Ngã Tư Sở, nhiều người tới  định đổ xăng lại phải quay về.

Trong khi, trước đó, ngày 28/4, Bộ Công Thương vừa có văn bản số 3741/BCT-TTTN gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải thực hiện nghiêm chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về kinh doanh xăng dầu. “Đồng thời, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình, bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời số lượng, chủng loại xăng dầu cho thị trường, ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu cả về lượng và cơ cấu chủng loại, theo kế hoạch tiêu thụ đã được xác định hàng năm của doanh nghiệp...”, Bộ Công thương khẳng định.

Vào tháng 2/2011, khi xảy ra hàng loạt vụ việc “găm xăng” diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương đã khẳng định sẽ xử lý nghiêm các đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, chờ tăng giá… Đối với các trường hợp còn hàng nhưng không bán phải lập biên bản và rút giấy phép hoạt động. Trường hợp không có hàng bán phải truy ngược lên hệ thống xem tắc ở khâu nào để tháo gỡ kịp thời.

Ngoài ra, mong muốn sự phối hợp, hợp tác của người dân, cục QLTT đã lập ra đường dây nóng tiếp nhận thông tin. Do đó, nếu phát hiện cửa hàng nào găm hàng, người dân có thể gọi điện thoại báo theo số 0943868839- 04 39348103 để kịp thời phản ánh.

Bài, ảnh: Tiểu Phương

>> 21h đêm, đổ xô đi mua xăng vì tin đồn xăng tăng giá 25.000 đồng/lít