Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành:

“Lẽ ra nên cân nhắc trước khi cho Coca Cola vào Việt Nam”

01/02/2013 10:22
Tiểu Phương
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành: Việc Coca Cola nhập nguyên liệu ở công ty mẹ và liên tục báo lỗ có thể không vi phạm pháp luật, tuy nhiên, điều đáng nói là cơ quan chức năng Việt Nam cần cân nhắc các điều khoản thỏa thuận trước khi cho công ty này gia nhập thị trường VN.
 
Coca Cola không vi phạm luật
Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng: Để xảy ra “nghi án né thuế” đối với hàng loạt các “đại gia” có tên tuổi - các công ty đa quốc gia tại Việt Nam trong đó điển hình là Coca Cola, phần lớn là “tại mình”.
Ông Bùi Kiến Thành cho biết: Khi Coca Cola vào Việt Nam, 2 bên có thỏa thuận: Việt Nam giữ cổ phần 30% còn Coca chiếm 70%. Coca chỉ được làm việc với tư cách là liên doanh, phần của Việt Nam là đất đai, công sức thực hiện các thủ tục giấy tờ...

Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành cho biết: Coca Cola không hề vi phạm pháp luật, điều đáng nói là Coca Cola kiếm lời về cho công ty mẹ, chứ không phải ở Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành cho biết: Coca Cola không hề vi phạm pháp luật, điều đáng nói là Coca Cola kiếm lời về cho công ty mẹ, chứ không phải ở Việt Nam.
Theo ghi nhận của vị chuyên gia tài chính người Mỹ gốc Việt này, những năm đầu tiên Coca Cola vào Việt Nam, hãng đồ uống này đều báo lỗ, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ số tiền rót vào quảng cáo, quảng bá thương hiệu của Coca quá lớn, chiếm đến 30 – 40% thu nhập. Tình trạng lỗ này cứ diễn ra triền miên từ 5 – 7 năm, với mỗi năm lỗ, Coca Cola yêu cầu phía Việt Nam đóng thêm tiền vào khoản lỗ đó, nhằm phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu của Coca Cola. 
Đối với “nghi án né thuế” của Coca Cola, theo chuyên gia Bùi Kiến Thành: “Mình có lỗi ở việc không kiểm soát được phương thức và dự án kinh doanh của Coca”.
Thứ nhất, không kiểm soát được việc để Coca “cố ý” tạo ra khoản lỗ, chi khoản tiền lớn để phục vụ cho việc phát triển thương hiệu.
Thứ hai, khi Coca Cola làm ăn phát đạt như hiện nay, công ty đa quốc gia này lại mua nước cốt của tổ chức mẹ. Coca Cola VN không tự sản xuất ra nước cốt mà phải mua nước cốt về pha trộn để bán.
Xét về bản chất, “người làm lời ở đây không phải là Coca Cola Việt Nam mà là Coca Cola bên Mỹ. Ở mọi nước trên thế giới, Coca Cola đều thực hiện phương thức kinh doanh này. Công ty Coca Cola tại nước bản địa sẽ không có lời mà lời ở người bán nước cốt. Giả dụ chi phí nước cốt ở Mỹ chỉ có giá 1 đô la nhưng khi bán sang Việt Nam sẽ nâng lên thành 100 đô la… Chính sách hoạt động của người ta (Coca Cola – pv) là làm sao có thể chuyển được lợi nhuận ra ngoài bằng cách mua nguyên liệu bên Mỹ với giá cao - Đó là hợp đồng kinh doanh của họ và điều này là hoàn toàn hợp pháp” – ông Thành nhận định.

Lỗi tại Việt Nam?

Theo ông Thành, việc Coca Cola khai lỗ vì mua nguyên liệu cao hoặc trả lương cho nhân viên cao,… – không hề vi phạm luật pháp, Coca không làm kế toán giả hoặc làm gì trái luật.
Nó cũng giống như việc các công ty may mặc nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu từ Trung Quốc, về Việt nam sản xuất ra áo tại VN, có thể gắn mác của nước ngoài, trả lương cho nhân viên Việt Nam ít ỏi, bán sản phẩm ở Việt Nam với giá rẻ (tương đương với giá thành sản xuất) để doanh thu không có lãi, nhưng lại bán sản phẩm này ra nước ngoài với giá cao hơn gấp nhiều lần để kiếm về lợi nhuận. 
Ví dụ, một chiếc áo sơ mi, nguyên liệu đầu vào cộng với giá gia công của VN tạo ra tổng chi phí là 10,5 đô la, các công ty may mặc sẽ bán ra 11 đô la. Nhưng khi đưa sang bán ở Châu Âu bán 50 đô la chẳng hạn, bao nhiêu phần lời rơi vào túi họ. Điều này cũng hoàn toàn không vi phạm luật pháp.
Do vậy, chuyển giá không có gì sai về luật, “chỉ có điều, nếu chúng ta đã biết được thực trạng này, khi cấp giấy phép cho họ vào VN phải tính toán các điều khoản sao cho phù hợp… Mình là chủ nhà, mình phải cân nhắc, có cho các công ty đa quốc gia vào để tạo công ăn việc làm cho VN hay không, mình có chấp nhận những thỏa hiệp của họ không hay chỉ đặt vấn đề về thuế? - Điều này phải thực sự cân nhắc kỹ trước khi quyết định hợp tác và có những quy định rõ ràng” – Chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.

Lợi nhuận của Coca Cola nằm ở đâu?

Chuyện Coca Cola dính “nghi án né thuế”, chuyển giá, theo TS. Bùi Kiến Thành đã tồn tại 100 năm nay ở nhiều quốc gia. Coca Cola mở ra chi nhánh ở bất cứ quốc gia nào, chỉ nhằm mục đích kiếm lợi từ việc chi nhánh đó mua nước cốt của tổ chức mẹ. Ở Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Hơn 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, hãng đồ uống nổi tiếng này liên tục báo lỗ, chưa phải đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào cũng là điều dễ hiểu, bởi Coca Cola lời ở việc bán nước cốt bên Mỹ, chứ không phải ở việc bán chai ở VN. 
Đó cũng là nguyên nhân lý giải cho nghịch lý, tại sao mà Coca Cola lỗ những vẫn sẵn sàng dốc sức “đổ tiền” vào Việt Nam. Đơn cử như việc Tập đoàn Coca-Cola công bố khoản đầu tư mới trị giá 300 triệu USD (trong ba năm tới) nhằm nắm bắt các cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam, thị trường được Coca Cola đánh giá là có tiềm năng lớn trên thế giới.

Để xảy ra "nghi án né thuế" đối với Coca Cola hay các công ty đa quốc gia khác, theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, "lỗi là tại mình", VN lẽ ra phải cân nhắc rõ ràng các điều khoản trước khi quyết định chấp thuận để Coca vào VN.
Để xảy ra "nghi án né thuế" đối với Coca Cola hay các công ty đa quốc gia khác, theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, "lỗi là tại mình", VN lẽ ra phải cân nhắc rõ ràng các điều khoản trước khi quyết định chấp thuận để Coca vào VN.
“Điều quan trọng là Coca Cola lãi khi bán nước cốt ở bên Mỹ, chứ không nhằm mục đích lãi chỉ ở VN” – ông Thành nói.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành kể: Hồi bà Indira Gandhi làm thủ tướng ở Ấn Độ, bà phản đối Coca Cola vào Ấn Độ. Bà Indira Gandhi đề nghị: Khi vào hoạt động, Coca Cola phải công bố công thức nước cốt và trực tiếp sản xuất tại Ấn Độ, chứ không được mua từ công ty mẹ để đem sang Ấn. Nhưng Coca Cola không đồng ý, công thức nước cốt này phải được bảo mật. Sau đó, không đạt được sự đồng thuận giữa 2 bên, Coca Cola đã phải ra đi, chấm dứt tại Ấn Độ.
Quay trở lại vấn đề này, Việt Nam có cứng rắn để có thể từ chối Coca Cola như bà Indira Gandhi hay không, điều đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố, chứ không thể đơn phương như Ấn Độ được.
“Tôi khẳng định lại là Coca Cola hoàn toàn đúng pháp luật. Công ty này nuôi hàng trăm nhân sự là luật sư, vì vậy, không ai có thể bắt bẻ được, ngay cả Chính phủ Mỹ, vì nhóm luật sư đông đảo này nghiên cứu luật pháp  rất kỹ. Khi Chính phủ Việt Nam đã cho Coca Cola vào nước mình đầu tư, đã được cấp phép thì chúng ta không có cơ sở luật pháp để kiện Coca Cola”, ông Thành khẳng định.
Về cơ sở pháp lý thì đúng là như vậy, tuy nhiên, không ít doanh nghiệp Việt Nam cũng như nhiều người tiêu dùng đều thấy bất công bằng và cho rằng, Coca Cola “chơi” như thế là “không đẹp”. 
Trên mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, phong trào tẩy chay Coca Cola được hiện thực hóa qua những trang mới, liên tục được lập ra cùng lời bày tỏ: “Nơi thể hiện thái độ của người tiêu dùng Việt Nam về cách hành xử của các doanh nghiệp lớn từ chối trách nhiệm đóng góp cho xã hội nơi họ kinh doanh” – Có lẽ đó là cách mà người dân Việt Nam “phản ứng” trước nghi án né thuế này của Coca Cola, cũng giống như phong trào phản đối kịch liệt của nước Anh khi hãng cà phê nổi tiếng Hoa Kỳ trốn thuế.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Tiểu Phương