Những ngày cuối năm 2012, Công an thành phố Hà Nội phát hiện một công ty tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội sản xuất đồ uống đóng chai bằng nước giếng khoan, cùng chất tạo ngọt Trung Quốc. Qua kiểm tra tại đây, chủ cơ sở còn “bật mí”, “công nghệ” này hiện được nhiều doanh nghiệp ở La Phù áp dụng. Tiếp tục kiểm tra, công an Hà Nội còn phát hiện công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Mai (La Phù, huyện Hoài Đức) cũng có biểu hiện vi phạm tương tự. Làm việc với lực lượng chức năng, ông Nguyễn Hữu Mạnh (sinh năm 1979) - giám đốc công ty thừa nhận, doanh nghiệp hoạt động từ năm 2011, song không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Nước ngọt có ga được cơ sở này sản xuất từ nước giếng khoan, hòa với đường Trung Quốc, hương liệu tạo mùi các loại (cam, chanh, cola).
Đường Cyclamate được lực lượng chức năng thu giữ tại cơ sở |
Trung bình, cứ 100ml nước cốt đã qua pha chế, hòa với nước giếng khoan, sục qua khí CO2 sẽ cho “ra lò” chai nước ngọt loại 1,5 lít. Các sản phẩm này sau đó được dán tem nhãn, đóng gói na ná với kiểu dáng các sản phẩm mang thương hiệu, song bán ra thị trường với giá chỉ 1.100 đồng. Với “công nghệ” sản xuất thủ công, trung bình mỗi ngày doanh nghiệp này cho “ra lò” 150 lít nước ngọt, tương đương 100 chai loại 1,5 lít. Kiểm tra các nguyên liệu sản xuất nước ngọt tại đây, lực lượng chức năng xác định, tất cả đều mua trôi nổi ngoài thị trường (chất tạo màu, tạo ngọt, tạo mùi) với giá siêu rẻ, không qua kiểm định chất lượng. Đặc biệt, Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường còn phát hiện, thu giữ 1 túi đường Cyclamate (loại phụ gia không nằm trong danh mục các chất được sử dụng trong thực phẩm, gây hại đến sức khỏe người sử dụng) tại cơ sở này.Rượu vang “nấu” từ cồn công nghiệp Ngoài kinh doanh nước ngọt đóng chai có ga, công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Mai còn sản xuất nhiều loại rượu như: champagne, rượu vang nổ, rượu nho. Theo ông Nguyễn Hữu Mạnh, rượu sản xuất với công thức gần giống nước ngọt, tức là làm từ nước giếng khoan, hòa với đường, hương liệu, chất tạo màu (không rõ nguồn gốc); riêng rượu vang nổ và champagne sục thêm khí CO2 tạo ga. Đúng như “bật mí” của một chủ cơ sở kinh doanh rượu từng bị kiểm tra cuối năm 2012, kiểm tra thực tế ở khu vực sản xuất của công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Mai, lực lượng chức năng phát hiện trên 100 lít cồn công nghiệp. Giám đốc công ty này thừa nhận, cồn công nghiệp mua trôi nổi ngoài thị trường chính là nguyên liệu để “nấu” rượu. Trung bình ngỗi ngày cơ sở này “sản xuất” được khoảng 100 lít rượu các loại. Một cán bộ phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho hay: cồn công nghiệp không nằm trong danh mục các phụ gia được sử dụng trong thực phẩm, sản xuất đồ uống vì có chứa Methanol - chất có thể gây ngộ độc. Các sản phẩm rượu vang, champagne do cơ sở này sản xuất được chào bán giá chỉ hơn 10.000 đồng/chai. Kết thúc buổi kiểm tra, lực lượng chức năng đã niêm phong, tạm giữ toàn bộ số cồn công nghiệp, nguyên phụ liệu sản xuất nước ngọt không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, đường Cyclamate, trên 1.500 chai rượu, nước ngọt thành phẩm tại công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Mai.
Theo An ninh thủ đô