Quy định cấm nhưng... quá nhẹ
Thảo luận về dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều nay, Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP.HCM) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu thực trạng hàng nghìn hec-ta đất tại rất nhiều dự án ở các địa phương thu tiền của dân hàng chục năm nay nhưng vẫn bỏ hoang hóa.
“Dân thì không có nhà, đến nơi vẫn là bãi cỏ hoang. Thậm chí nhiều chủ đầu tư không thức hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, tức là không đóng thuế quyền sử dụng đất. Như vậy là lừa cả người dân, lừa cả nhà nước. Như vậy là đại lừa”, Đại biểu Đương nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, dự thảo Luật kinh doanh BĐS đã quy định những hành vi bị cấm, tuy nhiên theo Đại biểu Đương thì quy định còn quá nhẹ.
Đại biểu Đương nói: “Tôi đề nghị phải quy định những hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong kinh doanh BĐS. Thứ nhất là gian lận, lừa dối trong kinh doanh, cần truy tố, quy tội lừa đảo.
Thứ hai là huy động, chiếm dụng vốn trái phép. Sau này kiến nghị trong Bộ luật hình sự bổ sung quy định này, chứ để chiếm dụng vốn trái phép thế này rất nguy hiểm. Không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì tùy theo mức độ, có thể bị truy tố về tội trốn thuế. Phải mạnh dạn quy định như vậy để sau này ngăn chặn các hành vi lừa đảo, chụp giựt trong kinh doanh BĐS”.
ĐBQH Đỗ Văn Đương - đoàn TP.HCM |
Cũng theo Đại biểu Đương, luật này quy định mua nhà ở hình thành trong tương lai, nếu sơ hở, không cẩn thận khách hàng dễ bị lừa.
“Khi nghiên cứu về vấn đề này, tôi thấy quyền của khách hàng chưa được bảo đảm. Thí dụ, Điều 56 nói về bảo lãnh, mua nhà trong tương lai. Tại Khoản 3 nói: Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản thỏa thuận.
Tôi cho rằng trong trường hợp BĐS trầm lắng giá đất giảm xuống thì còn có thể được, nhưng trong trường hợp giá tăng mà anh lại bầy hầy không trả hoặc hoàn trả theo giá cũ thì thiệt hại cho người mua nhà. Thí dụ khi tôi nộp 1 tỷ nhưng qua nhiều năm anh không thực hiện đúng nghĩa vụ, sau này giá trị lên tới 2 tỷ thì phải trả tôi tại thời điểm thanh toán tức là 2 tỷ chứ không thể 1 tỷ được. Tôi đề nghị phải quy định rõ vấn đề này, bởi vì chủ đầu tư rất dễ lợi dụng, còn khách hàng rất dễ bị thiệt”, ông Đương bày tỏ.
Cùng quan điểm này, Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM) chỉ rõ: “Tình trạng người dân góp tiền mua nhà, nhưng chủ đầu tư lại sử dụng sai mục đích xảy ra khá phổ biến hiện nay. Do vậy, cần quy định, nếu người dân góp vốn để mua nhà trong tương lai, tiền góp phải được mở tài khoản ở ngân hàng, chỉ được giải ngân cho công trình, cấm sử dụng vào mục đích khác, để bảo vệ quyền lợi người mua nhà. Ở nước khác, nếu tiền góp vốn của người mua mà chủ công trình đem làm việc khác thì sẽ bị tội hình sự”.
Quyền của người mua nhà chưa được bảo đảm
Ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ĐBQH đoàn Sóc Trăng) phát biểu với tư cách là người mua nhà: “Chúng ta đang thiên về bảo vệ quyền của người kinh doanh mà không bảo vệ quyền của người mua nhà.
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên - đoàn Sóc Trăng. |
Ông Kiên nêu vấn đề, nhà chung cư bao giờ cũng có thời hạn sử dụng, vậy trong quá trình ấy sửa chữa như thế nào, quản lý vốn bảo trì thì giao cho ai?
“Ở các nước khác khi làm việc ấy thì không thu ngay một lần 2% như ở ta mà thu hàng năm. Ở một số nước châu Âu, sau 15 năm còn tiến hành sửa lại nhà nhằm tiết kiệm năng lượng. Còn quy định của ta thì chưa có nên tôi thấy băn khoăn.
Một điểm nữa là chúng ta nói đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống rửa tiền, thế nhưng trong việc mua bán nhà thì chúng ta lại gạt ngân hàng ra. Ở các nước thì mọi giao dịch phải qua ngân hàng”, ông Kiên nói.
Bên cạnh đó, một nội dung khác rất quan trọng và được nhiều người dân quan tâm đó là khi chung cư hết hạn sau 70 năm thì xử lý phần đất đó thế nào? Ông Kiên nêu thí dụ các khu chung cư cũ tại phố Nguyễn Công Chứ, Kim Liên (Hà Nội) nhiều năm liền rơi vào tình trạng không thể giải phóng mặt bằng và đề nghị cần quy định rõ vấn đề này trong luật.