Luật biểu tình, án tử và lời dạy của người xưa

31/05/2015 07:34
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Luật biểu tình và án tử hình, việc cần thì phải làm ngay, việc không cần thì đừng bận tâm, hãy dành thời gian và tiền của giữ đất, giữ trời, giữ biển đảo.

Báo chí đưa tin, trong kỳ họp Quốc hội thứ 9 khóa 11, có đại biểu  “thiết tha đề nghị Quốc hội cho ý kiến dự án Luật biểu tình vào kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ thứ 11 vào quý I năm 2016”.

Lý do của đề nghị, như ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Đặc biệt, trong tình hình Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta, nên người dân rất muốn có điều kiện để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và tình cảm, phản ứng của họ. Nếu có Luật biểu tình thì rất tốt”. [1]

Hơn ba năm trước, Quốc hội đã thông qua nghị quyết đưa dự Luật Biểu tình vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật và pháp lệnh nhiệm kỳ 13.

Tại buổi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng 25/11/2011 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Luật biểu tình phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam, thông lệ quốc tế và cũng để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân. Đồng thời luật này cũng có yêu cầu là ngăn chặn những việc làm, những hành vi gây xâm hại đến an ninh trật tự, đến lợi ích của xã hội và nhân dân”. [2]

Luật biểu tình, án tử và lời dạy của người xưa ảnh 1

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng lắng nghe phản biện của đội ngũ trí thức

(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội Liên Hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam tích cực triển khai hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội.

Ba năm sau khi Quốc hội ra nghị quyết về Luật Biểu tình, cuối năm 2014 vẫn có ý kiến trong Chính phủ đề xuất rút Dự Luật ra khỏi chương trình xây dựng luật và pháp lệnh khóa 13 và chương trình năm 2015.

Tuy nhiên, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30/12/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: “Hiến pháp quy định người dân có quyền biểu tình, đồng thời cũng quy định việc hạn chế quyền của người dân phải do luật định. Do đó Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật này cần tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội theo đúng chương trình; nghiên cứu kỹ và chỉ nên xin lùi thời điểm trình Dự án Luật”. [3]

Tranh luận tại kỳ họp này về Luật Biểu tình, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “không phải tự nhiên mà Thủ tướng chủ động đề nghị đưa vào chương trình luật pháp về biểu tình. Đương nhiên đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, chúng ta phải có lộ trình thích hợp, thận trọng, nhưng không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường trong thế giới hiện nay". [2]

Như vậy không thể nói rằng thời gian chuẩn bị là quá ngắn, hay thiếu nhân lực và chuyên gia pháp lý soạn thảo dự án luật.

Một khi Thủ tướng đã hai lần nhấn mạnh về sự cần thiết, đã chỉ thị đích danh cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo mà dự án luật vẫn bị chậm trễ thì phải đặt câu hỏi về nguyên nhân và trách nhiệm của những người chịu trách nhiệm.

Chấp nhận quyền biểu tình, luật hóa quyền biểu tình chính là tôn trọng hiến pháp, tôn trọng quyền công dân. Vậy nên chậm trễ thông qua, chậm trễ ban hành luật sẽ khiến không chỉ người dân mà còn dư luận quốc tế đặt câu hỏi lý do chậm trễ là gì?

Trước mưu đồ và thực tế xâm lược mà nước ngoài đang thực hiện trên biển Đông, không thể không tạo điều kiện cho người dân biểu lộ thái độ.

Trước âm mưu và hành động lợi dụng để gây rối, kích động tâm lý đám đông, đập phá các cơ sở sản xuất, kinh tế như đã từng xảy ra, ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế của nhà nước, không thể không nghiêm trị kẻ chủ mưu.

Một dự án luật liên quan đến quyền hiến định của công dân, Quốc hội đã có kế hoạch, Thủ tướng đã hai lần nhắc nhở vậy mà hơn ba năm, sắp bốn năm chưa hoàn thành dự thảo, chưa thể trình Quốc hội, có lẽ đây là trường hợp hiếm hoi trên thế giới.

Nói hiếm hoi vì không chỉ Quốc hội mà cả người đứng đầu chính phủ đều thống nhất quan điểm, chỉ có cấp dưới là chưa xong, vậy là cả Quốc hội, cả Thủ tướng đều phải chờ, còn người dân thì có lẽ là nên tranh thủ làm thơ, xin mạn phép gieo vần như sau:

Quốc hội, Thủ tướng còn chờ (dự án luật)

Bà con nếu vội xem nhờ phim Nga! (phim Hãy đợi đấy)

Còn về ý kiến bỏ án tử hình với tội tham nhũng và tội vận chuyển chất ma túy đang được một số người đề xuất thì nên hiểu thế nào?

Luật biểu tình, án tử và lời dạy của người xưa ảnh 2

Nhân đạo với con sói là tiếp tay giết bầy cừu

(GDVN) - Bài viết này của tác giả Trần Sơn mang đến cho quý vị một góc nhìn riêng về án tử hình của một người thầy giáo...

Xét về phạm vi ảnh hưởng thì tội phạm ma túy ảnh hưởng đến một số gia đình, một số đối tượng trong đó phổ biến là thanh niên, tuy nhiên nếu dựa vào số liệu đã công bố, rằng mỗi năm ngành công an xử lý khoảng 16.000 vụ án ma túy thì số đối tượng phạm tội và số người bị ảnh hưởng cũng ở mức trên con số ấy.

Trong khi đó thì tội tham nhũng ảnh hưởng đến toàn xã hội, làm băng hoại đạo đức, phá hoại nền kinh tế, làm suy giảm lòng tin của dân vào lãnh đạo, vào chế độ, điều này đã được Đảng khẳng định trong nhiều văn bản, nghị quyết.

Tham nhũng được xem là giặc nội xâm, đã là giặc thì phải tiêu diệt, không bao giờ có chuyện thỏa hiệp với giặc.

Hãy nhìn một số cán bộ từ cấp phường xã trở lên mà xem, tài sản của họ gấp bao nhiêu lần người nông dân? Nói như ông Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.

“Kinh khủng hơn cả địa chủ, tư sản ngày xưa” nghĩa là thế nào?

Là ở chỗ không ít người giàu ngày nay vừa có tiền, vừa có quyền, lại còn có chỗ dựa chắc chắn, chẳng thế mà khi rục rịch bị pháp luật sờ gáy họ lập tức chuẩn bị đối phó.

Cách đối phó của họ đâu có tầm thường kiểu Chí Phèo rạch mặt ăn vạ, không loại trừ giả thiết họ đòi sửa cả luật để miễn án tử hình. Tham nhũng 100 tỷ, trả lại 50 tỷ là “ngon rồi”, ung dung ngồi tù độ trên dưới chục năm rồi giảm án, ân  xá ..., rồi về tiêu nốt 50 tỷ còn lại, có mà buôn vua như Lã Bất Vi cũng chẳng hơn, vậy thì tội gì mà không tham nhũng?

Nhiều báo nêu tên các vị đại biểu phản đối bãi bỏ án tử hình tội tham nhũng như ông Nguyễn Xuân Tỷ, ông Vương Đình Huệ, Tướng Nguyễn Đức Chung… nhưng né tránh không nêu tên những người đề xuất bỏ án tử hình.

Thiết nghĩ họ cũng có “cái lý” khi nêu đề xuất này, có thể cái lý của họ là lòng “nhân đạo”, rằng “mạng sống con người là quý nhất” vân vân… nên những người giàu như quan tham nhũng không nên tử hình họ, nên để họ sống để chuộc lỗi?

Luật biểu tình, án tử và lời dạy của người xưa ảnh 3

Tướng Chung kịch liệt phản đối bỏ tử hình với người phạm tội “tham nhũng”

(GDVN) - Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho rằng, nhiều người vì cuộc sống đi buôn ma túy bị xử tử hình, trong khi cán bộ tham nhũng lại không tử hình là bất công bằng.

Giá mà người dân biết được những ai đề xuất bỏ án tử với tội tham nhũng? Giá mà người dân biết được tài sản của họ, giá mà truyền thông mạnh dạn thêm tí nữa, minh bạch họ tên tài sản của họ cho dân biết.

Nếu mà họ nghèo như những người dân Nghệ - Tĩnh đang mặc áo tơi giữa trời nắng trên 40 độ ngoài đồng thì chắc chắn người dân sẽ thông cảm với đề xuất của họ, và người viết, dẫu không đồng tình với đề xuất của họ, vẫn dành cho họ lòng ngưỡng mộ.

Liệu có phải đang có một sự chuyển hướng, các phần tử thuộc “bộ phận không nhỏ” đang cảm nhận cái nóng của ngọn lửa mà lòng dân hun đúc nên họ đang liên kết lại, đang thay đổi chiến thuật từ “hy sinh đời bố, củng cố đời con” sang “giữ nguyên đời bố, gia cố đời con”?

Mở đầu Bình Ngô đại cáo, cụ Nguyễn Trãi viết:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Trừ bạo để yên dân được xem là “việc nhân nghĩa”, vậy thì không trừ bạo để lòng dân bất yên chính là phản nhân nghĩa, chính là việc làm của kẻ bất nhân, người xưa nghĩ thế, vì sao ngày nay có những người không nghĩ thế?

Phản đối ý kiến bỏ án tử hình với tội tham nhũng và vận chuyển ma túy là chưa đủ, còn phải lên án những ai đó vì động cơ không trong sáng đang có ý định cố tình giảm nhẹ hình phạt với những kẻ đang “đè đầu, cưỡi cổ nhân dân” như ý kiến của ông Nguyễn Xuân Tỷ.

Cái họa mất nước không chỉ nằm ở những hành động phản quốc mà còn nằm trong chính những tư tưởng manh nha đi ngược lại lợi ích của nhân dân nhưng lại được không ít  “công bộc” của dân quảng bá.

Luật biểu tình và án tử hình, việc cần thì phải làm ngay, việc không cần thì đừng bận tâm, hãy dành thời gian và tiền của giữ đất, giữ trời, giữ biển đảo./.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Chu-quyen-quoc-gia-bi-xam-pham-can-nhanh-chong-xay-dung-Luat-bieu-tinh-post158661.gd

[2] http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/49902/thu-tuong--luat-bieu-tinh-dam-bao-quyen-tu-do--dan-chu.html

[3]http://dantri.com.vn/chinh-tri/thu-tuong-bac-de-xuat-rut-chuong-trinh-lam-luat-bieu-tinh-1014203.htm

 [2] http://soha.vn/xa-hoi/bt-nguyen-van-nen-vn-da-gui-8-cong-ham-phan-doi-tq-xay-dao-20150527195628461.htm

[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dua-luat-bieu-tinh-vao-chuong-trinh-xay-dung-luat-2806993.html

XUÂN DƯƠNG