Thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán (sửa đổi) tại Quốc hội sáng nay (26/5), Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chỉ rõ, sửa đổi Luật Kiểm toán lần này là nhằm tăng trách nhiệm và quyền hạn, quyền hạn thì rõ rồi, nhưng trách nhiệm thì chưa rõ.
Ông Thuyền đặt vấn đề: “Anh kiểm toán xong một đơn vị, mấy hôm sau người ta bị bắt mà anh chẳng chịu trách nhiệm gì cả. Anh kiểm toán một đơn vị đưa lên sàn chứng khoán, một thời gian rồi tan nát hết, thế thì tài sản của nhà nước, của dân mất đi rất nhiều, anh sẽ chịu trách nhiệm thế nào?.
Thí dụ như ở Lâm Đồng, có công ty xổ số năm nào cũng kiểm toán thế nhưng mà lúc công an vào cuộc thì lại phát hiện ra là làm sai.
Bảo là tham nhũng lãng phí thì còn khó chứ làm sai thì cái này rõ ràng kiểm toán phải biết chứ. Bây giờ trường hợp đó khởi tố bắt giam thì kiểm toán có phải đồng phạm không? Phải nói rõ như vậy, tôi rất lo. Và tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Nếu như kiểm toán quyền lớn thì phải cũng phải đi liền với trách nhiệm. Nếu anh bảo đúng, nhưng đến lúc người ta sai và phải đi tù thì anh phải là đồng phạm".
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của kiểm toán, chống lạm quyền. ảnh: Ngọc Quang. |
Về nội dung nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán là 7 năm, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng chỉ nên để 5 năm cho phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội. Còn chức danh Phó Tổng kiểm toán là công chức nhà nước thì bổ nhiệm theo nhiệm kỳ chứ không cần phải đưa vào quy định theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Ông Thuyền nói thêm: “Tôi đề nghị xây dựng luật Chính khách, phải xác định ai là chính khách trong bộ máy nhà nước sẽ không căn cứ vào luật công chức, còn năng lực, còn uy tín cứ làm.
Các nước người ta xác định Bộ trưởng trở lên là chính khách trong bộ máy nhà nước, chứ không phải ra Quốc hội rồi nói rằng đây là nghị quyết thì ông này làm mấy năm. Tôi nghĩ không phải thế, mà phải xây dựng được luật chính khách, khi đó ai là công chức thì theo luật công chức, còn ai là chính khách trong bộ máy nhà nước, còn uy tín, còn năng lực thì cứ làm”.
Đồng tình với Đại biểu Thuyền, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu quan điểm: “Trên thực tế đã có thí dụ chứng minh rồi, trên 10 đoàn kiểm tra, kiểm toán vào Vinashin, Vinaline nhưng không phát hiện ra sai phạm, sau đó cơ quan điều tra mới vào cuộc.
Thế thì trong trường hợp cơ quan kiểm toán vào cuộc trước nhưng không phát hiện sai phạm, rồi khi cơ quan điều tra vào cuộc phát hiện thì trách nhiệm của kiểm toán nhà nước thế nào phải được làm rõ”.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền lo lắng nếu không quy định rõ trách nhiệm vào luật thì sẽ xuất hiện "con ngáo ộp" trong kiểm toán. ảnh: Ngọc Quang. |
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền đề nghị bổ sung thêm một nguyên tắc hết sức quan trọng vào dự thảo luật là: Hoạt động kiểm toán không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan tổ chức là đối tượng kiểm toán.
Nguyên tắc này đã được nói rõ ở Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và luật thanh tra.
Đề cập sâu vào thẩm quyền nhiệm vụ chuyển cơ quan điều tra trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm, ông Quyền chỉ rõ: “Quy định chung như thế này thì không rõ được trách nhiệm của kiểm toán. Tôi đề nghị phải quy định rõ trong trường hợp biết là có dấu hiệu tội phạm (bắt buộc phải biết) thì kiểm toán phải chuyển cơ quan điều tra.
Báo cáo với Quốc hội, nếu chúng ta không quy định thẩm quyền rất chặt chẽ thì đây sẽ là con ngáo ộp, chỉ rung lên một cái thôi thì các đơn vị chịu kiểm toán lại phải chạy đến, sinh ra tiêu cực”.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Quyền đề nghị làm rõ số lượng cấp phó trong Kiểm toán nhà nước.
Ông Quyền nói thêm: “Tôi đề nghị bỏ tất cả những điểm ghi là: nghĩa vụ khác, quyền hạn khác, nhiệm vụ khác, quy định khác, hành vi cấm khác… vì nó không minh bạch”.