Tại cuộc họp báo Chính phủ 4/5, báo chí đặt câu hỏi tại sao Bộ Công Thương đưa thông tin việc điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu vào danh mục Bí mật Nhà nước của ngành? Căn cứ nào để thực hiện việc này?
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương - ông Đỗ Thắng Hải cho biết, về dự thảo danh mục Bí mật Nhà nước của ngành, Bộ Công Thương đã đưa ra danh mục có 2 mặt hàng điện và xăng dầu.
Tuy nhiên, đây không phải là giá mặt hàng này mà là phương án tính toán để trình các cấp có thẩm quyền trước khi công bố.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, phương án tính toán giá xăng dầu, điện để trình các cấp có thẩm quyền trước khi công bố là danh mục mật (ảnh nguồn vietnam+). |
Lý giải thêm, ông Đỗ Thắng Hải cho biết: “Hiện nay, giá xăng đã theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng đây là mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân, dễ gây ra lạm phát kỳ vọng ảnh hưởng đến đời sống.
Tương tự như vậy với giá điện. Vì thế, Bộ muốn đưa 2 nhóm hàng này vào danh mục Bí mật Nhà nước trước khi công bố giá chính thức”.
Sự hoài nghi về biểu giá điện của EVN bao giờ mới được giải tỏa? |
Về căn cứ, thì ông Hải cho rằng, Bộ Công Thương căn cứ vào Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước đã được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2018 và có hiệu lực từ 1/7/2020, quy định việc lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước... có hiệu lực từ 1/1/2019.
Triển khai luật này, Thủ tướng giao trách nhiệm cho các bộ trong chủ trì xây dựng danh mục bí mật nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Ngoài ra, việc lập danh mục mới các bí mật nhà nước trong ngành Công Thương căn cứ vào Quyết định số 106 về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật trong ngành Công Thương được Thủ tướng ban hành năm 2008.
Bộ Công an cũng đã ban hành quyết định về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Công Thương nhằm quy định về việc bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành.
Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng (ảnh Trinh Phúc). |
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết: “Vấn đề công khai như thế nào về giá, chúng ta thấy văn bản ban hành ra là không mật, nhưng trong quá trình soạn thảo văn bản đó thì được quản lý theo như văn bản mật.
Ví dụ, một văn bản thông thường phát hành nhưng trong quá trình soạn thảo xin ý kiến, trao đổi giữa các cơ quan… để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách thì phải quản lý chặt chẽ như chế độ mật.
Còn đánh giá tác động đến đối tượng thì thực hiện theo quy trình đánh giá tác động. Vì vậy, không phải văn bản ban hành không mật thì trong quá trình soạn thảo cũng không mật”.