Mặc dù phương án tách MobiFone khỏi VNPT được cho là hoàn hảo tuy nhiên nhiều ý kiến chuyên gia vẫn lo ngại MobiFone sẽ gặp khó khi “ra ở riêng”. Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Hùng - Tổng giám đốc VNPT, việc tách MobiFone nhằm đảm bảo cho MobiFone tiếp tục phát triển. So với người anh em VinaPhone thì MobiFone là thương hiệu mạnh hơn và sẽ không khó khi ra ở riêng.
Đồng thời theo ông Hùng, MobiFone tách khỏi VNPT sẽ khiến doanh nghiệp nhỏ khác trong VNPT năng động hơn, tránh sức ỳ lâu nay.
Tách khỏi VNPT, MobiFone sẽ không gặp khó |
Cũng chung quan điểm đó, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nói: Việc tách MobiFone có nhiều điểm lợi như mạng này đang có sẵn thương hiệu khá mạnh. Một khi tách ra, MobiFone sẽ có thể tiến hành cổ phần hóa nhanh hơn, giúp tăng tốc cho chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp trọng yếu của Chính phủ.
Hiện MobiFone đang hoạt động khá độc lập với tập đoàn so với doanh nghiệp còn lại là VinaPhone. Một doanh nghiệp mạnh như MobiFone cũng sẽ sớm vượt qua các khó khăn ban đầu để ổn định hoạt động, kinh doanh và trở nên tương đối mạnh để cạnh tranh với hai doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, VNPT (tức VinaPhone), tạo nên thế chân vạc cho thị trường viễn thông.
Theo Quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã xác định thị trường viễn thông có ít nhất 3 doanh nghiệp lớn, trụ cột để đảm bảo duy trì sự cạnh tranh lành mạnh và thị trường phát triển bền vững.
Nếu tách ra thì MobiFone cần cổ phần hóa để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đổi mới công nghệ và quay lại gây áp lực cho hai ông lớn còn lại. Chỉ như vậy thì thị trường mới có sự cạnh tranh đích thực, theo đúng quy luật kinh tế thị trường.
Phương án tách và cổ phần hóa MobiFone đã nhận được nhiều sự đồng tình của các chuyên gia. TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh đề nghị Bộ phải xác định rõ rằng nếu Chính phủ phê duyệt cho rằng, việc tách MobiFone ra khỏi VNPT thì phải gắn liền việc chia tách với việc cổ phần hóa MobiFone.
"Không nên đặt mục tiêu thành lập 1 tổng công ty mới mà phải là cổ phần hóa MobiFone, tránh chuyện tách MobiFone thành 1 tổng công ty Nhà nước. Nếu cứ để cả 3 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất đều là doanh nghiệp nhà nước cả thì thị trường sẽ khó cạnh tranh lành mạnh và hoàn chỉnh" - ông Trực nói.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành phân tích: "MobiFone phải cổ phần hóa để tìm các nhà đầu tư chiến lược có năng lực công nghệ tốt, gây áp lực cạnh tranh cho 2 doanh nghiệp còn lại, buộc các doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ tốt hơn. Đối với MobiFone thì câu chuyện cổ phần hóa và đối tác là câu chuyện quan trọng nhất", TS. Võ Trí Thành nói.
Ông Phạm Hồng Hải cho hay, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài trong các doanh nghiệp hạ tầng có thể chiếm đến 49% cổ phần mà viễn thông cũng là hạ tầng. Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới thì chưa rõ chính xác là bao nhiêu phần trăm. Về thời gian thực hiện đề án, ông Hải cho biết chưa biết rõ về thời gian cố định, tuy nhiên chắc chắn đề án sẽ được thực hiện trong khoảng từ nay cho đến năm 2015.