Kín tiếng giá mua
Ngày 7/1/2016, xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện MobiFone cho biết nhà mạng này đã được phép mua lại 95% cổ phần AVG sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định phê duyệt Dự án Đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone hồi tháng 12/2015.
Quyết định mua AVG của MobiFone được đồn đoán từ lâu. Đây cũng là động thái nhằm cụ thể hóa 1 trong 4 lĩnh vực kinh doanh chiến lược của MobiFone đề ra là di động, bán lẻ, truyền hình, đa phương tiện.
MobiFone được phép mua 95% cổ phần Công ty CP Nghe nhìn toàn cầu (AVG), tuy nhiên mức giá vẫn chưa được tiết lộ (ảnh minh họa). |
Việc đầu tư, kinh doanh truyền hình kỹ thuật số được coi là bước đi chiến lược của MobiFone giai đoạn 2016-2020, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Trong năm 2015, MobiFone là một trong những doanh nghiệp viễn thông lãi lớn, với doanh thu đạt 36.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.395 tỷ đồng.
Tuy xác nhận thông tin mua lại 95% cổ phần AVG nhưng đại diện MobiFone và AVG đều không tiết lộ giá bán. MobiFone cho biết, sẽ tiếp nhận nguyên hiện trang AVG trong vòng 3-6 tháng.
Được biết, truyền hình AVG chính thức phát sóng ngày 11/11/2011 sau một năm thử nghiệm trên hai hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình là truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh, sử dụng công nghệ truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2), chuẩn nén MPEG4 và công nghệ mạng đơn tần (SFN).
Thời điểm đó, AVG giới thiệu là công nghệ truyền hình tiên tiến nhất thế giới trong việc truyền dẫn, phát sóng và là đơn vị đầu tiên của châu Á thử nghiệm thành công và triển khai áp dụng trên diện rộng.
Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, nhiều đài truyền hình như VTV, Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV), Công ty Cổ phần Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng sông Hồng (RTB)… cũng đang sử dụng công nghệ kỹ thuật số mặt đất thế hệ 2 (DVB-T2) như AVG.
Lo ngại cạnh tranh
Thời điểm MobiFone đầu tư truyền hình được xem không thuận lợi khi trên thị trường có không ít “ông lớn” như SCTV và VTVcab, K+ và sự đặc biệt trước MobiFone cũng có nhiều “đại gia” viễn thông khác tham gia làm truyền hình như VNPT, Viettel, FPT.
Xét về công nghệ, nền tảng AVG đang sở hữu không có gì nổi bật, tài sản lớn nhất của AVG chuyển giao MobiFone ở thời điểm hiện tại là khoảng hơn 700.000 thuê bao. Trong đó chủ yếu thuê bao vùng nông thôn do giá thành rẻ và nhiều ưu đãi, khuyến mại.
Con số trên không lớn trong tổng số 9,9 triệu thuê bao truyền hình trả tiền hiện nay. Những thống kê trên cho thấy mua AVG và “tham chiến” thị trường truyền hình không dễ với MobiFone.
Trước lo ngại này, trả lời trên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết, khi quyết định tham gia kinh doanh truyền hình, MobiFone đã nghiên cứu khá kỹ và nhận ra rằng, điểm yếu nhất của ngành truyền hình nói chung là sự tương tác với khách hàng, trong khi đó MobiFone lại rất mạnh về những sản phẩm có tính tương tác cao.
Theo ông Hùng, trong 3 lĩnh vực trụ cột của MobiFone (di động - bán lẻ - đa phương tiện), Truyền hình sẽ đóng vai trò một bộ phận của “giải tài nguyên” khá hoàn chỉnh mà MobiFone sẽ sở hữu.
“Chúng tôi có con đường đi riêng của mình. MobiFone đã tính toán những ưu điểm, hạn chế về giải pháp công nghệ cũng như cách thức triển khai của các nhà cung cấp khác và vạch ra cho mình con đường đi riêng, một con đường mới không giống như các doanh nghiệp khác”, ông Hùng cho biết.
Hướng làm truyền hình được lãnh đạo MobiFone tiết lộ là kết hợp viễn thông theo công nghệ mới. Cụ thể, khác với hình thức truyền hình trả tiền truyền thống phụ thuộc vào phí thuê bao, các gói thuê bao. MobiFone sẽ thực hiện nhiều dịch vụ miễn phí và việc trả phí thực hiện qua mobile.
MobiFone đặt mục tiêu phát triển 1 triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016 và đến năm 2020 trở thành một trong 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.