Hoa Đông trước rủi ro “súng cướp cò”

20/01/2013 15:33
Dân Trí
Nếu Nhật Bản áp dụng các biện pháp mạnh, trong đó có việc bắn pháo hiệu tại Hoa Đông, xung đột Nhật-Trung chắc chắn sẽ xảy ra. Đó không phải là tai nạn ngoài ý muốn mà là sai lầm trong quyết sách.
 
Mỹ lo ngại hậu quả khốc liệt nếu chiến tranh Trung – Nhật xảy ra.
Mỹ lo ngại hậu quả khốc liệt nếu chiến tranh Trung – Nhật xảy ra.

Mỹ đã phát tín hiệu cảnh báo như vậy khi bày tỏ lo lắng thực sự trước nguy cơ đồng minh Nhật Bản có thể bị cuốn vào một cuộc xung đột nay mai do những căng thẳng đang leo thang mạnh tại Hoa Đông.

Theo trang tin Japan News, trong tuyên bố rõ ràng mới đây, chính phủ Mỹ đã yêu cầu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản không được bắn pháo hiệu nhằm vào các máy bay Trung Quốc trong phạm vi vùng trời gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Chuỗi 5 đảo này hiện do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.

“Yêu cầu trên đã được chính phủ Mỹ truyền đạt cho quan chức cao cấp của chính phủ Nhật Bản sang thăm Mỹ vào thượng tuần tháng 1/2013”, Japan News viết.

Quan chức trên không phải ai khác ngoài Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, giới chức cấp cao đầu tiên của Nhật đến Mỹ sau khi chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền hồi tháng trước.

Cũng theo Japan News, cảnh báo của chính quyền Mỹ xuất phát từ việc Washington ý thức được rằng nguy cơ bùng nổ xung đột trên biển Hoa Đông có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi một trong hai bên “lỡ tay cướp cò”.

“Nhật Bản coi việc ‘bắn cảnh cáo’ là quyền tự vệ chính đáng trước bất cứ hành động hay phương tiện nào xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Trong khi đó Trung Quốc hoàn toàn không có khái niệm này. Một khi đạn rời khỏi nòng, có nghĩa xung đột sẽ bắt đầu”, tờ báo dẫn nhận định của các chuyên gia phân tích.

Nhận định này cũng hoàn toàn trùng khớp với cảnh báo trước đây của giới tướng lĩnh Trung Quốc.

“Chỉ cần Nhật Bản bắn một phát đạn, điều đó có nghĩa Tokyo đã khai chiến. Trung Quốc sẽ phản công ngay mà không cần chờ đến phát đạn thứ hai", Thiếu tướng Bành Quang Khiêm quả quyết.

Tuyên bố của Thiếu tướng Bành Quang Khiêm, tiếp đó là của Thiếu tướng La Viện và nhiều sĩ quan quân đội khác ở Trung Quốc, đã tạo thành làn sóng tâm lý chiến sôi sục trong dư luận Trung Quốc. Nó cũng báo hiệu cục diện an ninh khu vực đang đi vào “vùng nguy hiểm mới”, khi đây là lần đầu tiên các sĩ quan quân đội Trung Quốc liên tục lặp lại các tuyên bố cứng rắn về vấn đề chủ quyền biển đảo, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả Nhật Bản tới cùng.

Vì vậy, dù đã công khai bảo vệ đồng minh Nhật Bản trong vấn đề giữ quyền quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, song Mỹ cũng không thể phớt lờ hoàn toàn những phản ứng từ phía Trung Quốc, đối thủ đáng gờm của Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế và là quốc gia được đánh giá có triển vọng sẽ “vượt mặt anh cả” vào năm 2030.

“Nếu Tokyo bắn pháo lệnh cảnh báo, Bắc Kinh sẽ không hiểu đó là pháo lệnh mà coi như phát đạn được bắn ra”, Japan News dẫn lời một học giả Mỹ.

Theo kế hoạch, đầu tuần này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell sẽ tới thăm Nhật Bản với trọng tâm thảo luận về những diễn biến hiện nay ở Senkaku/Điếu Ngư. Trong bài trả lời phỏng vấn trước khi lên đường tới Nhật Bản, ông Campbell cho biết sẽ yêu cầu phía Nhật Bản thận trọng trong hành động liên quan tới Senkaku/Điếu Ngư nhằm tránh tình huống “súng cướp cò”. Ngoài ra, ông Campbell có thể cũng sẽ không đề cập đến Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ cho dù sẽ làm Tokyo thất vọng.

“Vào thời điểm này, dù có nhấn mạnh tới Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật cũng không đem lại ích lợi gì đối với tình hình căng thẳng ở Senkaku/Điếu Ngư”, một học giả ở Washington nói.

Cùng chung quan điểm này, nhưng nghiên cứu viên cao cấp Bonie Glaser của Trung tâm Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS) còn đưa ra viễn cảnh tồi tệ hơn.

“Khả năng xảy ra xung đột ở Hoa Đông ngày một lớn. Tình hình căng thẳng hiện nay ở Senkaku/Điếu Ngư không chỉ tồn tại rủi ro ‘súng cướp cò’, mà còn đối mặt với nguy cơ cố tình đối kháng”, ông Bonie Glaser nói.

Cũng theo chuyên viên của CSIS, Trung Quốc và Nhật Bản đang thách thức giới hạn đỏ của nhau. Nếu Trung Quốc tiếp tục cử máy bay tới đảo tranh chấp và Nhật Bản bắn pháo hiệu cảnh cáo, Bắc Kinh sẽ có hành động tiếp theo. Khi đó, khả năng Mỹ bị cuốn vào xung đột Nhật-Trung sẽ trở thành sự thật.

Đây lại là điều cả Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều không mong muốn.
 
Xem thêm các bài viết về tình hình biển Đông tại đây
Dân Trí