Nhận xét hiếm hoi của Liên hợp quốc về Biển Đông

24/01/2013 15:21
Thanh Mai/VnExpress
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hôm qua kêu gọi giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông một cách "thân thiện" giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, sau khi Philippines đệ đơn ra tòa quốc tế.

Được hỏi về quyết định của Philippines đưa tranh chấp lãnh thổ biển đảo giữa nước này với Trung Quốc ra tòa án quốc tế về luật biển, ông Ban nói ông đang theo dõi sát sao vụ việc.

"Điều quan trọng là các nước trong khu vực giải quyết các vấn đề này thông qua đối thoại và theo cách hòa bình và thân thiện", ông Ban nói.

Liên hợp quốc sẵn sàng "cung cấp sự hỗ trợ kỹ thuật và chuyên nghiệp, nhưng đầu tiên, các vấn đề này nên được giải quyết giữa các bên liên quan", nhà lãnh đạo Liên hợp quốc nói thêm, và tránh đề cập đến việc ông có ủng hộ bên nào trong tranh chấp hay không.

Trên Biển Đông hiện nay có các bên tuyên bố chủ quyền chồng lấn gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei. Hôm thứ ba Philippines công bố việc đưa tranh chấp ra tòa án trọng tài quốc tế theo Công ước về luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, mà cả Philippines và Trung Quốc đều là các bên ký kết.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói khi công bố quyết định ra tòa: "Philippines đã tìm hết cách để giải quyết tranh chấp theo phương thức chính trị và ngoại giao, để có thể thương lượng hòa bình giải quyết tranh chấp với Trung Quốc".

Trong hai năm vừa qua, tranh chấp này đã gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh, đặc biệt là từ tháng 4 năm ngoái khi các tàu chính phủ của hai bên đối đầu tại bãi cạn Scarborough /Hoàng Nham ở phía đông bắc Biển Đông.

Trung Quốc ngay lập tức đã có phản ứng trước quyết định ra tòa của Philippines. Bắc Kinh tuyên bố phản đối việc làm mà Trung Quốc coi là "quốc tế hóa tranh chấp" của Manila. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại quan điểm của họ muốn giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các bên có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Nhiều nhà phân tích cho rằng cho dù tòa án có thụ lý, và tiến trình pháp lý có thể kéo dài ba đến bốn năm, Trung Quốc có thể sẽ không tham gia tiến trình hoặc không công nhận phán quyết của tòa án.

Căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông được giới quan sát đánh giá là nghiêm trọng và có thể kéo dài. Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký Tuyên bố chung về cách ứng xử trên Biển Đông năm 2002, và các nước Đông Nam Á đang nỗ lực để có thể ký một bộ luật có ràng buộc về ứng xử Biển Đông càng sớm càng tốt, trong khi Trung Quốc vẫn nêu quan điểm ủng hộ đàm phán song phương.

Thanh Mai/VnExpress