Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2017 kim ngạch nhập khẩu trái cây ngoại lên đến 809 triệu USD (tương đương 18.365 tỷ đồng), tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, chỉ tính riêng tháng 8, người Việt chi 150 triệu đô (tương đương 3414 tỷ đồng) chỉ để nhập khẩu trái cây ngoại. Tính bình quân mỗi ngày Việt Nam chi 114 tỷ đồng nhập trái cây ngoại.
Xoài Nhập Bản nặng 350-400 gram có giá 1,7 triệu đồng (ảnh chưa rõ tác giả). |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, các mặt hàng trái cây được nhập về chủ yếu là xoài, táo, cam, lê, kiwi, cherry, mãng cầu, me… thậm chí cả những loại trái cây vốn là thế mạnh của người Việt như măng cụt, nhãn, sầu riêng, nho, dừa…
Chủ yếu các loại trái cây được nhập từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand… Nhiều trái cây dù có giá khá cao tại thị trường trong nước, nhưng sức tiêu thụ vẫn rất lớn và thường tập trung ở các đô thị lớn, thành phố.
Trước đó, tính bình quân trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu trái cây ngoại ước đạt 507 triệu USD. Tính đến hết tháng 7 kim ngạch nhập khẩu trái cây ngoại tăng mạnh lên 659 triệu USD (tương đương 15 ngàn tỷ đồng).
Trong khi đó, kim gạch xuất khẩu gạo tháng 8 ước đạt 504 ngàn tấn với giá trị đạt 220 triệu USD đưa khối lượng gạo xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm đạt 1,75 tỷ USD.
Nếu đem so sánh số tiền người Việt chi để ăn trái cây ngoại gần bằng một nửa số tiền thu về từ xuất khẩu gạo của cả nước. Như vậy, người Việt cứ bán được một đồng tiền gạo, lại chi nửa đồng mua hoa quả ngoại.
Nhiều loại trái cây nhập có giá cao chót vót mà chỉ người giàu mới dám mua như quả cherry nhập khẩu từ New Zealand có giá từ 400-1 triệu đồng/kg. Quả biwa ( thanh trà Nhật Bản) có giá lên đến 4 triệu đồng/kg.
Quả mâm xôi 1-1,2 triệu đồng/kg; bưởi Mỹ có giá 500 ngàn đồng/quả; dâu tây Bạch Tuyết 1,6 triệu đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh việc người Việt chi cả ngàn tỷ đồng nhập trái cây ngoại, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Quyền Đình Hà (Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn - Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Nhìn vào kim ngạch nhập khẩu trái cây ngoại ngày càng tăng so với cùng kỳ năm ngoái có thể dự báo trong các năm tiếp theo người Việt còn chi mạnh tay hơn nữa nếu trái cây trong nước chưa đáp ứng được thị hiếu của những khách hàng khó tính.
Trong vài năm tới kim ngạch nhập khẩu trái cây vẫn có thể tiếp tục tăng, trái cây Việt thua ngay trên sân nhà là điều có thể xảy ra”.
Nhiều người Việt chi cả triệu đồng/kg trái cây ngoại. Ảnh: Thu Hương/Thainguyentv. |
Phó Giáo sư Quyền Đình Hà chỉ ra một số nguyên nhân chính: "Thứ nhất, chất lượng trái cây ngoại hơn trái cây trong nước về hình thức và sự đa dạng chủng loại.
Đặc biệt, người giàu không ngại chi tiền để thưởng thức những trái cây vừa đa dạng chủng loại lại an toàn. Nhiều loại trái cây giá tiền triệu một kilogam mà vẫn không có mà bán.
Nguyên nhân tiếp theo đó là một bộ phận người Việt thích sính ngoại, cho rằng cứ hàng ngoại mới tốt và ăn trái cây ngoại mới sang.
Nhưng thực tế, không ít trái cây như cherry gắn mác nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Úc, New Zealand, Canada... nhưng thực ra có khi là nhập từ Trung Quốc.
Mới đây nhất là quả quả biwa (hay còn gọi là Loquat, thanh trà Nhật Bản) nhập khẩu từ Nhật Bản giá bán tại Việt Nam lên đến từ 3-4 triệu đồng/kg. Thực tế, quả biwa chỉ là loại quả bình dân ở Nhật Bản, giá bán ở siêu thị rất rẻ.
Cuối cùng, nguyên nhân quan trọng đó là trái cây Việt vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là không đảm bảo được độ tin cậy an toàn cho người sử dụng. Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam năm ngoái đạt hơn 3 tỷ USD, nhưng với một đất nước nông nghiệp, với hơn 90 triệu dân thì con số đó quá khiêm tốn.
Nông nghiệp Việt Nam cũng đang hướng đến nông nghiệp sạch, an toàn, tăng quy mô, nhưng nhiều trái cây khác mới đang trong giai đoạn chào hàng”.
Dưa lê vàng Hàn Quốc có giá 280 ngàn đồng/kg (3 quả). Ảnh: Minh Tâm |
Tính bình quân mỗi ngày người Việt chi cả trăm tỷ đồng để nhập hoa quả ngoại, trong khi đó, hoa quả trong nước nhiều nơi nông dân khóc ròng vì không tiêu thụ được.
Về vấn đề ngày Phó Giáo sư Quyền Đình Hà cho rằng: “Cần phải có những bước đột phá trong phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch cả về quy mô và chất lượng.
Hiện, người nông dân nước ta vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, tự phát. Bài ca “được mùa rớt giá” còn hát nữa và câu chuyện giải cứu nông sản sẽ còn tiếp tục nếu cúng ta không có định hướng và chính sách đầu ra tốt.
Người tiêu dùng đánh giá sản phẩm bằng thị hiếu, sản phẩm nào ngon, tin là sạch, giá hợp lý với túi tiền thì họ sẽ lựa chọn. Bởi vậy, trong nền kinh tế thị trường câu chuyện thắng - thua ngay trên sân nhà là hoàn toàn phụ thuộc vào người nông dân và người làm chiến lược”.