Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình) đã nêu ra những thông tin này tại phiên chất vất Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, chiều 15/6.
Ông Lộc nhận định, cải thiện môi trường kinh doanh chính là giải pháp căn cơ nhất để huy động nguồn lực trong xã hội, kể cả tiền vốn và trí tuệ của nhân dân cho đầu tư phát triển và tăng trưởng GDP một cách bền vững.
Cử tri và doanh nghiệp rất phấn khởi khi Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu ngay trong năm nay môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt mức trung bình của 4 nước dẫn đầu ASEAN.
Cử tri ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt là trong hơn 1 năm nay.
Việt Nam đã tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đang là điểm đến, lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng cũng có một thực tế khác làm chúng ta không thể không sốt ruột, đó là mặc dù Việt Nam đã tăng 9 bậc, nhưng mới chỉ được xếp ở hạng 82 trong số 190 nền kinh tế, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nền kinh tế dẫn đầu ASEAN.
Việt Nam xếp hạng 82, nhưng Singapo xếp thứ 2, Malaysia xếp thứ 23, Thái Lan 46 và ngay cả các nước thuộc nhóm sau của ASEAN cũng không chịu đứng yên.
Năm vừa rồi, Việt Nam tăng 9 bậc thì Indonesia tăng 15 bậc, Brunei tăng 25 bậc và lọt vào nhóm 4, vậy Việt Nam chuyển động 1 thì các nước khác đã chuyển động gấp 2-3. Một số chỉ tiêu thành phần của Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất lớn so với các ASEAN 4.
Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, Việt Nam chưa bao giờ được đánh giá cao về chất lượng thể chế thủ tục hành chính trong kinh doanh. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Ông Vũ Tiến Lộc nêu 2 ví dụ về thủ tục khai sinh và khai tử của doanh nghiệp:
Thủ tục về khởi sự kinh doanh thì Việt Nam đứng thứ 121, Singgapore đứng thứ 6, Thái Lan 78, Thủ tục phá sản doanh nghiệp thì Việt Nam đứng thứ 125, Singgapore 29, Thái Lan 23, Malaysia 46, Philippin 56.
“Việc Việt Nam được lựa chọn là điểm đến hàng đầu của doanh nghiệp nước ngoài thì chủ yếu là do sự ổn định về chính trị, xã hội, do quy mô thị trường, do nguồn lao động dồi dào và chi phí thấp và các lợi thế tự nhiên khác.
Phối hợp yếu kém, Phó Thủ tướng nói thẳng: "Không thể biện minh hay chối cãi!" |
Việt Nam chưa bao giờ được đánh giá cao về chất lượng thể chế thủ tục hành chính trong kinh doanh, với vị trí khiêm tốn 82, tức là ở mức trung bình thì xếp hàng của ngân hàng thế giới đã chứng minh cho điều này”, ông Lộc đánh giá.
Vấn đề mà ông Vũ Tiến Lộc đặt ra là: Chính phủ có giải pháp gì để đột phá, để tăng tốc trong cuộc chạy đua cải thiện môi trường kinh doanh với thiên hạ để đạt mục tiêu ngang bằng ASEAN 4 - một mục tiêu rất nhiều thách thức?
Vấn đề ông Vũ Tiến Lộc nêu ra là vấn đề hết sức quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thời gian qua. Tuy nhiên, do thời gian chất vấn không đủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời bằng văn bản tới đại biểu Vũ Tiến Lộc.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết: Năng suất lao động Năng suất lao động xã hội7 năm 2016 ước tính đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.853 USD/lao động), tăng 5,31%8 so với năm 2015.
Theo khu vực kinh tế, năng suất lao động bình quân trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất với 32,9 triệu đồng/lao động; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 112,0 triệu đồng/lao động; khu vực dịch vụ đạt 103,5 triệu đồng/lao động. Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm9 nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.
Năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 3,8% của Xin-ga-po; 17,4% của Malai-xi-a; 36,6% của Thái Lan; 51,8% của Phi-li-pin và 50,2% của In-đô-nê-xia.
Còn thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá: Năng suất lao động xã hội năm 2016 ước đạt 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương 3.853 USD/lao động) tăng 5,3% so với năm 2015 (3.660 USD/lao động) cho thấy tiếp tục có sự cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn ở mức thấp so với các nước ASEAN.
Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu và chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trong khu vực nông, lâm và thủy sản chiếm tỷ lệ cao (41,9%) là khu vực có năng suất lao động thấp.