EMagazine

Mong phụ nữ được học tập, giữ các vị trí ngang bằng với nam giới

Mong phụ nữ được học tập, giữ các vị trí ngang bằng với nam giới

19/10/2024 06:23
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-PGS.TS Nguyễn Minh Phương bày tỏ, mong muốn xây dựng một xã hội học tập, phụ nữ được học tập, được giữ các vị trí ngang bằng với nam giới.

Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Phương - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã có một số chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề và tâm sự về những “mảnh ghép” giúp phụ nữ tự tin tỏa sáng trong xã hội hiện đại, cũng như ngày càng đảm đương nhiều vị trí, vai trò, một cách đa nhiệm, đa màu.

PGS.TS Nguyễn Minh Phương (10).jpg

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Phương (sinh năm 1974), tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, đã có 25 năm gắn bó với nghề giáo trong lĩnh vực y tế.

Nhắc đến cơ duyên đến với nghề, Phó Giáo sư Nguyễn Minh Phương nhớ lại: “Sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha mẹ và anh chị em công tác trong ngành y tế, nên từ những ngày còn nhỏ, tôi đã được cha dạy những bài học đầu tiên về tình yêu thương con người, về y đức, về sự hy sinh, cống hiến của người nhân viên y tế cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Bác sĩ đa khoa (Trường Đại học Cần Thơ), tôi được giữ lại, làm giảng viên Khoa Y - Nha - Dược. Và nghề giáo bén duyên với tôi từ đó”.

Cô Phương tâm sự: “Tôi chọn lựa cho mình con đường sự nghiệp trở thành “thầy giáo” và “thầy thuốc”, luôn tự hào cũng như luôn cố gắng không ngừng vì điều đó.

Những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về chuyên môn, về thực tiễn trong công việc, cuộc sống mà tôi đã được giảng dạy từ thầy cô, từ những thế hệ đàn anh đi trước, từ những trải nghiệm của bản thân, không chỉ giúp tôi hoàn thành sứ mạng của một người bác sĩ, mà tôi luôn mong muốn với vai trò là người giảng viên, là “người thầy”, tôi có thể truyền đạt lại điều đó đến với những thế hệ sinh viên của mình, để khi các em bước vào đời, sẽ là những nhân viên y tế vừa sáng về y đức, vừa giỏi về y thuật”.

Nhờ có sự tận tâm trao truyền tri thức, rất nhiều thế hệ sinh viên, học viên đã được nữ phó giáo sư “truyền lửa” và trưởng thành, tâm huyết với nghề.

PGS.TS Nguyễn Minh Phương (5).jpg

Khi được hỏi về những kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc nhất trong suốt quãng thời gian học tập, nghiên cứu và giảng dạy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Phương khẳng định: “Câu trả lời của tôi là trong suốt hành trình 25 năm gắn bó với Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, từng khoảng thời gian trôi qua, từng khoảnh khắc tại nơi đây, đối với tôi, đều là những kỷ niệm không thể quên.

Mỗi khoảnh khắc đó được tôi lưu giữ trong ký ức của mình bằng những cột mốc: Ngày tôi bước chân vào trường, trở thành sinh viên năm 1993, ngày tôi tốt nghiệp và trở thành giảng viên năm 1999. Từ năm 2000 đến năm 2002, tôi là giảng viên Khoa Y - Nha - Dược (Trường Đại học Cần Thơ). Khoảng thời gian tôi được chứng kiến sự khó khăn trong giai đoạn đầu mới thành lập Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trên cơ sở Khoa Y - Nha - Dược (Trường Đại học Cần Thơ) và nay trở thành vị thế trong khu vực, trong quốc gia mà trường đã đạt được.

Đối với tôi, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là “ngôi nhà thứ 2” của mình, nơi tôi rèn luyện, nuôi dưỡng hoài bão, ước mơ thời tuổi trẻ và hiện thực hoá ước mơ, cũng như tiếp tục thực hiện lý tưởng của mình cho sự phát triển của trường trong tương lai, tạo nguồn nhân lực y tế cho nước nhà”.

Mặc dù mỗi khoảnh khắc đều đáng nhớ, song, có lẽ, sâu trong tâm khảm nữ phó giáo sư, vẫn sẽ có những kỷ niệm đặc biệt khó phai hơn cả.

PGS.TS Nguyễn Minh Phương (4).jpg

“Trong suốt chặng đường dài quá nhiều kỷ niệm nghề nghiệp, những hình ảnh sâu sắc nhất mà 205 cán bộ và sinh viên chúng tôi không thể nào nhạt phai trong suốt 35 ngày tham gia đoàn chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ là khi cán bộ Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tư vấn cho người Mỹ tiêm ngừa vắc-xin VeroCell tại quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh. Thông điệp đó đã đồng thời thay đổi suy nghĩ của người dân về lựa chọn vắc-xin trong giai đoạn dịch bùng phát.

Một kỷ niệm khác, với vai trò phục vụ cộng đồng, nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc Campuchia khó khăn, nhà trường đã tổ chức 02 đợt khám bệnh vào năm 2022 và 2023 với hơn 7.500 lượt khám, phát thuốc, phát quà miễn phí. Đội ngũ tham gia ưu tiên lựa chọn các bác sĩ, điều dưỡng biết tiếng Khmer; nhưng chúng tôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, phải nhờ phiên dịch. Một tình huống trớ trêu khi chúng tôi gặp tình cảnh nhờ một anh bộ đội (trẻ chưa lập gia đình) phiên dịch cho bác sĩ khi siêu âm sản phụ khoa, nên khó khăn trong diễn tả và hỏi bệnh, cũng như tư vấn giáo dục sức khỏe” - nữ bác sĩ bồi hồi nhớ lại.

PGS.TS Nguyễn Minh Phương (8).jpg
PGS.TS Nguyễn Minh Phương (11).jpg

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Phương, hiện nay, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. “Có thể thấy, cùng với sự phát triển của đất nước và việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, phụ nữ ngày nay đã đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Một trong những lĩnh vững nổi bật đó là hoạt động nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo” - cô Phương bày tỏ.

Tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, số lượng viên chức nữ tham gia vào hoạt động quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chiếm tỉ lệ cao. Nữ giữ vị trí vai trò cấp trưởng đơn vị thuộc và trực thuộc hiện là 12/24 đơn vị, tương đương 50%, nữ giữ vị trí cấp trưởng, phó đơn vị thuộc và trực thuộc là 53% (27 nữ/52 vị trí).

“Nhà trường luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện để nữ viên chức phát huy hết khả năng trong hoạt động khoa học, đổi mới sáng tạo, trong lĩnh vực chuyên môn, đào tạo, phục vụ cộng đồng.

Thông qua kết quả hoạt động quản lý, hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, nữ giới ngày một khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong đơn vị, góp phần không nhỏ cho sự phát triển của trường. Điều đó đã được tập thể, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận.

Mặc dù, hiện nay, không có rào cản nào về mặt chính sách đối với cán bộ nữ trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, ngoài thiên chức làm mẹ và chăm sóc gia đình, phụ nữ còn phải đối mặt với một số vấn đề về cơ chế, chính sách, quy định độ tuổi quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng... gây khó khăn cho cán bộ nữ nói chung, cán bộ khoa học nữ nói riêng. Chính điều này đang trở thành thách thức không nhỏ đối với phụ nữ, khi vấn đề về phát triển sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ vẫn luôn cần cân bằng với cuộc sống gia đình, xây dựng tổ ấm hạnh phúc” - nữ phó giáo sư thẳng thắn nhìn nhận.

Theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, một trong các sứ mạng quan trọng của nhà trường chính là công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi hoạt động đào tạo nguồn lực y tế phải phù hợp với thời kỳ chuyển đổi số, yêu cầu đặt ra đối với nhân viên y tế không chỉ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn cả về kỹ năng và năng lực làm việc trên môi trường số. Đó là thời cơ cũng như thách thức của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nói riêng và các trường y trên cả nước nói chung.

Một trong những thuận lợi được kể đến, đó là: Các chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước về việc ban hành hệ thống hành lang pháp lý (luật, nghị định, thông tư) đặc thù cho ngành, chiến lược tầm nhìn về số lượng bác sĩ, dược sĩ/vạn dân được phân chia theo từng vùng, và việc hỗ trợ công tác tài chính cho hoạt động ngành y tế. Sự đổi mới trong quản trị giáo dục đại học thực hiện tự chủ đại học của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ từ năm 2017.

Bên cạnh đó, thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã mang lại hiệu quả tác động trực tiếp lên đặc thù nghề nghiệp, từ đó dẫn đến việc đổi mới phương pháp đào tạo trong nhà trường, chú trọng giảng dạy các năng lực cần thiết cho môi trường làm việc tương lai, áp dụng phương pháp học tập chủ động, đa dạng hoá phương thức tuyển sinh và ngành đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Minh Phương (7).jpg

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Phó Giáo sư Nguyễn Minh Phương cũng chỉ ra, công tác đào tạo của nhà trường hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể: Cơ sở pháp lý hướng dẫn hoạt động cho các đơn vị tự chủ chưa hoàn chỉnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của nhà trường, trong đó, có hoạt động đào tạo. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu đối với giáo dục đại học (cạnh tranh trong thu hút giảng viên, thu hút người học...) đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc kiểm soát chất lượng của cùng ngành đào tạo ở các cơ sở giáo dục khác nhau; việc gia tăng quy mô đào tạo đòi hỏi nhà trường đảm bảo đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ...

“Hiện nay, nhân lực y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu so với mặt bằng chung cả nước, đặc biệt là nhân lực trình độ cao như tiến sĩ còn hạn chế, nhưng Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện đang ảnh hưởng không ít đến các trường thuộc khối ngành khoa học sức khỏe” - nữ phó giáo sư đề cập.

Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng nhấn mạnh: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo…

Yếu tố cốt lõi của việc xây dựng và phát triển lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường trong thời gian sắp tới, đó là, đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan không, việc công nhận văn bằng và chương trình đào tạo của trường ở các quốc gia trên thế giới, hướng tới việc đào tạo người nhân viên y tế toàn cầu, điều này có vai trò hết sức quan trọng và quyết định đến sự phát triển ổn định của nhà trường”.

Phó Giáo sư Nguyễn Minh Phương cũng cho biết, để đạt được chiến lược đề ra, lãnh đạo nhà trường đã xác định một số nội dung cốt lõi: “Thứ nhất, cải tiến, xây dựng chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra sao cho phù hợp với sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội nói chung, nhà tuyển dụng nói riêng. Đồng thời, việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học phải đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ đáp ứng với nhu cầu doanh nghiệp theo xu thế vận động và phát triển của xã hội.

Thứ hai, liên kết giữa trường đại học và hệ thống nhà tuyển dụng lao động, các doanh nghiệp, cơ sở nhận chuyển giao sản phẩm khoa học và công nghệ.

Thứ ba, xây dựng hệ sinh thái trường đại học thông minh, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý hành chính, quản lý đào tạo, các hoạt động khoa học và công nghệ của trường

Thứ tư, tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác trong và ngoài nước”.

Chia sẻ thêm về những khía cạnh mà mình còn nhiều trăn trở, nữ phó giáo sư cho hay: “Trong thời điểm hiện tại, tôi muốn tập trung nhiều hơn cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khoa học và công nghệ, ứng dụng kết quả của các nghiên cứu này trong hoạt động đào tạo để nâng cao chất lượng, chuyển giao công nghệ, phù hợp với bối cảnh phát triển toàn cầu.

Hoạt động đổi mới sáng tạo, mô hình trường đại học khởi nghiệp có tiềm năng và vai trò rất lớn trong việc phát triển nền kinh tế quốc gia và vị thế của trường đại học trong khu vực. Trường đại học khi ấy sẽ có thêm nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, hình thành tư duy khởi nghiệp cho sinh viên. Trường đại học hướng đến mục tiêu này không những tạo được sự đổi mới trong mọi hoạt động của trường mà còn đáp ứng được chuẩn đầu ra đã cam kết với sinh viên”.

PGS.TS Nguyễn Minh Phương (9).jpg
PGS.TS Nguyễn Minh Phương (12).jpg

Vừa qua, ngày 26/9, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ được Ban Bí thư chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025.

Nhận thêm nhiệm vụ mới, khối lượng công việc của nữ phó giáo sư chắc chắn cũng sẽ ngày một nhiều hơn. Song, với cô, đó là một niềm hạnh phúc, niềm hạnh phúc được cống hiến.

Nữ phó giáo sư chia sẻ, người phụ nữ Việt Nam ngày xưa không chỉ đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước mà ngày nay còn tiếp tục vượt qua mọi thành kiến, thử thách để đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực.

Bản thân hiện vừa là nhà khoa học, là một nhà quản lý, vừa là người thầy thuốc và cũng là một nhà giáo, Phó Giáo sư Nguyễn Minh Phương bộc bạch: “Để có thể làm tốt các nhiệm vụ mà xã hội giao phó cũng như cuộc sống gia đình, cho dù ở vị trí nào, cương vị nào, phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đam mê với công việc mình làm, giữ được sự nhiệt huyết, có tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với các thử thách, biết nắm giữ những thời cơ làm chủ cuộc sống.

Bên cạnh đó, phải thực sự dũng cảm, dám đề xuất ý tưởng, sáng kiến, dám thử nghiệm và dám chấp nhận rủi ro. Tôi luôn trao quyền cho cấp dưới quyết định các công việc trong thực hiện nhiệm vụ, luôn tạo động lực làm việc cho nhân viên của mình”.

“Tôi luôn mong muốn xây dựng một xã hội học tập, phụ nữ được học tập, được giữ các vị trí ngang bằng với nam giới. Mỗi phụ nữ sẽ ngày càng phát huy tính chủ động, sáng tạo, bản lĩnh, vượt lên mọi khó khăn, tự tin tỏa sáng và phát triển năng lực bản thân, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội hạnh phúc và thịnh vượng.

Chúc các chị em phụ nữ luôn tìm thấy niềm vui trong công việc, gia đình hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp của mình” - nữ phó giáo sư nhắn nhủ.

PGS.TS Nguyễn Minh Phương (3).jpg
Mộc Trà