Cô giáo Hải Phòng tình nguyện đến vùng miền núi Lâm Đồng dạy học

20/11/2024 06:32
Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Phạm Thị Thuyết đã tình nguyện xin về huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng công tác. 

Sau hơn 2 tháng phát động, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã nhận được 146 hồ sơ đề cử từ 54 tỉnh, thành phố và các tổ chức. Trong đó, hội đồng xét chọn ra 60 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương.

Cô Phạm Thị Thuyết - giáo viên kiêm Bí thư Chi đoàn trường Trường Tiểu học Liêng Srônh (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) là một trong 60 giáo viên tiêu biểu, xuất sắc được vinh danh năm nay.

unnamed (36).jpg
Cô Phạm Thị Thuyết là một trong 60 giáo viên tiêu biểu, xuất sắc được vinh danh tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Nữ giáo viên tình nguyện lên vùng cao công tác

Cô Phạm Thị Thuyết sinh năm 1992 tại Hải Phòng, trong một gia đình thuần nông, đông anh chị em, với hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, bố mẹ cô luôn cố gắng tạo điều kiện cho các con được đi học để có thể bước ra khỏi lũy tre làng, vươn cao và bay xa.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô Thuyết đã tình nguyện xin đến huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng để truyền đạt tri thức cho các em học sinh nơi đây.

Nhớ lại ngày đầu tiên xa gia đình đến làm việc tại huyện Đam Rông, cô Thuyết tâm sự: “Lúc mới đến đây, mọi thứ đối với tôi đều lạ lẫm, từ khí hậu, địa hình đến cách sinh hoạt và văn hóa. Tôi vẫn nhớ như in quãng đường vào trường ngày đó, nhiều dốc cao và ngoằn ngoèo, hai bên đường là những quả đồi cao vút, càng vào sâu thì dân cư càng thưa thớt, cảnh vật vắng vẻ và hoang sơ.

Ngày đầu nhận công tác tôi được nhà trường xếp cho một phòng ở tập thể cùng các giáo viên khác trong trường. Tôi là giáo viên mới nên được đồng nghiệp rất quan tâm, giúp đỡ, động viên để tôi vơi đi nỗi nhớ nhà”.

Cô Thuyết đã tham gia công tác giảng dạy tại nhiều trường trên địa bàn huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng như: Trường Tiểu học Đạ M’Rông, Trường Tiểu học Đa Nhinh và hiện nay là Trường Tiểu học Liêng Srônh. Theo chia sẻ của cô Phạm Thị Thuyết, khu vực Trường Tiểu học Liêng Srônh là một trong những nơi có địa hình di chuyển tới trường khó khăn và phức tạp nhất tại huyện Đam Rông.

Những ngày đầu, sự khác biệt về ngôn ngữ khiến cô Thuyết gặp không ít khó khăn trong công tác giảng dạy. Tuy nhiên, chính điều đó lại thúc đẩy cô nỗ lực hơn để hiểu và gần gũi với học sinh của mình.

Cô Thuyết tâm sự: “96% học sinh mà tôi đang giảng dạy đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn cả về sinh hoạt lẫn điều kiện học tập. Việc đến trường mỗi ngày cũng là một thử thách lớn đối với các em, nhiều em phải di chuyển hàng chục, thậm chí hơn 40 km để tới lớp”.

Giữa vùng cao khắc nghiệt, nơi những đứa trẻ phải vượt qua bao khó khăn mới có thể đến trường, cô Thuyết không khỏi trăn trở về sứ mệnh “người gieo chữ” của mình. “Tôi không muốn các em phải chịu cảnh mù chữ, không muốn tương lai của các em phải gắn liền với nương rẫy, mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám từng ngày.

Tôi luôn tự nhắc mình phải kiên trì vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng hy sinh một phần cuộc sống riêng để mang con chữ lên bản, mang lại cơ hội học tập cho những đứa trẻ nơi đây”.

unnamed (37).jpg
Cô Thuyết hiện đang công tác tại điểm trường chính của Trường Tiểu học Liêng Srônh. (Ảnh: NVCC)

Đi từng nhà vận động, thuyết phục phụ huynh cho con trở lại trường

Theo lời kể của cô giáo Thuyết, đa số phụ huynh là người đồng bào dân tộc thiểu số, chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học, nên các em thường thiếu sự quan tâm, chăm sóc đúng mức từ gia đình. Điều khiến cô Thuyết buồn nhất là nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ học, theo cha mẹ lên nương, lên rẫy.

“Không ít lần tôi phải vượt qua những đoạn đường khó khăn, gập ghềnh để đến từng nhà học sinh vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em trở lại trường. Mỗi lần đến gặp gỡ, trò chuyện, tôi luôn tận dụng cơ hội để tuyên truyền, giải thích cho cha mẹ các em hiểu tầm quan trọng của việc học đối với tương lai của con cái, giúp họ nhận thức được rằng giáo dục chính là con đường duy nhất để các em có thể thoát nghèo, thay đổi cuộc sống”, cô Thuyết kể lại.

Nhờ sự kiên trì và tận tâm của cô Thuyết cùng các thầy, cô giáo nhà trường, phụ huynh đã dần thay đổi. Những em học sinh tưởng chừng phải nghỉ học đã được gia đình đồng ý cho quay lại lớp, tiếp tục hành trình đến trường.

Phụ huynh cũng bắt đầu chủ động hơn trong việc quan tâm đến việc học của con cái, thường xuyên tương tác, trao đổi với giáo viên để biết con em mình học tập thế nào.

“Điều đáng mừng hơn cả là phụ huynh không còn thờ ơ với các hoạt động phong trào của lớp. Thay vào đó, họ tham gia nhiệt tình vào các buổi họp phụ huynh, các hoạt động ngoại khóa của trường, thể hiện sự ủng hộ và đồng hành cùng thầy cô giáo trong việc giáo dục các em”, cô Thuyết chia sẻ thêm.

unnamed (38).jpg
Cô Thuyết cùng các em học sinh Trường Tiểu học Liêng Srônh. (Ảnh:NVCC)

Đối với cô Thuyết, nghề giáo là một trong những nghề cao quý, khi mang trên mình trọng trách đào tạo, dìu dắt những mầm non tương lai của đất nước, bản thân người thầy phải là tấm gương sáng cho các em noi theo, hình thành nhân cách của các em sau này.

Cô Thuyết nói: “Tôi thường xuyên trao đổi, nói chuyện, chia sẻ để các em hiểu được tầm quan trọng của việc học đối với bản thân như thế nào, giúp các em biết cách tu dưỡng và rèn luyện bản thân để có thể trở thành một công dân tốt cho xã hội.

Ngoài việc dạy chữ và giáo dục đạo đức cho học sinh, theo tôi mỗi người thầy cũng phải tự rèn luyện, nâng cao kiến thức của bản thân để truyền đạt lại cho các em những nền tảng kiến thức vững chắc.

Về phương pháp giáo dục đổi mới hiện nay, tôi luôn tích cực học hỏi và trao đổi với đồng nghiệp trong các buổi sinh hoạt chuyên môn để đổi mới các hình thức dạy học. Một trong những cách tôi áp dụng là lồng ghép trò chơi vào bài giảng, nhằm tăng cường sự tương tác giữa cô và trò, giúp tiết học trở nên sinh động và gần gũi hơn.

Đối với những em tiếp thu chậm, tôi sẽ dành thêm thời gian kèm cặp, phụ đạo ngoài giờ học, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ các em tiến bộ”.

Bên cạnh những trăn trở, lo lắng cho tương lai của trẻ em vùng cao, động lực giúp cô Thuyết gắn bó với huyện Đam Rông chính là tình cảm chân thành của những người đồng nghiệp, tình cảm của cha mẹ học sinh dành cho mình.

“Mặc dù Đam Rông là một huyện nghèo, với nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng nơi đây không bao giờ thiếu thốn tình người, chính điều này luôn làm tôi xúc động và tự hào. Những tình cảm ấm áp ấy đã giúp tôi vượt qua nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà để nỗ lực hết mình, không chỉ cho những ước mơ cá nhân mà còn vì mục tiêu chung của ngành giáo dục”, cô Thuyết bày tỏ.

unnamed (39).jpg
Cô Thuyết cũng đạt nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào, hoạt động đoàn thể. (Ảnh: NVCC)

Ngoài là một giáo viên, cô Thuyết còn kiêm nhiệm chức vụ Bí thư đoàn trường Trường Tiểu học Liêng Srônh, tích cực tham gia các phong trào và hoạt động đoàn thể do các cấp tổ chức, phát động. Trong 2 năm liên tiếp, dưới sự dẫn dắt của cô Thuyết, đoàn trường Trường Tiểu học Liêng Srônh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Một số thành tích tiêu biểu của cô Phạm Thị Thuyết đã đạt được trong quá trình công tác:

- Năm học 2021- 2022: Tham gia hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi xếp loại đạt cấp tỉnh theo quyết định 354/QĐ-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng.

- Năm học 2021 -2022: Nhận giấy khen “Đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng.

- Nhận bằng khen đạt thành tích xuất sắc năm học 2022 – 2023 và năm học 2023 – 2024 của Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng.

- Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện Đam Rông tặng giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên giai đoạn 2019-2024”.

- Đạt danh hiệu Lao động tiên tiến năm 2023 - 2024 theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đam Rông.

Phương Thảo