Xã hội nhiều thay đổi, phái nữ càng cần học tập để cân bằng việc nhà, việc nước

18/10/2024 06:17
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hơn 20 năm gắn bó Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, TS Trần Ái Cầm có nhiều trăn trở về chiến lược xây dựng nhà trường trở thành “trường đại học đổi mới sáng tạo”

Là một trong số ít nữ lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam, Tiến sĩ Trần Ái Cầm rất khiêm tốn khi được hỏi và chia sẻ về bản thân.

Tuy nhiên, khi nhắc đến những vấn đề liên quan đến Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nữ Hiệu trưởng Trần Ái Cầm lại rất phấn khởi và nhiệt tình chia sẻ từ những kết quả đạt được cho đến chiến lược phát triển nhà trường trong thời gian tới.

Được biết, Tiến sĩ Trần Ái Cầm sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến nay, cô Cầm đã có gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, nhất là giáo dục đại học với nhiều vị trí, vai trò khác nhau (từ giảng viên cho đến quản lý). Đặc biệt, trong 30 năm công tác đó, cô Cầm có hơn 20 năm gắn bó với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và hiện cô đang là Hiệu trưởng nhà trường.

e4e250d89924207a7935.jpg

“Được làm việc và gắn bó với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành là một hạnh phúc của cuộc đời tôi”

_Tiến sĩ Trần Ái Cầm chia sẻ_

Trăn trở xây dựng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trở thành “trường đại học đổi mới sáng tạo"

Khi được hỏi quan niệm về hạnh phúc, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Ái Cầm bộc bạch rằng, cô từng đọc ở đâu đó định nghĩa về hạnh phúc liên quan đến trạng thái phát triển toàn diện của con người khi họ đạt được cuộc sống tốt đẹp thông qua các trải nghiệm có ý nghĩa. Và cô nhận thấy càng hạnh phúc hơn khi được tham gia vào sự nghiệp trồng người, một nghề vô cùng cao quý, kiến tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và mở ra con đường thành công cho rất nhiều bạn trẻ.

Trong quá trình kết nối giữa trường đại học với doanh nghiệp, cô Cầm cũng có nhiều trải nghiệm cùng với doanh nhân, từ đó thấu hiểu và chia sẻ nhiều hơn. Là lãnh đạo một trường đại học, cô Cầm càng tự hào và hạnh phúc với tập thể sư phạm của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bởi đóng góp thầm lặng nhưng sâu sắc của những người đứng trên bục giảng, truyền đạt tri thức và nuôi dưỡng những giấc mơ, hoài bão cho thế hệ mai sau.

“Trong những ngày tháng 10, ngoài niềm vui đối với phái nữ nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, là người luôn "cổ súy" và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tôi càng vui hơn khi Thủ tướng Chính phủ đã công bố chọn ngày 1/10 hàng năm làm Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Có thể, do bản thân quan sát được sự phát triển của một số quốc gia nên từ lâu tôi cảm nhận được vai trò và động lực của quy luật “công nghệ đẩy và thị trường kéo” (Technology Push & Market Pull), đặc biệt là tinh thần khởi nghiệp trong các trường đại học.

Vài năm trở lại đây, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có đủ điều kiện để quyết định chọn định hướng phát triển thành trường đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Do đó, quyết định lấy ngày 1/10 làm Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ gần đây của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là động lực để nhà trường cũng như các trường đại học trong cả nước chuyển mình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn”, cô Cầm tâm sự.

Hơn 20 năm gắn bó với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Tiến sĩ Trần Ái Cầm có nhiều trăn trở về chiến lược xây dựng nhà trường thật sự trở thành “trường đại học đổi mới sáng tạo”.

Cụ thể, cô Cầm cho biết, mô hình đại học khởi nghiệp được hình thành ở Hoa Kỳ, mở rộng đến châu Âu và đang phát triển bùng nổ trên toàn cầu vào đầu thế kỷ 21. Có rất nhiều cách tiếp cận về trường đại học khởi nghiệp, nhưng tựu trung lại đó là phương thức để tạo ra nguồn lực và giá trị gia tăng, là con đường đi tới thịnh vượng của các quốc gia. Đồng thời, đó là cảm hứng cần lan tỏa đến thế hệ trẻ và các bên liên quan, cùng nhau kiến tạo hệ sinh thái, hình thành và thúc đẩy các giá trị văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để thích ứng với một kỷ nguyên mới đầy biến động.

“Việc các cơ sở giáo dục đại học chuyển đổi sang mô hình đại học khởi nghiệp là định hướng chiến lược đúng đắn và phù hợp với xu thế, là giải pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, động lực phát triển của đất nước; góp phần trong việc gia tăng năng lực cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường lao động và tạo dựng nhiều giá trị cho xã hội”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Theo cô Cầm, hiện nay, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang định hướng chiến lược nhà trường theo tiếp cận của tổ chức OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - PV) và tổ chức xếp hạng đối sánh UPM, xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với 4 nhiệm vụ cơ bản:

Thứ nhất, hệ thống quản trị, lãnh đạo của trường đại học phải có quyết tâm cao, chiến lược xây dựng đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải rõ ràng, trong đó, trước hết các khái niệm và mô hình phải được quản trị đúng. Trên cơ sở đó, phải xây dựng văn hoá và tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, không chỉ cho giảng viên, sinh viên mà cả cho đội ngũ hỗ trợ.

Thứ hai, xây dựng được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Bên cạnh cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu truyền thống, phải có những không gian đổi mới sáng tạo chung, vườn ươm doanh nghiệp, văn phòng chuyển giao công nghệ,… Trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cũng cần tích hợp môi trường số và các yếu tố phát triển bền vững vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, kết quả đầu ra đào tạo không còn dừng lại với các chỉ tiêu, chỉ số truyền thống như tỷ lệ sinh viên có việc làm, mà phải là tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp được. Vì khởi nghiệp không những tạo ra việc làm cho bản thân mà còn tạo việc làm cho người khác, giảm tình trạng thất nghiệp. Đặc biệt, chỉ có khởi nghiệp thì mới làm chủ và nâng cao tính tự cường của đất nước. Để làm được điều này, nhà trường phải đào tạo theo định hướng khởi nghiệp, đòi hỏi không chỉ có đội ngũ giảng viên hàn lâm tốt mà còn phải có đội ngũ mentor (người cố vấn - PV) hướng dẫn tinh thần, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên.

Thứ tư, nhà trường không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu hàn lâm để có nhiều công bố quốc tế mà phải hướng đến các sáng chế và sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các sản phẩm có thể thương mại hóa và phục vụ cộng đồng. Trường đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến giảng viên và doanh nhân về chiến lược phát triển theo mô hình này và đã nhận được đồng thuận và quyết tâm rất cao.

Cân bằng việc nhà - việc trường

Trên thực tế, so với nam giới, nữ giới khi đảm nhận các công tác lãnh đạo, quản lý có những thử thách, khó khăn riêng. Cô Cầm nhận xét, phong cách lãnh đạo của nam giới thường có xu hướng mạnh mẽ và “tài” diễn thuyết hơn nữ giới nên dễ tạo được lòng tin ngay ban đầu. Trong khi đó, phái yếu - nữ giới khi làm lãnh đạo lại thường ôn hòa nên niềm tin cần có thời gian lâu dài để hình thành và thông qua kết quả công việc.

Cô Cầm.jpg
Tiến sĩ Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: NTCC)

“Như mọi người đều biết, phụ nữ còn một trách nhiệm cao quý đối với gia đình, thiên chức làm mẹ. Mặc dù thời đại hiện nay đã có nhiều quan điểm cởi mở, tạo cơ hội để phụ nữ phát triển, có nhiều phương tiện, dịch vụ và công nghệ hỗ trợ “giải phóng” phụ nữ, nhưng khó khăn còn lại vẫn là khả năng tổ chức cuộc sống và công việc, nhất là công việc quản lý và lãnh đạo.

Không phải những người lãnh đạo thành công là những người có năng lực bẩm sinh. Lãnh đạo quản lý là một nghề, nên nếu muốn làm tốt thì phải học và có kết quả. Bản thân tôi luôn luôn tranh thủ mọi điều kiện để học các kiến thức và kỹ năng quản lý từ thực tiễn, từ đồng nghiệp, đặc biệt là từ sách vở và các khóa học cơ bản. Khi có kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, chúng ta sẽ quản lý được thời gian và công việc của bản thân, cân bằng việc nhà và việc trường. Điều này giúp tôi có thể vận hành một cơ sở giáo dục với gần 1.500 cán bộ, giảng viên và hơn 30.000 sinh viên đạt được nhiều kết quả tốt”, cô Cầm bày tỏ.

Trong suốt quá trình học tập và công tác, với cô Cầm, người đã tạo cho cô nguồn cảm hứng đầu tiên cũng như tác động mạnh mẽ và giúp cô thành công chính là mẹ của cô.

Theo tâm sự của cô Cầm, mẹ của cô luôn là một tấm gương sáng để cô học tập, noi theo, từ việc học cách bao dung và sống tích cực, có ý nghĩa đến thầm lặng hỗ trợ, giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

“Ngày 20/10/1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vai trò của phụ nữ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và phát triển đất nước.

Bên cạnh sự tri ân, ngày 20/10 được chọn để nhắc nhớ về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường bình đẳng giới, nơi phụ nữ có cơ hội học tập, làm việc và phát triển bản thân một cách công bằng với nam giới.

Câu nói “Happy wife, Happy Life” có nghĩa là phụ nữ hạnh phúc thì gia đình cũng hạnh phúc.

Tôi chúc các đồng nghiệp nữ, sinh viên nữ chủ động chọn cuộc sống hạnh phúc với công việc có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội, có nhiều trải nghiệm và hài lòng với những đóng góp đó.

Trong xã hội có nhiều thay đổi, phái nữ càng cần phải được học tập, bồi dưỡng các kiến thức để quản trị bản thân, thời gian, công tác và để cân bằng việc nước, việc nhà”, Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bày tỏ.

Ngày 15/10/2010, Ban Bí thư ra thông báo số 382/TB-TW công nhận Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Kể từ đó, ngày 20/10 hàng năm trở thành Ngày Phụ nữ Việt Nam. Đây là dịp nhằm tôn vinh vai trò của người phụ nữ Việt cho những đóng góp của gia đình và xã hội.

Ngọc Mai