Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) có tổng mức đầu tư ở cả 2 giai đoạn là hơn 5.100 tỷ đồng.
Trong đó giai đoạn 1, từ Km 76+00 - Km 83+500 (từ điểm giao quốc lộ 46 đến tỉnh lộ 535, tỉnh Nghệ An), có tổng mức đầu tư là 521 tỷ đồng được khởi công vào tháng 7/2020 đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Giai đoạn 2, từ Km7 - Km76 có tổng mức đầu tư là 4.651 tỷ đồng; được khởi công từ tháng 2/2022, thời gian thi công theo hợp đồng là 48 tháng, sẽ kết thúc vào tháng 2/2026. Công trình có quy mô đường cấp III đồng bằng, nền rộng 12m, mặt đường rộng 11m.
Công trình có tổng mức đầu tư 4.651 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương và của tỉnh Nghệ An. Trong đó hạng mục xây lắp là 3.200 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 933 tỷ đồng, tiền dự phòng và các chi phí khác 515 tỷ đồng. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. (1)
Đến nay một số đoạn ở thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Diễn Châu và Quỳnh Lưu đã thảm nhựa, chưa thông tuyến song các phương tiện có thể di chuyển. Đường dự kiến hoàn thành vào quý III/2024, vượt tiến độ trước 2 năm.
Ngày 15/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định chuyển tuyến đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò thành đường tỉnh 537C. (2)
Quá trình thi công, vì tuyến đường qua nhiều địa hình phức tạp có khu vực cửa sông, vị trí đường sát biển, cũng có đoạn băng qua núi nên nhà thầu đã phải rất linh hoạt các phương án xử lý. Đặc biệt là cho máy móc phong hóa đất để đào đường qua một số vạt núi ở huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, còn những đoạn đi qua biển sẽ xây thêm kè chắn sóng.
Điểm nhấn của dự án là 8 cây cầu bắc qua các con sông và cửa biển. Trong đó có 5 cầu lớn gồm Hoàng Mai, Lạch Quèn, Cửa Thơi, Lạch Vạn, Nghi Quang; 3 cầu nhỏ là Tân Long, Kênh Nhà Lê và Nghi Tân.
Điểm cuối của tuyến giao với cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, kết nối huyện Nghi Xuân và đường ven biển Hà Tĩnh. Khi thông xe toàn tuyến, các phương tiện có thể di chuyển một mạch trên đường ven biển của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với điểm đầu ở thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) và điểm cuối là thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Điều này sẽ góp phần giảm tải đáng kể lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 1 và phần đường cao tốc Bắc - Nam chạy qua địa bàn tỉnh Nghệ An như hiện nay.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày 17/11, cơ bản các đoạn trên tuyến đường ven biển đi qua địa bàn tỉnh Nghệ An đã hoàn thiện và cho các phương tiện lưu thông. Một số vị trí vẫn bị ngắt quãng do vướng vào khu vực chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng.
Trên công trường, những khu vực hoàn thiện, máy móc và công nhân đang lắp đặt hàng rào chắn, sơn vạch kẻ đường. Tại khu vực vừa giải phóng mặt bằng, đội thi công nhanh chóng thực hiện việc san lấp, đi cống ngầm để hoàn trả mặt đường.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Anh Huy, tài xế xe tải chở hàng đông lạnh tại huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, việc tuyến đường ven ven biển qua địa phận tỉnh Nghệ An đang dần hoàn thiện cho thấy lợi ích rất lớn mà bà con các tỉnh lân cận cũng được hưởng lợi theo.
Anh Huy cho biết: "Trước đây khi muốn chở hàng thủy sản đông lạnh từ kho bên khu cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) sang đổ cho các thương lái ở Nghệ An hoặc Thanh Hóa cánh tài xế đều phải di chuyển với quảng đường khá xa, ảnh hưởng đến chất lượng, độ tươi ngon của thủy sản.
Thông thường trước đây nếu muốn di chuyển sang địa bàn lân cận hoặc các đại lý thủy sản cách nhau bên kia bờ sông Lam buộc xe tải chở hàng phải vòng ngược lên Quốc lộ 1A, qua cầu Bến Thủy rồi men theo đường ven sông để đến điểm tập kết.
Tuy nhiên hiện nay, khi cầu Cửa Hội đã đi vào hoạt động, quảng đường được rút ngắn chỉ bằng 1/3 so với trước đây, việc lưu thông qua cầu cũng thuận tiện hơn, chi phí vận tải cũng giảm thiểu đáng kể.
Điều này giúp cho giá trị hàng hóa cũng được giảm theo, việc mua bán của các thương lái cũng "dễ thở" hơn trước".
Còn ông Lê Minh Tiến, trú tại huyện Diễn Thành (huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho rằng, việc một số đoạn của tuyến đường ven biển được đưa vào sử dụng giúp cho việc lưu thông hàng ngày của ông trở nên thuận tiện và an toàn hơn rất nhiều so với trước đây.
"Tôi làm bảo vệ trong công ty may mặc cách nhà chưa đầy 5 cây số, tuy nhiên trước đây khi chưa có tuyến đường ven biển, tôi phải di chuyển hơn 3 cây số trên Quốc lộ 1A và phải đi thêm đường vòng hơn 3 cây số nữa mới đến chỗ làm.
Việc di chuyển như vậy không chỉ làm quãng đường đi làm của tôi xa hơn mà khi lưu thông trên đường quốc lộ có nhiều phương tiện lớn chạy với tốc độ cao khiến tôi rất lo ngại, đặc biệt là khi phải đi lại vào buổi tối.
Khi tuyến đường này được đưa vào sử dụng, việc đi lại phục vụ cho công việc của tôi trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Hơn nữa, vì phần lớn tuyến đường này đi qua cánh đồng, không có xe ô tô tải lớn chạy qua nên cũng bớt đi phần nào tâm lý lo lắng khi di chuyển trên đó", ông Tiến chia sẻ.
Một số ghi nhận trên tuyến đường ven biển đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Nghệ An:
Tư liệu tham khảo:
(1) https://www.baogiaothong.vn/tuyen-duong-ven-bien-hon-5000-ty-dong-qua-nghe-an-dang-thi-cong-ra-sao-192240708071240408.htm
(2) https://vnexpress.net/duong-ven-bien-hon-4-600-ty-dong-o-nghe-an-4673015.html