Nữ nhà giáo ĐH Giao thông vận tải miệt mài nghiên cứu kinh tế vận tải đường sắt

12/10/2024 06:23
Thái Vân
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh luôn tâm niệm “không cần quá áp đặt về kết quả trong công việc, hãy giữ lửa đam mê và trái thơm sẽ đến, nhất là nghề giáo”.

Là Ủy viên chấp hành Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1972) đã có nhiều đóng góp trong công tác vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trong ngành đường sắt Việt Nam.

Bên cạnh đó, nữ nhà giáo còn là tác giả độc lập, tác giả chính của nhiều bài báo khoa học được công bố trong và ngoài nước.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh hiện đang là Phó Trưởng khoa Vận tải - Kinh tế (Trường Đại học Giao thông vận tải).

Đam mê vận tải đường sắt dẫn lối đến với nghề giáo

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Trưởng khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Trưởng khoa Vận tải - Kinh tế (Trường Đại học Giao thông vận tải). Ảnh: NVCC.

Chia sẻ cơ duyên đến với nghề giáo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm việc tại ngành đường sắt, từ mẹ đến các chú, bác đều là nhân viên ngành đường sắt. Đặc biệt, nơi tôi sinh sống cũng ở gần một ga tàu. Có lẽ bởi thế, tôi sớm có cơ hội tiếp xúc và hiểu rõ hơn về ngành nghề này.

Lớn lên trong một môi trường như vậy, đã thôi thúc tôi theo đuổi nghiên cứu về vận tải đường sắt. Dấu mốc đáng nhất có lẽ là vào thời điểm đứng trước “ngưỡng cửa” đại học, tôi quyết định đăng ký thi vào Trường Đại học Giao thông vận tải, với ngành Kinh tế vận tải đường sắt, để “giữ lửa” đam mê với ngành đường sắt.

Và bằng sự nỗ lực, nhiệt huyết với nghề và thành tích học tập xuất sắc, tôi được nhà trường tin tưởng giao trọng trách công tác giảng dạy tại Khoa Vận tải - Kinh tế từ năm 1993, ngay sau khi tốt nghiệp. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự khởi đầu cho sự nghiệp giáo dục của tôi. Có thể nói, nghề giáo đến với tôi như một cơ duyên, mà người ta vẫn thường hay gọi đó là “nghề chọn người”. Nghề giáo đã chọn tôi và tôi chọn yêu nghề, gắn bó với nghề”.

Môi trường sống từ khi còn nhỏ đã góp phần định hình ước mơ của cô giáo Hạnh và chính cô đã quyết định hiện thực hóa ước mơ ấy. Bén duyên với ngành đường sắt, cô Hạnh miệt mài theo đuổi nghiên cứu, trở thành một nhà giáo chia sẻ kiến thức và truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ sinh viên.

Cô Hạnh chia sẻ, chính Quyết định số 322/2000/QĐ-TTg ngày 19/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (gọi tắt là Đề án 322) đã góp phần thay đổi lớn cuộc đời mình.

“Tôi còn nhớ, năm 2004, trong quá trình làm nghiên cứu sinh, tôi may mắn được chọn cử sang Úc du học theo Đề án 322 - tôi là một trong số những người đầu tiên được thụ hưởng.

Thời điểm đó, để có được học bổng đi du học nước ngoài là một điều vô cùng xa xỉ. Và đó cũng là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi - năm 32 tuổi. Nhờ có cơ hội trải nghiệm này, tôi được tiếp cận với những kiến thức mới mẻ, mở mang tầm nhìn và vốn sống.

Khi đó, trình độ ngoại ngữ của giảng viên còn nhiều hạn chế, nhà trường cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo điều kiện tốt nhất cho tôi đi học nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi ra nước ngoài. Và thế là, tôi đã có khoảng thời gian tầm 6 tháng để học ngoại ngữ tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Hà Nội)” - cô Hạnh kể lại.

“Trong quá trình đi du học, tôi nhận thức được rằng, thành công không chỉ đến từ việc học hỏi lý thuyết, mà còn từ việc ứng dụng những kiến thức đó vào thực tế, đặc biệt là vận dụng vào những điều kiện đặc điểm, đặc thù riêng của Việt Nam. Thời điểm đó, Internet chưa phát triển, nguồn tài liệu cũng chưa được cập nhật đầy đủ. Nhờ có học bổng của Chính phủ nên khi trở về nước năm 2005, tôi có thêm sự hiểu biết, tự tin hơn trong các công bố khoa học và đều đặn công bố thêm những nghiên cứu khác” - nữ phó giáo sư chia sẻ.

Nhà giáo phải gắn liền giữa cầu nối tri thức và nghiên cứu khoa học

Tính đến thời điểm hiện tại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh có hơn 20 công trình khoa học đã công bố, 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng là chủ biên 2 cuốn giáo trình liên quan đến lĩnh vực vận tải (Kế toán doanh nghiệp vận tải; Tài chính doanh nghiệp), góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vận tải đường sắt.

Không chỉ là một giảng viên tâm huyết, một nhà khoa học miệt mài cống hiến, cô Hạnh còn thành công trong việc hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ ngành Tổ chức và quản lý vận tải tại Trường Đại học Giao thông vận tải.

Với những thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và công tác vận động trí thức, năm 2024, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh là một trong 135 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu trên toàn quốc được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vinh danh.

Chia sẻ về thành quả này, nữ nhà giáo khiêm tốn bộc bạch: “Đây giống như một nguồn động lực lớn, tiếp thêm nhiều năng lượng cho tôi cống hiến hết mình với đam mê nghiên cứu khoa học”.

Nữ trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh được tôn vinh tại Lễ tôn vinh Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. Ảnh: NVCC.

Nữ phó giáo sư cho hay: “Giảng viên đại học không chỉ có nhiệm vụ giảng dạy, mà còn có trách nhiệm không ngừng nghiên cứu, sáng tạo.

Để cân bằng cả hai nhiệm vụ này, việc xây dựng một lộ trình rõ ràng với những mục tiêu cụ thể là điều vô cùng quan trọng. Thay vì đặt ra những mục tiêu quá lớn và xa vời, tôi tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn và đánh giá tiến độ thường xuyên; để dễ dàng thực hiện, giảm bớt áp lực và cân đối được thời gian tham gia đào tạo nghiên cứu, gia đình và cuộc sống”.

Cô Hạnh tâm sự: “Mỗi ngành nghề đều có những khó khăn, thử thách riêng. Đối với phụ nữ, việc cân bằng giữa nghiên cứu và gia đình là một bài toán khó.

Bên cạnh áp lực công việc, phụ nữ còn phải đảm bảo vai trò người mẹ, người vợ. Nếu không sắp xếp hợp lý, cả sự nghiệp và hạnh phúc gia đình đều có thể bị ảnh hưởng.

Không thể phủ nhận, năng lực của phụ nữ ngày nay cũng không hề thua kém nam giới, nếu có sự quyết tâm và chuyên tâm vào công việc, phụ nữ hoàn toàn có thể thành công trong cả sự nghiệp và cuộc sống”.

Hiện tại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh vẫn miệt mài theo đuổi nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế vận tải đường sắt, trong đó, tập trung phân tích các vấn đề về doanh nghiệp vận tải đường sắt, bao gồm huy động vốn, sử dụng vốn, quản lý vốn cho doanh nghiệp vận tải đường sắt,… tiếp nối mạch nghiên cứu từ những ngày đầu sự nghiệp.

“Khi đắm mình vào nghiên cứu sâu về một vấn đề, đam mê sẽ đến một cách tự nhiên và trở thành một phần không thể thiếu trong công việc”, cô Hạnh vui vẻ chia sẻ.

Nữ giảng viên cũng bày tỏ: “Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, sinh viên là trung tâm của mọi hoạt động giảng dạy. Việc đổi mới chương trình đào tạo phải luôn gắn liền với nhu cầu thực tế của xã hội. Các chuẩn đầu ra được thiết kế dựa trên yêu cầu của thị trường lao động, nhằm đảm bảo sinh viên ra trường có đủ 3 yếu tố: kiến thức, kỹ năng và thái độ để đáp ứng công việc.

Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên cách tự học, tự nghiên cứu thông qua khai thác các nguồn thông tin một cách hiệu quả. Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, việc định hướng cho sinh viên phân biệt thông tin đúng sai, đáng tin cậy là vô cùng quan trọng. Giảng viên cần trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để đánh giá, phân tích thông tin và đưa ra quyết định đúng đắn”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng luôn động viên các đồng nghiệp trẻ rằng: “Nghề giáo là một hành trình dài đầy thử thách, xác định đã là nhà giáo phải luôn cố gắng, phấn đấu và dành niềm đam mê cho công việc. Thời điểm đầu có thể rất khó khăn, nên hãy giữ lòng kiên trì và sự nhiệt huyết, rồi sẽ gặt hái được những thành quả xứng đáng.

Giá trị của nghề giáo không chỉ đo bằng tiền bạc, mà còn ở những giá trị phía sau, những ảnh hưởng tích cực mà nhà giáo mang lại cho xã hội”.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Trưởng khoa Vận tải - Kinh tế, Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh_ NVCC.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hạnh chủ trì Tọa đàm hướng nghiệp ngành Vận tải và Kinh tế đường sắt vào ngày 21/9/2024. Ảnh: NVCC.

“Đồng thời, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác giáo dục, các thầy cô cũng cần không ngừng học hỏi, hoàn thiện và nâng cao bản thân. Việc tự học không chỉ giúp thầy cô cập nhật những xu thế mới, mà còn nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao hiệu quả tốt nhất cho công việc.

Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn sẵn sàng học hỏi từ chính đồng nghiệp và những học trò của mình. Ví dụ, khi chuẩn bị bài giảng, tôi đã học cách sử dụng phần mềm Canva từ các bạn sinh viên để tạo ra những bài giảng sinh động và hấp dẫn hơn. Sự tương tác này không chỉ giúp tôi hoàn thiện bản thân, mà còn tạo ra một môi trường học tập cởi mở và gần gũi. Hiểu rõ hơn về tâm lý, nhu cầu của người học, từ đó, tôi có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp” - cô Hạnh cho biết.

Phó Trưởng khoa Vận tải - Kinh tế (Trường Đại học Giao thông vận tải) cũng nhắn nhủ tới các thế hệ sinh viên: “Để có một sự nghiệp thành công và hạnh phúc, các em nên đặt đam mê lên hàng đầu khi lựa chọn ngành nghề. Khi đã xác định được đam mê của mình, nên tìm hiểu kỹ về ngành nghề đó, về cơ hội việc làm và những thách thức có thể gặp phải trong tương lai.

Khi làm việc trong lĩnh vực mình yêu thích, chúng ta sẽ có nhiều động lực hơn để học hỏi và sáng tạo, từ đó tạo ra những giá trị thực sự. Ngược lại, nếu chỉ chạy theo xu hướng, sẽ rất dễ cảm thấy nhàm chán và khó có thể đạt được sự hài lòng trong công việc.

Không nên quá lo lắng về vấn đề lương, thưởng ngay từ đầu, mà nên tập trung vào việc phát triển bản thân và nâng cao kiến thức chuyên môn. Thành công về tài chính sẽ đến khi chúng ta thực sự đam mê và làm tốt công việc của mình.

Đồng thời, nếu các bạn trẻ “nhảy việc” liên tục, sẽ khó có thể đạt được sự chuyên sâu trong bất kỳ lĩnh vực nào. Các doanh nghiệp luôn đánh giá cao những ứng viên có chuyên môn sâu và kinh nghiệm làm việc lâu dài.

Chính vì vậy, việc kiên trì theo đuổi một mục tiêu và không ngừng nỗ lực sẽ giúp chúng ta đạt được thành công bền vững trong tương lai”.

Thái Vân