Theo quy định, doanh nghiệp nhập hàng hóa để sản xuất hàng tiêu dùng hoặc sản xuất hàng xuất khẩu, thay vì phải nộp thuế nhập khẩu ngay trước khi nhận hàng thì được chậm nộp thuế tối đa lên đến 275 ngày. Chính sách này nhằm giúp DN giảm bớt khó khăn về vốn, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên cùng với đó, lợi dụng sự thông thoáng này, công ty TNHH DIINGLONG Việt Nam đã nhập khẩu hàng hóa, bán rồi trốn khỏi địa bàn, chiếm đoạt luôn tiền thuế, gây ra nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ thuế.
Theo chị Nguyễn Thị Chiểu, nhân viên bảo vệ của công ty, việc bỏ đi của một loạt các cán bộ chủ chốt nhà máy diễn ra bí mật đến nỗi toàn bộ công nhân Việt Nam và những người cho công ty này nợ tiền đều không hề hay biết. Thậm chí, kế hoạch tiêu thụ hàng hóa cũng được chủ doanh nghiệp thực hiện một cách âm thầm ngay trong những ngày nghỉ tết để tránh sự phát hiện của công nhân, những người đang bị chủ DN nợ lương.
Chị Nguyễn Thị Chiểu, nhân viên bảo vệ công ty TNHH DIINGLONG Việt Nam cho biết: “Khi họ chuyển hàng, mọi người cứ nghĩ là chuyển hàng xuất nhập bình thường, nhưng đến mùng 9 tết, khi nhân viên đến làm việc thấy nhà cửa tan hoang thì mới biết họ đã bỏ trốn”.
Theo cục Hải quan Bình Dương, sau khi bán hết hàng hóa rồi bỏ trốn về Đài Loan, DN này vẫn còn để lại một nhà xưởng trên diện tích 3 ha tại thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương với trị giá khoảng 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay cả với số tài sản trị giá trên, cơ quan Hải quan cũng không thể thu hồi được tiền thuế bởi toàn bộ tài sản này đã được thế chấp tại ngân hàng với số tiền vay trên 100 tỷ đồng, lớn hơn nhiều giá trị có thể rao bán của tài sản.
Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó trưởng phòng thuế XNK, Hải quan Bình Dương khẳng định: “Hiện, tài sản vẫn chưa bán được nhưng khả năng bán sẽ thấp hơn số nợ ngân hàng nên các khoản nợ khác và nợ thuế sẽ khó thu hồi”.
Còn ông Hân Anh Vũ, Cục trưởng cục Hải quan Bình Dương cho hay: “Chúng tôi đã liên hệ với Hải quan nước bạn, nhưng phần lớn nhận được trả lời là họ cũng không liên lạc được với DN nên đây cũng là khó khăn lớn trong việc thu hồi nợ thuế”.
Cũng theo Hải quan Bình Dương, phần lớn các DN sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều thế chấp nhà xưởng, máy móc thiết bị để vay vốn, thậm chí nhiều trường hợp còn được vay với mức cao hơn giá trị tài sản, do được vay thêm cả bằng tín chấp, nên khi bỏ trốn, sau khi ngân hàng siết nợ, cơ quan này gần như không thu được đồng tiền thuế nào.
Để khắc phục tình trạng chính sách ân hạn thuế bị lợi dụng, Bộ Tài chính đang có dự thảo sửa đổi luật Quản lý thuế. Theo đó, DN thuộc đối tượng nợ thuế nhập khẩu cần phải có thêm bảo lãnh từ phía ngân hàng để đảm bảo các khoản nợ thuế chắc chắn được thanh toán.
Tuyết Mai/ VTV