Muôn màu cuộc sống của du học sinh Việt ở Nhật

21/01/2013 14:30
Trần Mai
(GDVN) - Tìm kiếm những cơ hội học tập và làm việc tại nước ngoài là mục đích của hầu hết du học sinh Việt. Cuộc sống nơi xứ lạ đã dạy cho các bạn nhiều hơn những điều đang ấp ủ.
Giấc mơ xứ sở hoa anh đào
“Một đất nước với nền kinh tế phát triển, hiện đại, trình độ dân trí cao và ý thức công dân thì quá tuyệt vời”, đó là những chia sẻ của các bạn trẻ khi lựa chọn điểm đến cho hành trình tìm kiếm ấy. Các bạn đến, các bạn trải nghiệm và các bạn cũng đã học được nhiều điều bổ ích cho riêng mình. 
“Mình lựa chọn du học tại Nhật chỉ vì thích đất nước này, thích cái đẹp của phong cảnh, thích cá tính con người và thích sự mới lạ” – Trịnh Thị Mến, cô bạn du học sinh Việt tại Chiba ken (Nhật Bản) không ngần ngại chia sẻ về nơi mình đang theo học. Sang Nhật cũng gần được một năm, Mến đã dần quen với cuộc sống bên này. Chọn du học để tìm cơ hội cho việc học của mình và thỏa mãn ấn tượng về nước Nhật, Mến quyết định bỏ dở khi đang theo học trường Đào tạo lập trình viên Quốc tế Hà Nôi – Aptech.
Còn với cậu sinh viên Nguyễn Thế Đồng, tốt nghiệp Cao đẳng Thủy sản tháng 6 năm ngoái lại băn khoăn trước bước ngoặt mới ra trường: “ Mình thấy thực tế sinh viên thất nghiệp nhiều quá, mình muốn sang Nhật để thay đổi, ít ra mình sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi và va chạm hơn. Mình đang học tiếng và tháng 4 tới sẽ bay, mình chỉ hi vọng quyết định này không phải sai lầm”. Và để thực hiện giấc mơ của mình, các bạn trẻ đã phải trải nghiệm thật sự!
Cuộc sống nơi xứ lạ
Để có tiền trang trải cho cuộc sống và đóng học phí, việc làm thêm với du học sinh Việt ở Nhật là một lẽ tất yếu. Vì là du học tự túc nên chi phí để sang Nhật không hề nhỏ (khoảng 200 – 300 triệu đồng). Do vậy, mục đích của hầu hết các du học sinh đặt ra là vừa lo học vừa lo làm. May mắn cho những ai có người quen, bạn bè ở bên đó hay đã được trung tâm lo việc trước khi sang, việc làm và việc học sẽ nhanh chóng được ổn định. Còn không, du học sinh sẽ phải tự túc chạy đôn chạy đáo xin việc. 
Liên – một du học sinh ở Tokyo chia sẻ: “Nhiều bạn 3,4 tháng không xin được việc vì bên này giờ nhiều du học quá. Người Nhật lại nghiêm ngặt trong việc tuyển lao động”.  
Du học sinh làm thêm tại các xưởng làm đồ ăn nhanh (Ảnh minh họa)
Du học sinh làm thêm tại các xưởng làm đồ ăn nhanh (Ảnh minh họa)
Việc làm thêm chủ yếu cho du học sinh là ở các kojou( xưởng, xí nghiệp) làm đồ hộp, đồ ăn nhanh hay đi giao hàng. Công việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn và ý thức kỉ luật cao. Với một du học sinh, tiền lương từ việc làm thêm cũng chỉ đủ cho ăn uống chi tiêu và học phí. Sang Nhật cũng được gần 5 tháng, Nguyễn Thi Hải – du học sinh Việt ở phố Shinjuku (Tokyo) cũng gặp khá nhiều khó khăn: “Lúc mới sang chưa biết tiếng Nhật nhiều, giao tiếp cực kì khó khăn. Mình cũng phải mất 1 tháng để đi tìm việc trong xưởng làm cơm hộp. Mấy năm về trước du học sinh thoải mái làm thêm nên vừa học vừa làm lo đủ cho cuộc sống, nhưng giờ có việc thì một tuần cũng chỉ được làm 28 tiếng nên chi tiêu phải eo hẹp. Không kể đến làm thêm phải làm vào đêm nên ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học rất nhiều”.
Theo Hải, lương trung bình một tháng bạn kiếm được khoảng 100 000 ¥ (Yên Nhật) tương đương khoảng 23 triệu đồng tiền Việt. Trong số đó, trả tiền nhà trọ và các sinh hoạt phí khác hơn 30 000 ¥ ( 7 triệu tiền Việt), đóng học phí khoảng 60 000 ¥. Số tiền dư ra không nhiều.
Cuộc sống nơi xứ lạ dẫu vất vả nhưng các bạn du học sinh lại tìm được những niềm vui và ý nghĩa cho mình. Mến cho biết, bạn đã học được nhiều điều ở nơi đây, từ việc sống tự lập, biết trân trọng giá trị đồng tiền đến việc được tiếp cận môi trường học tập tốt. Còn Hải, mong muốn sau khi học xong, nếu có cơ hội xin việc ở đây, bạn sẽ tiếp tục gắn bó với nơi này.
Để thực hiện những dự định cho riêng mình, mỗi bạn du học sinh luôn tìm kiếm những cơ hội học tập và làm việc phù hợp với mình, dù biết rằng không con đường nào dẫn đến thành công mà không phải trải qua khó khăn.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Trần Mai