Asia Times xuất bản tại Hồng Kông ngày 1/3 cho rằng, trong cuộc chạy đua ngày càng nguy hiểm với Trung Quốc, một ưu thế lớn duy nhất của Mỹ là Washington có số lượng đồng minh tuyệt đối ở khu vực này. Những đồng minh này đã cung cấp khả năng tiếp cận nhiều căn cứ quân sự cho Mỹ. Một khi xảy ra khủng hoảng với Bắc Kinh, những căn cứ này sẽ rất có ích.
Bãi đỗ máy bay ở căn cứ Kadena quân Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản |
Mỹ đang áp dụng hình thức đóng quân luân phiên ở một số căn cứ, trong khi đó, Mỹ triển khai các tài sản tuyến đầu quan trọng ở một số căn cứ, đặc biệt là lực lượng không chiến.
Nhưng do Trung Quốc đạt được tiến bộ về công nghệ tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, Trung Quốc đã có khả năng đe dọa những căn cứ này, thậm chí có thể khiến cho rất nhiều căn cứ không thể phát huy tác dụng khi xung đột hai nước xảy ra.
Trung Quốc quan tâm đến những công nghệ rất khó đáp trả, đó là những công nghệ “phi đối xứng”. Trong đó, hệ thống tên lửa là một phương diện quan trọng.
Từ tên lửa tầm ngắn đến tên lửa tầm trung, cho đến tên lửa tầm xa có thể tiến hành bắn phá điên cuồng đối với căn cứ Mỹ ở tận Guam, Trung Quốc luôn phát triển và triển khai chương trình tên lửa lớn nhất (và có thể tiên tiến nhất – bài báo tự tin) toàn cầu này.
Hiện nay, Mỹ và đồng minh đang triển khai những biện pháp gì để bảo vệ các căn cứ của họ, ngăn chặn tên lửa Trung Quốc tấn công? Theo nhiều quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ và nhiều nhà phân tích, Mỹ và đồng minh không đầu tư nhiều cho vấn đề này.
Máy bay chiến đấu của Quân đội Mỹ trên bầu trời căn cứ Okinawa |
Năm 2012, nhà nghiên cứu cấp cao Roger Cliff đến từ Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng: “Việc gia cố vừa bao gồm các biện pháp phòng thủ tích cực như tên lửa đất đối không, vừa bao gồm các biện pháp phòng thủ như gia cố công sự”.
Roger Cliff chỉ ra, có thể gia cố các công trình hạ tầng như nhà chứa máy bay, để nó đủ khả năng chống lại các cuộc tấn công của tên lửa hành trình… Vấn đề ở chỗ, ở các căn cứ trên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương có ít các công trình nhà chứa như vậy.
Chẳng hạn, căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản tổng cộng có 15 nhà chứa máy bay, mỗi nhà chứa chỉ chứa được 2 máy bay, tổng cộng chứa được khoảng 30 máy bay chiến đấu.
Nhưng căn cứ không quân Futenma của lực lượng Thủy quân lục chiến cũng ở Okinawa lại không hề có nhà chứa máy bay. Căn cứ Iwakuni của lực lượng Thủy quân lục chiến, căn cứ không quân Yokota ở đảo Honshu và căn cứ không quân Anderson cũng đều không có nhà chứa máy bay.
Việc xây dựng các nhà chứa máy bay chiến đấu ở căn cứ Kadena đã cho thấy Trung Quốc đã gây ra thách thức nghiêm trọng cho Washington. Trong diễn tập mô phỏng do Công ty RAND tiến hành vào năm 2008, chỉ 34 quả tên lửa là đủ để tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho căn cứ Kadena, phá hoại hoặc phá hủy 75% máy bay.
Căn cứ Futenma của Quân đội Mỹ ở Nhật Bản |
Cuối năm 2014, một nhà nghiên cứu cấp cao đến từ Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ cho rằng: “Thông thường, các căn cứ nằm trong phạm vi tấn công của máy bay ném bom đối phương đều có thể bị tên lửa đạn đạo tấn công tập trung”.
Theo học giả này, những tên lửa này có thể tiêu diệt tất cả máy bay không được bảo vệ, gây ra tình trạng rất nhiều mảnh kim loại sắc nhọn tản mát ở trên đường băng sân bay. Điều này sẽ còn khiến cho máy bay không thể rời khỏi nhà chứa, trừ phi làm sạch trước các mảnh vỡ.
Quá trình này có thể làm tiêu tốn rất nhiều thời gian và nhân lực. Đồng thời, đối phương có thể sử dụng máy bay có người lái và tên lửa hành trình trang bị vũ khí dẫn đường chính xác để phát động tấn công tiếp theo, mục tiêu là các kho nhiên liệu, máy bay trên đường băng sân bay và trong nhà chứa máy bay, làm tê liệt toàn bộ căn cứ, buộc phải sửa chữa lớn.
Mặc dù triển vọng không hề lạc quan, nhưng Washington ít nhất đã bắt đầu quan tâm giải quyết vấn đề này. Song Washington phải đầu tư nhiều nguồn lực hơn để giải quyết thách thức to lớn và không hề dễ dàng này.
Căn cứ quân sự Guam Mỹ |
Quân đội Mỹ đang sử dụng hình thức triển khai luân phiên để tăng quân ở châu Á, phạm vi đã vượt xa tầm bắn của tên lửa Trung Quốc. Chẳng hạn, một báo cáo của báo “War is Boring” Mỹ cho hay, đảo Tinian ở lân cận Guam đang trở thành một trong những căn cứ dự phòng của Không quân Mỹ.
Cộng với việc triển khai lâm thời hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến như hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) khi xảy ra khủng hoảng có thể làm cho Trung Quốc phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng tên lửa tiến hành tấn công.
Nếu kết hợp hai biện pháp này với một số biện pháp gia cố (chẳng hạn nhà chứa máy bay chiến đấu trong tầm bắn của tên lửa Bắc Kinh), thì giải pháp 3 bước này có thể giúp Washington nắm chắc phần thắng khi ứng phó với ưu thế quân sự mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Mỹ vừa triển khai thêm máy bay chiến đấu tàng hình F-22 ở Nhật Bản |