Mỹ và Trung Quốc tranh quyền kiểm soát Thái Bình Dương

27/01/2012 06:31
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - Trung Quốc âm thầm thúc đẩy "chiến lược hướng nam" qua các mối quan hệ với Đông Timor, Fiji, Seychelles, Đông Phi…, đáp trả Mỹ.

Ngày 14/1, trang mạng Quỹ văn hóa – chiến lược Nga đã đăng bài viết của tác giả Vratislav Gurevich với nhan đề “Trung-Mỹ tranh giành quyền kiểm soát Thái Bình Dương”.

Bài viết cho rằng, sự trỗi dậy về sức mạnh quân sự, kinh tế của Trung Quốc thúc giục các chính trị gia phương Tây ngày càng quan tâm tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đông Timor tách khỏi Indonesia năm 2002. Mỹ và Trung Quốc đã tranh giành ảnh hưởng tại đây.
Đông Timor tách khỏi Indonesia năm 2002. Mỹ và Trung Quốc đã tranh giành ảnh hưởng tại đây.

Cách đây không lâu, Mỹ đã có ảnh hưởng thực sự tại khu vực này, nhưng đến nay Bắc Kinh ngày càng hoạt động tích cực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các chuyên gia Mỹ hết sức lo ngại, họ cho biết, Trung Quốc lựa chọn những nước mà Mỹ khó xây dựng được quan hệ bình thường với họ.

Nhiều năm qua, sự cứng nhắc về chính sách ngoại giao của Washington luôn nhấn mạnh đến bảo vệ nhân quyền. Do chính sách của các tập đoàn thống trị một số nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương không phù hợp với “quan niệm giá trị dân chủ”, nên Mỹ lạnh nhạt với họ, do đó đẩy các nước này vào vòng tay của Trung Quốc.

Quan hệ giữa Mỹ và Đông Timor (East Timor) chính là như thế. Vị trí địa lý của quốc đảo này ưu việt, cận kề Australia và Indonesia, đáy biển của nước này có nguồn dầu mỏ phong phú. Đông Timor cách eo biển Vetta rất gần, đây là một trong những eo biển sâu nhất thế giới, là tuyến đường lý tưởng cho tàu ngầm đi từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.

Một khi khu vực này xảy ra xung đột, tàu ngầm của hải quân có thể tận dụng có hiệu quả tuyến đường này hay không phụ thuộc vào có sở hữu eo biển Vetta hay không, mà việc sở hữu eo biển này phụ thuộc vào “sở hữu” Đông Timor.

Sau khi Đông Timor giành độc lập năm 2002, Washington và Bắc Kinh cạnh tranh ảnh hưởng ở Đông Timor, Bắc Kinh đã thành công hơn trong cuộc cạnh tranh này.

New Zealand lo ngại về mối quan hệ Trung Quốc-Fiji. Trong hình, vị trí chữ màu đỏ là quốc đảo Fiji ở Nam Thái Bình Dương.
New Zealand lo ngại về mối quan hệ Trung Quốc-Fiji. Trong hình, vị trí chữ màu đỏ là quốc đảo Fiji ở Nam Thái Bình Dương.

Trong tình hình đó, Washington đã tăng cường hợp tác chiến lược quân sự với Australia và New Zealand. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố Washington có ý định biến thế kỷ 21 thành thời đại chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.

Australia là đồng minh lớn nhất của Nhà Trắng tại khu vực này, hơn nữa có nhiều cơ sở quân sự của Mỹ trong lãnh thổ của họ, bao gồm khu vực thử tên lửa và trung tâm thông tin của tàu ngầm hạt nhân.

Phía bắc Australia có Đông Timor, Indonesia và Papua New Guinea, phía đông bắc có Vanuatu, New Caledonia và quần đảo Solomon, phía đông nam có New Zealand. Trong số những nước này, chỉ có New Zealand là đồng minh trung thành về kinh tế và chính trị của Australia.

Người New Zealand cũng rất cảnh giác với các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là sau khi quan hệ giữa Trung Quốc và Fiji mật thiết, bởi vì quốc đảo nam Thái Bình Dương này cách New Zealand chỉ 1.170 km.

Người New Zealand lo ngại, nếu quan hệ giữa Trung Quốc và Fiji phát triển nhanh chóng, người Trung Quốc ở Fiji và người Trung Quốc ở Đông Timor sẽ đồng thời tạo ra mối đe dọa đối với New Zealand.

Trung Quốc tăng cường quan hệ quân sự với quốc đảo Seychelles ở Ấn Độ Dương
Trung Quốc tăng cường quan hệ quân sự với quốc đảo Seychelles ở Ấn Độ Dương

Seychelles nằm giữa châu Á và châu Phi, có ý nghĩa chiến lược quan trọng, biên đội hải quân từ đây có thể kiểm soát một vùng biển lớn của Ấn Độ Dương và các nước duyên hải Đông Phi (Kenya, Mozambique, Somalia). Năm 2004, Seychelles và Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự.

Nhà cầm quyền Seychelles công khai công nhận nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, từ chối công nhận Đài Loan. Tàu chiến Hải quân Trung Quốc cũng đã tuần tra ở vùng biển nguy hiểm bị cướp biển hoành hành Ấn Độ Dương.

Nhưng, Trung Quốc cũng có điểm yếu trong các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương. Nhiều chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh hoàn toàn không có chiến lược biển rõ ràng. Bảo vệ và thúc đẩy lợi ích kinh tế của mình là một chuyện, còn ý tưởng thực sự tăng cường hiện diện ở toàn bộ khu vực Thái Bình Dương của Trung Quốc lại là một chuyện khác.

Chiến lược biển là khái niệm lớn hơn nhiều so với chiến lược, chiến thuật hải quân, nó cần bao gồm các hoạt động trên nhiều phương diện được điều phối thống nhất của các cơ quan chủ quản nhà nước.

FC-1 là dự án nghiên cứu chế tạo chung giữa Trung Quốc và Pakistan. Trong hình là máy bay chiến đấu FC-1 Fierce Dragon của Không quân Pakistan
FC-1 là dự án nghiên cứu chế tạo chung giữa Trung Quốc và Pakistan. Trong hình là máy bay chiến đấu FC-1 Fierce Dragon của Không quân Pakistan

Vì vậy, Trung Quốc sẽ phải cố gắng tránh xảy ra xung đột quân sự trên biển trong thời gian dài, Bắc Kinh cũng cần tận dụng thời gian phát triển hải quân, thúc đẩy chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của họ.

Trung Quốc hy vọng sử dụng các biện pháp ngoại giao (đây là biện pháp có lợi nhất bảo đảm lợi ích của mình) và kinh tế. Về biện pháp kinh tế, tốc độ thúc đẩy ở châu Phi của Trung Quốc rất đáng quan tâm. Trung Quốc đều có thỏa thuận khai thác tài nguyên thiên nhiên với các nước Angola, Nigeria, Mozambique, Zimbabwe.

Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng nhiều cứ điểm tại các khu vực trọng yếu chiến lược, để khi Mỹ suy yếu thực sự, dựa vào sức mạnh của mình, ra sức đối thoại với siêu cường này.

Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)