Ngày 4/11/2020 Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn "Nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá".
Thông qua hội thảo các phóng viên, biên tập viên được tiếp thu, cung cấp những thông tin mới, cần thiết cũng như một số kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá thời gian tới.
Ông Võ Thanh Lâm - Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng một số diễn giả có nhiều kinh nghiệm trong công tác truyền thông cũng đã nêu rõ quan điểm, cung cấp nhiều thông điệp và một số kinh nghiệm tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LC |
Theo đó mục tiêu chủ yếu được đặt ra là, tăng cường kiểm soát, điều chỉnh các hành vi vi phạm trong quảng cáo sản phẩm thuốc lá đối với một số cơ quan báo chí; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như thực hiện các quy định của nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc, quyền được bảo vệ môi trường an toàn khói thuốc thụ động…
Yêu cầu đặt ra đối với công tác truyền thông trong thời gian tới là cần tăng cường cổ vũ nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá của mọi tổ chức cá nhân; nêu gương những tổ chức, cá nhân tiêu biểu, tạo sự lan tỏa lớn trong xã hội trong việc tuân thủ, chấp hành các quy định về phòng, chống tác hại thuốc lá.
Thông qua các kênh truyền thông cũng cần phải phê bình, lên án nghiêm khắc đối với những hành vi không chấp hành, không nêu gương trong thực hiện các quy định hiện hành.
Từ thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá thời gian qua đã rút ra được một số kinh nghiệm quý, thông qua việc lựa chọn một số nhân vật đặc biệt, người nổi tiếng, người trong cuộc cùng có tiếng nói trong việc tuyên truyền ngăn chặn đẩy lùi tác hại của thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua nhờ các nỗ lực từ nhiều hình thức, chiến dịch truyền thông, việc phòng, chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được nhiều chuyển biến đáng kể.
Đến nay 100% tỉnh, thành phố đã lập Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá, đưa nội dung này vào kế hoạch hoạt động hàng năm.
Các chuyên gia đã chỉ ra nhiều vấn đề qua thực tế tuyên truyền Phòng chống tác hại của thuốc lá. Ảnh: LC |
Ông Đào Thế Sơn - Tổ chức Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi cho biết, hằng năm trên toàn thế giới có khoảng 8 triệu người chết vì thuốc lá, đồng thời số người sử dụng các sản phẩm có nicotin tăng 8 triệu người. Nguyên nhân số người sử dụng nicotin tăng thêm phần lớn là do việc đưa các sản phẩm thuốc lá độc hại mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng)...
Trước thông tin, trên thế giới hiện nay đang có nhiều sản phẩm được quảng cáo là giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, có thể thay thế thuốc là truyền thống và không gây nghiện như: thuốc lá điện tử, shisa… đại diện bộ Y tế đã khẳng định:
Các sản phẩm thuốc lá mới vẫn có hại như thuốc lá điếu thông thường; Các sản phẩm thuốc lá mới không có công dụng cai nghiện như quảng cáo;
Nếu đồng tình cho phép các sản phẩm thuốc lá mới lưu hành tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá; Các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ để tạo ra một thế hệ nghiện thuốc lá mới.
Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện nay, Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc; 2/3 phụ nữ và 1/2 trẻ em thường xuyên hút thuốc thụ động. Hút thuốc lá là nguyên nhân và tăng nguy cơ của nhiều loại bệnh như ung thư họng, miệng, thanh quản, thực quản, khí quản, phế quản, phổi, bệnh máu trắng... Hút thuốc lá còn gây ra các bệnh mãn tính như đột quỵ, đục thủy tinh thể, viêm nha chu, phình động mạch chủ, bệnh mạch vành... Hằng năm, có khoảng 40 ngìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Mỗi năm, cả nước phải chi hơn 23 ngìn tỉ đồng cho điều trị và chi phí khác cho các nhóm bệnh có liên quan đến hút thuốc.