Là một trong những tập đoàn đa quốc gia có mặt sớm nhất tại Việt Nam, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam trực thuộc Tập đoàn Nestlé S.A (Société des Produits Nestlé S.A.) - Tập đoàn thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới, có trụ sở chính đặt tại Vevey, Thụy Sỹ - thành lập và đi vào hoạt động tại Việt Nam năm 1995. Tuy nhiên Nestlé đã có mặt tại Việt Nam trước đó (năm 1990). Năm 1992, Công ty La Vie, liên doanh giữa Perrier Vittel thuộc Nestlé và một công ty thương mại Long An được thành lập. Đến năm 1993 Nestlé mở văn phòng đại diện tại TP.HCM và năm 1995 thì Công ty TNHH Nestlé Việt Nam với 100% vốn nước ngoài, trực thuộc Tập đoàn Nestlé S.A được cấp phép hoạt động.
Những thương hiệu sản phẩm sản xuất ở Việt Nam và một số nước mang về giá trị hàng triệu USD cho công ty mẹ Nestlé tại Thụy Sỹ |
Cũng trong năm 1995, Nestlé Việt Nam được cấp giấy phép xây dựng nhà máy tại Đồng Nai, chuyên sản xuất cà phê hòa tan NesCafé, trà hòa tan Nestea và đóng gói thức uống Milo, bột ngũ cốc dinh dưỡng Nestlé, bột nem nước chấm Maggi… Trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2001, Nestlé đã tăng vốn đầu tư vào Việt Nam từ 25 triệu USD lên 75 triệu USD. Bên cạnh đó, La Vie cũng mở rộng dung lượng sản xuất các nhà máy nước khoáng, với hơn 7 triệu USD đầu tư trong khoảng giữa năm 2009-2010. Mới đây nhất, Nestlé Việt Nam đã khánh thành nhà máy chế biến cà phê mới đặt tại KCN Amata TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 238 triệu USD, sản xuất Nescafé cho cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhà máy cà phê mới tại Việt Nam là một phần trong dự án Nescafé Plan toàn cầu được triển khai tại Việt Nam vào năm 2011 bao gồm tập hợp các cam kết của Nestlé đối với các hoạt động canh tác, sản xuất và tiêu thụ cà phê.
Nestlé Việt Nam vừa khánh thành nhà máy mới dù lỗ khai trong nhiều năm. |
Nhìn vào những con số tăng trưởng của Nestlé, ít ai tin rằng mới đây, báo Đầu tư dẫn nguồn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay từ khi thành lập đến nay, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam lỗ hơn 30,8 triệu USD, tương đương 20% vốn chủ sở hữu.
Nối gót Coca Cola, Nestlé báo lỗ hàng chục triệu USD tại Việt Nam
Coca Cola nói "không có lãi" cứ như chuyện đùa
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh muốn Coca-Cola minh bạch hoạt động kinh doanh
Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh của Nestlé Việt Nam trong những năm qua được đánh giá rất thành công với những con số danh thu từ sản phẩm chủ đạo như Nestcafe, Maggi, Milo, Lavie... tính trung bình hàng năm sản lượng tiêu thụ trên 2 tỷ tấn. Đặc biệt lượng hàng bán trên thị trường Châu Âu thường cao hơn Châu Á - Thái Bình Dương. Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2012 của Nestlé, doanh số đạt 92,2 tỷ CHF (franc Thụy Sỹ, 1 CHF tương đương hơn 1 USD), tăng 8,6 tỷ CHF (10,2%). Tăng trưởng nội tại đạt 5,9%, tăng trưởng thực tế nội bộ đạt 3,1%, lợi nhuận thương mại tăng 11,8% đạt 14 tỷ CHF, lợi nhuận tăng 15,2%. Trị giá mỗi cổ phiếu tăng 12,2%, trị giá 3,33 CHF/cổ phiếu, chia cổ tức dự kiến 2,05 CHF trên mỗi cổ phiếu, dòng vốn lưu động tăng từ 5,6 lên 15,8 tỷ CHF. Triển vọng năm 2013 mức tăng trưởng nội tại đạt 5-6%, tăng lợi nhuận thương mại và tăng thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phiếu trên đồng ngoại tệ cố định. Trong khi đó trao đổi với báo chí, ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng Thông tin đối ngoại của Nestlé Việt Nam xác nhận kết quả lỗ nhiều năm của Nestlé Việt Nam. Theo đó, từ khi nhà máy đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 1999, tức đến nay gần 14 năm thì Nestlé mới có lãi ở Việt Nam được 4 năm (2007, 2008, 2011 và 2012). Việc Nestlé Việt Nam báo lỗ 30,8 triệu USD đang đặt ra nhiều nghi vấn về một kịch bản khai lỗ né thuế trong dư luận, khi trước đó năm 2010, đơn vị này còn công bố việc xây dựng nhà máy cà phê mới tại Biên Hòa nằm trong Dự án Nescafé Plan toàn cầu được triển khai từ năm 2010, đây là một phần trong khoản đầu tư 500 triệu franc Thụy Sỹ (gần 520 triệu USD) cho các dự án cà phê của Tập đoàn Nestlé S.A tới năm 2020. Về phía Nestlé Việt Nam, mỗi năm đơn vị này thu mua khoảng 50.000 tấn cà phê có chứng nhận bền vững tại Việt Nam. 70% sản phẩm của nhà máy mới sẽ phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, 30% còn lại xuất khẩu sang các nước ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nestlé hiện chiếm hơn 45% thị phần cà phê hòa tan tại Việt Nam. Một doanh nghiệp chiếm tới 45% thị phần của thị trường gần 90 triệu dân như Việt Nam nay lại báo lỗ là điều bất ngờ. Nhiều ý kiến cho rằng Nestlé Việt Nam đang học Coca-Cola, Adidas… những tập đoàn đa quốc gia liên tục báo lỗ dù vẫn mạnh tay đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Về nghi ngờ về chuyển giá, ông Tuấn khẳng định trong những năm có lãi, công ty đã nộp cho tỉnh Đồng Nai hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Thậm chí, có năm công ty còn được UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen là doanh nghiệp "đã chấp hành tốt các chính sách thuế". "Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng nhà máy mới cũng được thực hiện trong giai đoạn Nestlé có lợi nhuận", ông Tuấn nhấn mạnh. Báo cáo của Bộ Tài chính vào tháng 3/2013 cho hay, 50% doanh nghiệp FDI đang hoạt động báo lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp khai lỗ liên tục trong 3 năm. Tình trạng doanh nghiệp FDI lỗ, đóng thuế thấp được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cảnh báo nhiều lần trong các chương trình tọa đàm về thu hút FDI. Thậm chí, trong chuyến làm việc với đại diện Tập đoàn Coca-Cola tại Mỹ tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng đã nhắc nhở Coca-Cola phải thường xuyên cung cấp thông tin và minh bạch các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả dự án và giữ đúng tiến độ cam kết đầu tư.
Lực Hoàng (th)