Thời gian qua, Thông tư Bổ sung một số điều của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay đang được Bộ Giao thông vận tải mời góp ý tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, thời gian góp ý kiến cho dự thảo sẽ khép lại vì vậy lúc này những ý kiến góp ý thông qua bài viết, những ý kiến đóng góp của chuyên gia với góc nhìn khác nhau sẽ giúp rất nhiều cho Bộ Giao thông vận tải trước khi ban hành thông tư này.
Mới đây, Blogger Nguyễn Ngọc Long đã có bài viết đưa ra những phân tích góc nhìn từ khía cạnh một chuyên gia truyền thông xã hội, một hành khách hàng không. Được sự đồng ý của tác giả, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng tải bài viết của Blogger Nguyễn Ngọc Long.
Theo Blogger Nguyễn Ngọc Long, việc yêu cầu phi công muốn xin nghỉ việc phải báo trước 180 ngày sẽ ảnh hưởng đến tâm lý phi công. Ảnh Vietnamplus. |
"Cuối tuần trước, Bộ Giao thông vận tải trình dự thảo thông tư bổ sung một số điều về bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay, trong đó có quy định về chấm dứt hợp đồng với nhân viên có trình độ cao, đặc biệt là đối với phi công.
Theo đó, những nhân viên trong nhóm “trình độ cao” (gồm phi công, nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay, nhân viên điều độ, khai thác bay) phải thông báo bằng văn bản 180 ngày (tương đương 6 tháng) trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã phản hồi cho rằng đây là chính sách “rất cần thiết”, vì gần đây đã có một số nhân viên, nhất là phi công của hãng đã bỏ việc sang các hãng hàng không khác.
Tóm lại, đây là một dự thảo nhằm luật hóa việc "xích chân" phi công, dựa trên nỗi lo về chảy máu chất xám, chảy máu nhân lực.
Tuy nhiên, bỏ qua những đồn đoán về cạnh tranh không lành mạnh, tôi cho rằng dự thảo này vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn.
Thứ nhất, dự thảo yêu cầu nhân sự trình độ cao muốn xin nghỉ phải báo cáo trước 6 tháng là trái với quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành. Theo đó, một thông tư của cấp Bộ ban hành không được phép hướng dẫn những điều trái với một Bộ luật do Quốc hội ban hành để bảo vệ lợi ích của người lao động.
Bởi vậy, cho dù Bộ Giao thông vận tải giải thích, hàng không là ngành đặc thù và theo Luật Hàng không thì lãnh đạo ngành có thể ra quyết định khác, cũng không phù hợp.
Thứ hai, nếu dự thảo này được thông qua, những hãng hàng không "đối thủ" của VietnamAirlines chịu thiệt hại nhất.
Tất nhiên, việc các hãng hàng không là đối thủ của Vietnam Airlines ảnh hưởng thế nào tôi không quan tâm. Nhưng khi có sự cạnh tranh, người tiêu dùng hưởng lợi. Nếu các hãng hàng không khác ngoài Vietnam Airlines bị o ép, họ sẽ có 2 lựa chọn. Hoặc đầu hàng, hoặc tăng giá để bổ sung chi phí nhằm cân bằng lợi nhuận. Và với bất cứ phương án nào, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt hại nặng nề.
Thứ ba, nếu dự thảo này được thông qua, tôi dù có tiền cũng sẽ không bao giờ bay trên Vietnam Airlines nếu có một sự lựa chọn khác, vì sao vậy? Vì tôi không đủ can đảm ngồi trên máy bay được điều khiển bởi những phi công bị ức chế về tâm lý.
Tôi tin tưởng sâu sắc rằng dù bạn là ai, ở bất cứ vị trí nào, làm bất cứ công việc gì, thì bạn chỉ có thể làm tốt nhất khi bạn có đam mê và yêu thích. Nếu người lao động đã muốn dứt áo ra đi nhưng lại bị buộc ở lại do một điều luật, câu chữ nào "xích chân" thì những gì người đó làm sẽ tổn hại cho doanh nghiệp nhiều hơn có lợi.
Nên kết luận lại, một điều luật gây ức chế như thế sẽ khó có thể giúp phi công ở lại lái máy bay cho họ một cách đầy đam mê và hạnh phúc. Và nếu họ phải bay trong một tâm thế âm u như vậy, bạn có dám bay không?
Những người công nhân đi làm xa nhà cần được đoàn tụ trong lễ Tết, những sinh viên cần được về nhà, dân văn phòng cần đi du lịch... Chúng ta cần được di chuyển nhanh chóng, chi phí hợp lý và trên hết, phải thực sự an toàn".