Theo dự thảo thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính, công ty tài chính được cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân qua ba hình thức, gồm cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng.
Điều này cũng có nghĩa là công ty tài chính không được cho vay bất động sản (cho vay mua, xây dựng nhà ở) vốn có tính đặc thù và mức độ rủi ro cao, yêu cầu nguồn lực tài chính, năng lực quản trị rủi ro chuyên nghiệp. Theo ban soạn thảo, hiện nay, năng lực tài chính, nguồn vốn hoạt động của công ty tài chính còn nhiều hạn chế (vốn điều lệ thấp, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là đi vay tổ chức tín dụng khác hoặc vay ngân hàng mẹ,…), quản trị rủi ro, năng lực điều hành rất bất cập,...
Ảnh minh họa: KL. |
Và điểm đáng lưu ý trong dự thảo thông tư là, ngân hàng thương mại muốn cho vay tiêu dùng cho khách hàng cá nhân theo ba hình thức như công ty tài chính thì phải thành lập công ty tài chính. Theo lý giải của ban soạn thảo thông tư dự thảo, từ thông lệ quốc tế và thực trạng cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, mục tiêu, định hướng xây dựng thông tư này là nhằm tách biệt và hạn chế rủi ro đối với ngân hàng khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng phi tiêu chuẩn.
Bởi lẽ, tại Việt Nam, hoạt động tín dụng tiêu dùng của ngân hàng thương mại và công ty tài chính lại đan xen lẫn nhau. Ngân hàng cũng cung cấp một số sản phẩm tín dụng tiêu dùng như cho vay trả góp để mua phương tiện đi lại, trang thiết bị gia đình, cho vay tiền mặt phục vụ đời sống,... đối với đối tượng khách hàng phi chuẩn và cũng tiếp cận qua điểm giới thiệu dịch vụ tương tự mô hình công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.
Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, đối tượng khách hàng của ngân hàng là người có thu nhập từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt. Còn đối tượng khách hàng của công ty tài chính là phân khúc mà ngân hàng không hướng tới vì là khách hàng đại chúng (phi chuẩn) có thu nhập trung bình, thấp, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp, khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng,...
Để đảm bảo tính chuyên nghiệp, hạn chế rủi ro trong việc cung cấp tín dụng tiêu dùng đối với phân khúc khách hàng phi chuẩn, trong thời gian qua một số ngân hàng thương mại đã và đang xúc tiến thành lập công ty tài chính hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực tiêu dùng.
Chẳng hạn như, Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TPHCM (HDBank) đã mua lại Công ty tài chính Việt –SG, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) mua lại công ty tài chính Than Khoáng sản và chuyển đổi hoạt động của các công ty tài chính này tập trung vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, một số tổ chức, tập đoàn nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cũng đang xúc tiến việc thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra quy định về quảng cáo và cung cấp thông tin trước khi ký hợp đồng tín dụng tiêu dùng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chẳng hạn như, khi quảng cáo, các công ty tài chính phải cung cấp tất cả các thông tin về tín dụng tiêu dùng (tên sản phẩm tín dụng tiêu dùng, lãi suất, phương pháp tính lãi suất, phí, chi phí liên quan, thời hạn cho vay và trả nợ,...) một cách đầy đủ, trung thực, chính xác, rõ ràng để khách hàng hiểu và quyết định vay tiêu dùng.
Trước khi ký hợp đồng tín dụng tiêu dùng, dự thảo thông tư yêu cầu công ty tài chính phải cung cấp và giải thích đầy đủ cho khách hàng, gồm các thông tin về công ty tài chính, điều kiện sử dụng sản phẩm tín dụng tiêu dùng, số tiền vay và điều kiện vay, lãi suất, quyền và nghĩa vụ của khách hàng trong việc thanh toán trước hạn,...
Khách hàng muốn tiếp cận vốn vay tiêu dùng từ công ty tài chính phải đáp ứng một số điều kiện, như có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đặt trụ sở chính, chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giới thiệu dịch vụ, và có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ đầy đủ trong thời hạn cam kết,...
Theo ban soạn thảo, hiện tại chưa có văn bản pháp luật riêng hướng dẫn hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng.
Cho vay tiêu dùng là một trong những sản phẩm quan trọng của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng bán lẻ. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết dư nợ cho vay tiêu dùng và chứng khoán tại TPHCM hiện chiếm khoảng 8% trên tổng dư nợ, tức khoảng 80.000 tỉ đồng, trong đó cho vay chứng khoán không đáng kể.
Nợ xấu đối với cho vay tiêu dùng của ngân hàng tại TPHCM tính đến hết tháng 8 chiếm khoảng 2% dư nợ cho vay tiêu dùng, thấp hơn con số nợ xấu chung của ngành ngân hàng TPHCM cùng thời điểm (nợ xấu chung khoảng trên 4,5%)
Tính đến hết tháng 8/2014, tổng dư nợ cho vay của TPHCM tăng 5% so với cuối năm 2013. Ông Minh dự báo đến cuối năm nay tín dụng TPHCM sẽ tăng khoảng 9-10%, tức tương đương với năm ngoái.