Cơ quan này cho biết, trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam, Sacombank là một trong số các nhà băng có tổng tài sản và mạng lưới lớn nhất.
Theo số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay Sacombank có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động ổn định, hiệu quả, tuân thủ đầy đủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, xếp hạng của các tổ chức tín nhiệm quốc tế như Moody’s và S&P đối với ngân hàng này là “ổn định”.
Là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, trong quá trình hoạt động, không chỉ Sacombank mà các tổ chức tín dụng cổ phần khác đều phải chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng. Việc sở hữu cổ phần của cổ đông, bầu các cơ quan quản trị, điều hành, kiểm soát hoặc tổ chức lại một ngân hàng cũng đã được luật định rõ ràng.
Các nhà đầu tư khi đầu tư góp vốn hoặc tham gia quản trị điều hành tại ngân hàng thương mại cổ phần cũng phải tuân theo những quy định này. "Ngân hàng Nhà nước đang khẩn trương làm rõ các nguồn thông tin vừa qua liên quan đến Sacombank để có biện pháp xử lý thích hợp", thông điệp của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Trước khi có ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, trên thị trường có nhiều tin đồn về việc Sacombank, Eximbank, ACB sẽ "về một nhà", thông tin liên quan đến mua thâu tóm Sacombank... Sự việc lên đến cao trào khi Chủ tịch của Eximbank - Lê Hùng Dũng, chính thức gửi văn bản đề nghị bầu lại toàn bộ HĐQT Sacombank, đồng thời cử đại diện với số lượng tương đương 51% cổ phần vào nhà băng này. Ngay sau đó, Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành lên tiếng về những thay đổi có thể xảy ra, cũng như đề nghị đến từ Eximbank.
Thông tin qua lại giữa 2 bên: Chủ tịch Eximbank - Lê Hùng Dũng (đại diện cho 51% cổ đông ủy quyền) và Chủ tịch Sacombank - Đặng Văn Thành, khiến những tin đồn trên thị trường càng thêm nóng. Đây cũng là lý do Ngân hàng Nhà nước phải lên tiếng chính thức về vụ việc.
Theo Vnexpress