Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này đang đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Cụ thể đề xuất được Vụ Tín dụng (NHNN) đưa ra, là kéo dài thời hạn cho vay đối với khách hàng cá nhân từ 10 năm lên 15 năm để tạo điều kiện cho người mua nhà có thể tiết kiệm đủ vốn mua nhà.
Thông tin có thể nới thời hạn cho vay mua nhà ở xã hội lên 15 năm khiến chị Hòa (Long Biên – Hà Nội) mua nhà tại khu đô thị Đặng Xá (Huyện Gia Lâm, Hà Nội) hồ hởi, áp lực trả nợ hàng tháng sẽ bớt đi nhiều. Hiện với số tiền vay 300 triệu đồng (60% giá trị nhà) được ngân hàng giải ngân, số tiền mỗi tháng gia đình chị phải trả ngân hàng là 3,5 triệu đồng. Nếu kéo dài thời gian vay lên 15 năm, số tiền trả hàng tháng sẽ giảm đi, chỉ còn trên 2,5 triệu đồng.
“Thu nhập cả gia đình hàng tháng sau khi trừ đi các khoản chi tiêu cũng chỉ còn gần chục triệu, tiền trả ngân hàng càng giảm càng cảm thấy bớt gánh nặng hơn, còn để tiết kiệm được một khoản nhỏ” – chị Hòa thổ lộ.
Giảm lãi suất hay kéo dài thời gian vay mua nhà ở xã hội cũng khó việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhanh hơn |
Bình luận về khả năng NHNN sẽ sẽ kéo dài thời hạn cho vay mua nhà từ gói tín dụng hỗ trợ, ông Phạm Quang Tùng – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) một trong 5 ngân hàng đang triển khai cho vay gói tín dụng này nhận định, bản thân BIDV rất ủng hộ đề xuất kéo dài thêm thời gian vay đối với người mua nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội lên 15 năm.
“Qua một thời gian triển khai cho vay BIDV nhận thấy ngoài chuyện lãi suất vay thì thời hạn cho vay 10 năm đối với người thu nhập thấp là hơi “căng”, nên nếu kéo giãn thời gian này ra sẽ tạo điều kiện cho người mua nhà xoay được tiền trả đều đặn hàng tháng cho ngân hàng” – ông Tùng nói.
Tuy nhìn nhận việc có thể nới thêm thời gian vay gói tín dụng 30.000 tỷ cho đối tượng vay là nỗ lực lớn từ phía cơ quan quản song nhiều ý kiến chuyên gia tài chính vẫn cho rằng chưa đủ. Nút thắt chính không phải là lãi suất, thời gian mà chính là đối tượng vay vốn quá hạn hẹp, quy định thủ tục vay quá phức tạp.
Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc NHTMCP Quốc tế (VIB) bày tỏ quan điểm, không phải cứ giảm lãi suất hay nới thời hạn vay thì việc giải ngân gói tín dụng này sẽ nhanh hơn và thị trường bất động sản cũng sẽ ấm lên. Khúc mắc chính khiến gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cứ ì ạch mãi không thể giải ngân nhanh là do thủ tục pháp lý rườm rà, quy định đối tượng vay hạn hẹp.
“Chỉ riêng phía ngân hàng, để hoàn thành một hồ sơ vay là cả một núi công việc. Dự án đã ký hợp đồng ba bên với chủ đầu tư còn đỡ, chứ nếu chưa ký thì thời gian chờ đợi sẽ càng lâu, thủ tục càng phức tạp hơn. Chưa kể khoảng thời gian khách hàng chuẩn bị hồ sơ các bên để nộp cho nhà băng” – ông nói.
“Giảm lãi suất hay thời hạn vay là chủ trương tốt nhưng khúc mắc chính của việc giải ngân ì ạch không phải là những yếu tố này, mà nằm ở vướng mắc quy trình thủ tục giấy tờ. Vấn đề ở chỗ, để đẩy nhanh là mở rộng đối tượng, rà soát lại quy trình cho vay.
"Đối tượng cho vay cũng phải có quy chuẩn về tiêu chí chứ đặt ra tiêu chí không ai tham gia vào được thì lãi suất bằng 0% cũng chịu”- Quyền Tổng giám đốc VIB nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị lãnh đạo ngân hàng này cũng nhấn mạnh, phải tăng nguồn cung sản phẩm, thị trường dồi dào thì việc giải ngân mới có thể đẩy nhanh được. “Hiện nhiều dự án bất động sản đã được chủ đầu tư xin đổi từ dự án thương mại thành dự án nhà ở xã hội để “đẩy” hàng nhanh ra thị trường, nhưng phải có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo râu ông nọ không cắm phải cằm bà kia” – ông Trung bình luận.
Trước lo ngại chuyện kéo dài thêm thời gian vay cũng chỉ là giải pháp đơn lẻ, khó có tác động đột biến tới thị trường bất động sản trong ngắn hạn, Phó tổng giám đốc BIDV Phạm Quang Tùng lý giải, đúng là điều kiện cho vay hiện tại có một số vướng mắc khiến đầu ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chậm chạp. Hiện tại, các bên liên quan và bản thân các ngân hàng cho vay gói tín dụng này đều đã đề xuất hướng tháo gỡ.
“Các bên liên quan Bộ Xây dựng, NHNN, ngân hàng đều nhận thấy và đồng nhất đưa ra mọi phương án để tháo gỡ, đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng trong năm 2014, nhưng vì sửa đổi chính sách, văn bản luật phải mất thời gian chứ không thể muốn nhanh là làm ngay được” – ông Tùng cho hay.
Tính đến 15/1, số tiền giải ngân trong gói 30.000 tỷ đồng lên tới 862,45 tỷ đồng, tương đương 2,8%. Con số này tăng 130 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2013. Dù được kỳ vọng là “cú hích” cho thị trường bất động sản đang đóng băng, nhưng việc giải ngân quá chậm gói tín dụng này khiến nhiều người sốt ruột và hoài nghi hiệu quả thực tế mà nó đem lại sẽ thua xa kỳ vọng.