Nghi án Coca-Cola trốn thuế: Truyền thông phải "vạch mặt kẻ gian lận"!

15/05/2013 08:22
Hân Ni
(GDVN) - “Họ tìm cách chuyển giá tức là quay lưng lại với đất nước VN, người tiêu dùng VN. Như vậy thì có đáng dùng sản phẩm của họ không? Doanh nghiệp như vậy có phải là đáng trọng?” - Chủ tịch HĐQT, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Phan Đăng Tuất lên tiếng sau hàng loạt các nghi án công ty đa quốc gia chuyển giá, né thuế tại Việt Nam.
Doanh nghiệp né thuế không đáng để yêu
Xung quanh câu chuyện chuyển giá và nghi án né thuế của một số công ty đa quốc gia, tiêu biểu là Coca Cola gây phẫn nộ dư luận trong suốt thời gian qua (xem chi tiết tại đây), Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), ông Phan Đăng Tuất cho rằng: Gốc gác của sự chuyển giá chính là do chênh lệch biểu thuế ở các quốc gia khác nhau. Muốn xử lý việc này cần phải xử lý từ gốc. 
Ví dụ như ở Châu Âu, vận động viên quần vợt từ nước này sang nộp thuế nước khác là chuyện bình thường. “Nếu VN cứ đưa ra biểu thuế cao với mong muốn thu được nhiều tiền thì người ta sẽ đi nộp ở chỗ khác cũng là điều dễ hiểu. Tôi nghĩ đây là một chính sách lớn mà Nhà nước ta cần suy nghĩ” – ông Tuất nói.
Tuy nhiên, đứng ở khía cạnh doanh nghiệp (DN), ông Tuất cho biết: Các DN đều rất muốn nộp thuế, mục đích là lấy lòng người tiêu dùng (NTD). 

Chủ tịch HĐQT Sabeco cho rằng: Gốc gác của sự chuyển giá chính là do chênh lệch biểu thuế ở các quốc gia khác nhau. (Ảnh minh họa)
Chủ tịch HĐQT Sabeco cho rằng: Gốc gác của sự chuyển giá chính là do chênh lệch biểu thuế ở các quốc gia khác nhau. (Ảnh minh họa)
“Đơn vị nào tìm cách không nộp thuế hay trốn tránh thuế, tôi nghĩ là họ dại. Bởi những người yêu nước, họ sẽ không làm vậy” – ông Tuất nhấn mạnh.
Chính vì lẽ đó, đối với nghi án né thuế, chuyển giá của Coca Cola cũng như một số công ty đa quốc gia khác, theo ông Tuất, giới truyền thông cần phải tuyên truyền rộng rãi việc họ làm thế là không tôn trọng người VN, không tôn trọng pháp luật VN. 
“Họ tìm cách chuyển giá tức là quay lưng lại với đất nước VN, người tiêu dùng VN. Như vậy thì có đáng dùng sản phẩm của họ không? Doanh nghiệp như vậy có phải là đáng trọng?” – ông Tuất đặt ra câu hỏi.
“Hãy nói cho dân chúng biết ai là người nộp thuế đầy đủ ở VN – đó là những người yêu VN. Còn những người không nộp thuế tức là không yêu, vậy những NTD có cần phải yêu họ không? Tại sao không quay trở lại với hàng hóa nội? Tôi có thể làm một phép tính, hiện nay, một sản phẩm của tôi phải nộp cho Nhà nước bao nhiêu tiền, nào là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, cuối cùng lợi tức bằng cổ tức cũng chính là của nhà nước, chúng tôi chỉ là người làm công ăn lương. Còn các đơn vị né thuế, tôi thường bảo là họ xây lâu đài ở nước ngoài” – Lãnh đạo của Sabeco nhấn mạnh.
Tại Anh quốc, khi phát hiện ra hãng cà phê Starbucks nổi tiếng dính nghi án né thuế, người dân đã kêu gọi tẩy chay, các cơ quan chức trách nhà nước cũng như giới truyền thông Anh quốc đã làm tròn sứ mệnh của mình đó là nói cho dân chúng biết: Starbucks không đáng yêu.
Vậy tại sao ở VN, với một công ty đa quốc gia nhiều năm không đóng thuế, lại không ai bày tỏ thái độ gì, trong khi lẽ ra phải nói với dân chúng rằng họ không đáng yêu bởi họ đem tiền của VN ra nước ngoài?!
“Câu trả lời của Coca Cola như nói với trẻ con”
“Việc chuyển giá, Bộ Tài chính biết nhưng giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng đó thì các cơ quan quản lý nhà nước còn rất yếu” - ông Lê Thế Bảo, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, hiện là Chủ tịch Hội Chống hàng giả nhận xét.
Ông Bảo nói: “Các đồng chí nói rất hay về chuyển giá, hậu quả ra sao, làm các doanh nghiệp Việt điêu đứng như thế nào nhưng các cơ quan Nhà nước phải làm gì - đó lại là một vấn đề mà tôi cho rằng chúng ta nắm và biết được nhưng đưa ra giải pháp đồng bộ, cố vấn cho Chính phủ thì chúng ta lại chưa làm được”.
Thậm chí, nhà sử học Dương Trung Quốc trong buổi hội thảo “Cạnh tranh lành mạnh để bảo vệ thương hiệu và doanh nghiệp Việt” diễn ra vào sáng ngày 14/5/2013, đã không giấu nổi sự bức xúc cũng bày tỏ: “Tôi đọc câu trả lời của nhà quản lý Coca Cola như nói với trẻ con, không thể chấp nhận được. Họ nói rằng: thị trường VN là nơi có tiềm năng, triển vọng to lớn nên lỗ mấy, họ cũng đeo bám lấy thị trường này. Tôi thấy rất khó hiểu”.
Từ đó, ông Dương Trung Quốc tự hỏi: Câu chuyện như Coca Cola có thể coi là ô nhiễm môi trường đầu tư không?
Còn GS.Nguyễn Lân Dũng cũng chia sẻ: “Gần đây, tôi có nghe tin một số hãng đồ uống nước ngoài đầu tư tại VN đưa ra những con số thua lỗ (vì nâng giá hương liệu lên cao) để tránh nộp thuế. Đã lỗ thì còn tiếp tục sản xuất ồ ạt làm gì nữa? Tại sao ta rút cổ phần ra khỏi các Công ty này và để họ muốn gì được nấy? Tại sao các loại nước giải khát cùng loại ở Trung Quốc và nhiều nước khác không có chuyện toàn quyền thuộc nước ngoài và thường xuyên đóng thuế được rất nhiều cho Nhà nước?” – GS.Dũng thắc mắc.
Theo GS.Nguyễn Lân Dũng, câu hỏi này rất đơn giản, không quá khó để tìm ra câu trả lời. 
“Đã đến lúc cần đẩy mạnh tuyên truyền mạnh mẽ để toàn dân dùng đồ uống Việt Nam và mọi đồ uống đều cần có vitamin từ nguồn hoa quả nhiệt đới để hỗ trợ cho sức khỏe của dân chúng, nhất là đối với trẻ em và phụ nữ mang thai. Làm cách nào để sớm có được một diện mạo mới trong ngành đồ uống Việt Nam?” – đó là trăn trở không chỉ của GS.Nguyễn Lân Dũng mà còn của các doanh nghiệp đồ uống VN trước nguy cơ thâu tóm của các doanh nghiệp FDI.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hân Ni