Nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh, người trẻ cũng phải cảnh giác

05/01/2021 06:19
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trên thế giới, cứ 40 giây có một người bị đột quỵ. Bệnh đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 chỉ sau tim mạch và ung thư.

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra ở những người trên 50 tuổi, tuy nhiên gần đây độ tuổi bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa.

Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Đột quỵ được cho là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam.

Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong.

Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. [1]

Thời gian gần đây, một số người nổi tiếng cũng đã ra đi đột ngột vì bệnh đột quỵ trước sự tiếc thương bàng hoàng của nhiều người hâm mộ.

Thông tin nghệ sĩ hài Chí Tài qua đời ở tuổi 62, ca sĩ Vân Quang Long qua đời ở tuổi 41 đều bởi đột quỵ khiến cả người thân, bạn bè và khán giả không khỏi cảm thấy sốc.

Vậy nguyên nhân gây ra đột quỵ là gì, các dấu hiệu nhận biết và làm cách nào để chúng ta phòng tránh đột quỵ?

Trên thế giới, cứ 40 giây có một người bị đột quỵ. (Ảnh đồ họa: BVCC)

Trên thế giới, cứ 40 giây có một người bị đột quỵ. (Ảnh đồ họa: BVCC)

Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ

Có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ như bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng…

Đột quỵ thường gặp ở những người bị đái tháo đường (nguy cơ gấp 4 lần so với người bình thường), tăng huyết áp (nguy cơ gấp 3 lần so với người bình thường), bệnh tim mạch (gấp 6 lần), rối loạn mỡ máu, những người béo phì, ít vận động, hút nhiều thuốc lá, lạm dụng rượu, chất gây nghiện như heroin, amphetamin,…

Bác sĩ Phạm Văn Cường (Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) chia sẻ một số nguyên nhân dẫn đến đột quỵ như:

Bệnh lý dị dạng mạch máu não: Dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ. Sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể gây nên những túi phình – với thành mạch máu mỏng, là nguyên nhân có thể gây xuất huyết não.

Hút thuốc lá: Thuốc lá có chứa khoảng 7000 chất độc hóa học như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide.

Những chất độc này được vận chuyển vào máu làm thay đổi và phá hủy các tế bào trong cơ thể. Những thay đổi của các chất hóa học này làm tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não.

Rối loạn chuyển hóa mỡ máu: Người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe (ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…), ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn (bệnh lý đột quỵ, tim mạch …)

Bệnh béo phì và lười vận động: Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy khoảng 10% các bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI >30), ngoài ra các chỉ số chu vi vòng bụng, tỉ lệ vòng bụng/vòng hông, tỉ lệ vòng bụng/chiều cao còn có mối liên quan chặt chẽ hơn đến nguy cơ đột quỵ.

Đái tháo đường và tăng huyết áp: Đái tháo đường gặp ở 30% bệnh nhân đột quỵ trẻ và với bệnh tăng huyết áp là khoảng 10%. Đặc biệt với khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trẻ tuổi có đái tháo đường lên tới 54.8%. Tại Việt Nam, đang có sự gia tăng nhanh bệnh tiểu đường ở người trẻ, thậm chí với trẻ em.

Uống rượu bia: Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi.[2]

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau:

Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người).

Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói. Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt.

Đột ngột đau đầu dữ dội, chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…

Người bị đột quỵ, tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.

Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.

Mọi người cũng cần chú ý đến “thời gian vàng” khi phát hiện và có biện pháp di chuyển bệnh nhân cấp cứu kịp thời.

Thời gian vàng để giành cơ hội sống cho bệnh nhân là khoảng 3 - 6 giờ đầu khi phát hiện các dấu hiệu bệnh.

Để di chuyển bệnh nhân đột quỵ an toàn cần dùng cáng và để bệnh nhân nghiêng mặt sang một bên. Không nên vận chuyển bệnh nhân bằng xe máy, tránh xóc. Không nên xoa dầu, cạo gió, không để bệnh nhân nằm chờ xem có khỏe lại không.

Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, Phó giáo sư – Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra lời khuyên: “Với với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì… nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu.

Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ”. [3]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nld.com.vn/suc-khoe/nam-gioi-viet-bi-dot-quy-gap-4-lan-nu-gioi-20201215220607088.htm

[2] https://www.benhvien108.vn/tai-sao-nguoi-tre-tuoi-van-bi-dot-quy-nao.htm

[3] http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/y-hoc-thuong-thuc-menuleft-32/6777-dot-quy-o-nguoi-tre-nguyen-nhan-va-dau-hieu-nhan-biet.html

Thu Giang