Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, vừa qua Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã đồng loạt tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét đối với 3 bị can gồm Trần Trọng Phúc (53 tuổi), nguyên TGĐ Tập đoàn Bảo Việt kiêm TGĐ Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt; Tạ Văn Cần (52 tuổi), nguyên Kế toán trưởng Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt; Trần Minh Thái (39 tuổi), nguyên Kế toán chuyên quản Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt.
Cả ba bị can đều bị khởi tố về tội danh "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 285 BLHS. Đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 3 bị can nêu trên.
Khởi tố nguyên Tổng giám đốc, Tập đoàn Bảo Việt u ám trước ngày ĐHCĐ |
Thông tin cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Bảo Việt (BVH) Trần Trọng Phúc bị khởi tố ngay trước thềm đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 24/4 khiến giới đầu tư lo lắng.
Theo ghi nhận chốt phiên giao dịch 23/4, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt giảm mạnh 1.100 đồng xuống 37.900 đồng/cp. Lượng cổ phiếu bán ra không quá lớn nhưng sức cầu thấp hơn nhiều đã khiến cổ phiếu này sụt giảm. Mức vốn hóa của Bảo Việt theo đó giảm 750 tỉ đồng xuống còn 25,8 nghìn tỉ đồng.
Việc cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trần Trọng Phúc khiến nhiều cổ đông bất ngờ, vì trước đó hơn ba tuần ông Phúc vẫn còn tại vị trên "ghế nóng" trước khi Hội đồng quản trị Tập đoàn Bảo Việt (BVH) đã có quyết định về việc được thôi giữ chức vụ TGĐ Tập đoàn Bảo Việt với ông Phúc.
Nhìn lại quá khứ, năm 2010, kết thúc quá trình thanh tra Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện nhiều thiếu sót, khuyết điểm trong công tác đầu tư xây dựng, đầu tư tài chính, thực hiện bồi thường bảo hiểm...
Cụ thể qua quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ nhận thấy Tập đoàn Bảo Việt cùng các đơn vị thành viên mắc những sai sót trong cho vay, ủy thác cho vay và cả hoạt động bảo hiểm. Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam và các đơn vị đã thiếu chặt chẽ trong quản lý tài sản đảm bảo khoản vay nợ, chậm thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ vay, khiến nhiều khoản nợ rơi vào tình trạng thả gà ra đuổi như khoản nợ 4,6 tỷ đồng (gồm cả lãi) cho Công ty TNHH Dòng Sông Xanh vay từ năm 1999, nay phải khởi kiện ra tòa; khoản tiền 3 triệu USD ủy thác cho Công ty TNHH Đèn hình Orion Hanel vay, đến nay vẫn còn hơn 2 triệu USD chưa đòi được, trong khi công ty này đã nộp đơn xin phá sản.
Qua kiểm tra hoạt động đầu tư tài chính, Thanh tra Chính phủ phát hiện, từ năm 2007 – 2009, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên mua 680 tỷ đồng trái phiếu của Tập đoàn Vinashin (bao gồm cả số trái phiếu Cty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt mua theo ủy thác của quỹ BVF1). Trong đó, giá trị mệnh giá trái phiếu đáo hạn trong các năm 2012, 2013 là 200 tỷ đồng; trái phiếu đáo hạn trong năm 2017 là 480 tỷ đồng. Tuy nhiên, loại trái phiếu của Vinashin mà Bảo Việt cùng các đơn vị thành viên đã đầu tư là trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm.
Cơ quan chức năng nhận định, ngay khi đầu tư 160 tỷ đồng vào trái phiếu của Vinashin phát hành tháng 12/2008, các phòng ban chuyên môn của Bảo Việt và các đơn vị thành viên đã không nắm đầy đủ thông tin về thực trạng hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Việc đầu tư trong tình trạng thiếu thông tin đã khiến một số tiền lớn của Bảo Việt và các công ty con mắc kẹt tại đây.
Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư tài chính của Bảo Việt vào một số công ty, quỹ đầu tư đều không có kết quả tốt do các đơn vị này bị thua lỗ. Cụ thể: Tại thời điểm 31/12/2009, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt lỗ lũy kế hơn 122,2 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long lỗ 112,8 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt chỉ còn 95,2% giá trị đơn vị quỹ so với khi mới thành lập.