Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông đâu chỉ để sửa wifi, điện thoại

30/04/2025 06:22
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Khi chuyển đổi số quốc gia đang được đẩy mạnh, ngành học này không chỉ là động lực kỹ thuật mà còn là chìa khóa mở ra cánh cửa công nghiệp 4.0.

Trong kỷ nguyên số hóa mạnh mẽ hiện nay, khi mọi lĩnh vực từ kinh tế, y tế, giáo dục đến quản lý đô thị đều đang từng bước chuyển mình theo hướng thông minh và kết nối, hạ tầng số trở thành nền tảng không thể thiếu cho sự phát triển bền vững. Trung tâm của quá trình này, ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông nổi lên như một trụ cột quan trọng, đóng vai trò kiến tạo và vận hành những hệ thống kết nối hiện đại, từ mạng 5G, IoT, đến trung tâm dữ liệu và công nghệ điều khiển tự động.

Ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Ban, Trưởng khoa Viễn thông 1, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ số để thay đổi cách thức hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, chính phủ và xã hội, nhằm nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra giá trị mới.

Để thực hiện được điều này, cần có một hạ tầng số vững chắc làm cơ sở. Theo Quyết định số 1132/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế. Hạ tầng số của Việt Nam bao gồm 04 thành phần chính: hạ tầng viễn thông và Internet; hạ tầng dữ liệu; hạ tầng vật lý - số; hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ.

Một số mục tiêu cơ bản của Chiến lược bao gồm: 100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số và sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G; phát triển các Trung tâm dữ liệu siêu lớn; số lượng kết nối IoT đạt mức trung bình cao của thế giới.

Kỹ thuật điện tử - viễn thông là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất trong những năm gần đây. Đây là một ngành kết hợp giữa công nghệ điện tử và công nghệ viễn thông để phát triển các mạng di động (5G, 6G), thông tin vệ tinh, thông tin quang, mạng viễn thông, IoT…

Chính vì thế, ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông đóng vai trò nòng cốt trong việc phát triển hạ tầng số và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt khi đất nước đang hướng tới các mục tiêu chiến lược về kinh tế số, xã hội số và chính phủ số theo Chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nam, Trưởng khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), cho biết ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông là một trong những ngành đào tạo chất lượng cao, có tính ứng dụng thực tiễn và khả năng hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Chương trình đào tạo hướng đến việc phát triển các kỹ sư có kiến thức chuyên sâu về công nghệ viễn thông, thông tin, vi mạch, bán dẫn, hệ thống nhúng, hệ thống điện tử ứng dụng, xử lý tín hiệu âm thanh, hình ảnh và đa phương tiện.

rPYe9XGKaIylfGmYfOXMibsE.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Quang Nam, Trưởng khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Website nhà trường.

Sinh viên theo học sẽ được trang bị kiến thức toàn diện về các công nghệ hiện đại như thông tin di động và không dây, hệ thống kết nối Internet vạn vật (IoT), siêu cao tần và anten, mạng viễn thông và mạng máy tính, xử lý tín hiệu số, trí tuệ nhân tạo, vi mạch số, vi mạch tín hiệu tương tự và hỗn hợp, vi mạch cao tần, MEMS, thiết kế hệ thống nhúng với vi điều khiển, FPGA, DSP và SoC.

Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành này có thể hiểu rõ nguyên lý hoạt động của các mạng viễn thông, hệ thống thông tin, IoT; có khả năng khai thác, vận hành và nâng cấp các hệ thống và thiết bị điện tử - viễn thông. Đồng thời, họ có thể nghiên cứu, thiết kế và phát triển các hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ viễn thông, công nghệ vi mạch, bán dẫn, xử lý tín hiệu và thông tin phục vụ trong công nghiệp và đời sống.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực vận hành, quản lý, khai thác và thiết kế mạng điện thoại cố định, di động, mạng truyền dẫn quang, vi ba, thông tin vệ tinh, phát thanh - truyền hình, mạng dữ liệu và nhiều lĩnh vực liên quan.

Các bạn có thể làm việc tại các tập đoàn, tổng công ty, phòng kỹ thuật, viện nghiên cứu và các trường đại học chuyên ngành. Nhiều doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, FPT, SVTECH, Intel, Renesas, Marvell, Bosch, Ericsson, Sony, Samsung, Siemens, Motorola thường xuyên tuyển dụng kỹ sư tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách Khoa. Ngoài ra, các đài truyền hình, đài phát thanh như HTV, VTV, VOH cũng có nhu cầu cao về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Là một trong số ít sinh viên nữ của ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Nguyễn Thị Hằng bày tỏ: “Ban đầu em không nghĩ sẽ theo đuổi một ngành kỹ thuật "khô khan" như Kỹ thuật điện tử - viễn thông. Tuy nhiên, trong thời điểm đăng ký các nguyện vọng thi đại học em đã vô tình lướt thấy một bài đăng của Khoa Viễn thông 1 rồi lướt thêm thông tin tìm hiểu kỹ hơn.

Em cảm thấy bị thu hút, muốn khám phá về cách “Điện thoại di động lại truy cập được Internet như thế nào?”, “Tại sao có thể dùng điện thoại di động gọi cho người khác dù là ở bất cứ đâu?”... nên em đã quyết định đăng ký lựa chọn ngành học này. Ngày đó em là bạn nữ duy nhất có nguyện vọng một ngành kỹ thuật trong lớp đã đặt nguyện vọng ngược lại với số đông với tất cả các bạn. Đến khi có kết quả trúng tuyển, mọi người còn hay trêu sau này đi đưa thư hay là sửa wifi à?”

Dù có một số bỡ ngỡ ban đầu, Hằng nhanh chóng cảm thấy kiến thức môn học cũng không quá khô khan vì sự truyền đạt của thầy cô rất hay và dễ hiểu, phòng lab hiện đại không như mọi người hay nghĩ chỉ “toàn máy móc hay dây điện”, đi học có nhóm bạn bè trao đổi giúp đỡ nhau trong học tập. Em nhận ra là con gái học kỹ thuật cũng có những lợi thế riêng con gái thường tỉ mỉ, cẩn thận và có khả năng giao tiếp tốt hơn.

z6496983618904_06f3109c0137b9d03e64ae92dff43f21.jpg
Nguyễn Thị Hằng (bên trái ảnh) cùng thầy cô và sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: NVCC.

Nhà trường đầu tư mạnh cho hợp tác doanh nghiệp

Theo thầy Nam, chương trình đào tạo tại Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) giúp sinh viên phát triển năng lực chuyên môn, khả năng giải quyết các thách thức công nghệ trong thời đại số, đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao và xã hội.

Ngành Điện tử - Viễn thông được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, với các phòng thí nghiệm phục vụ hiệu quả cho học tập và nghiên cứu. Các phòng thí nghiệm vi xử lý, kỹ thuật số, vật lý bán dẫn, thiết kế vi mạch, xử lý tín hiệu số, IoT và học máy, mạng thông tin dữ liệu, kỹ thuật viễn thông, kỹ thuật siêu cao tần được trang bị đầy đủ thiết bị tiên tiến, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận thực tế và phát triển kỹ năng chuyên môn.

Chương trình đào tạo ngành đã được kiểm định và đạt chuẩn quốc tế theo hệ thống kiểm định của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN). Với nội dung đào tạo hiện đại, chương trình mở ra cơ hội học tập sau đại học trong và ngoài nước, đồng thời trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về các công nghệ tiên tiến như 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo, hệ thống nhúng, vi mạch. Điều này đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ vi mạch, công nghệ thông tin và viễn thông.

gABcP61m0GhqFri9tuVV5Erq.jpg
Hoạt động học tập - nghiên cứu của sinh viên Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Website nhà trường.

Thầy Ban bày tỏ, sinh viên tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được thực hành nghề nghiệp theo một chương trình đào tạo bài bản, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, được thực hành nghề nghiệp thông qua hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, thực tập tại doanh nghiệp, dự án nhóm, và các hoạt động ngoại khóa.

Học viện sở hữu hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành tiên tiến, được trang bị trang bị các thiết bị hiện đại do các doanh nghiệp tài trợ như phòng Lab. Viettel về mạng thông tin di động 4G, Lab. FPT Telecom về mạng truy nhập quang, Lab. Lumi về công nghệ IoT. Trong thời gian sắp tới, tập đoàn Nokia sẽ lắp đặt Lab. thí nghiệm thực hành về công 5G và 6G tại Học viện.

Tại các phòng Lab, sinh viên được thực hiện các công việc thực tế như thiết kế, mô phỏng, cài đặt cấu hình, giám sát và phân tích hiệu năng mạng và các thiết bị trong mạng. Việc này giúp sinh viên hiểu rõ cách hoạt động của các thiết bị và mạng viễn thông thực tế, từ đó áp dụng lý thuyết vào giải quyết vấn đề kỹ thuật.

Học viện có mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn lớn trong nước như Viettel, VNPT, FPT Telecom, Samsung Việt Nam, và các tập đoàn công nghệ nước ngoài như Qualcomm, Nokia, Ericsson, Huawei, ZTE. Sinh viên thường được gửi đến thực tập tại các đơn vị này từ năm thứ 3 hoặc năm thứ 4. Các chuyên gia từ các doanh nghiệp nêu trên cũng thường xuyên tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên Học viện giúp sinh viên làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp và xây dựng kỹ năng thực tế.

Ngoài ra, Học viện cũng tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các đề tài nghiên cứu cùng giảng viên, ví dụ: phát triển công nghệ 5G, bảo mật mạng, hoặc ứng dụng AI trong viễn thông. Các dự án này thường được trình bày tại hội thảo khoa học của Học viện hoặc các cuộc thi cấp quốc gia giúp sinh viên cập nhập công nghệ mới. Các cuộc thi chuyên ngành, các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu khoa học, các khóa học online miễn phí do Qualcomm, Ericsson và Amazon cung cấp cũng là những nguồn kiến thức thực tế hết sức hữu ích cho sinh viên.

Các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước thường xuyên tài trợ học bổng cho sinh viên Học viện nhằm khuyến khích học tập, hỗ trợ tài chính và thu hút nhân tài. Tiêu biểu như chương trình Học bổng Tài năng Samsung (Samsung Talent Program - STP) do Samsung Việt Nam tài trợ. Sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông có thể nhận học bổng trị giá 50 triệu đồng/suất nếu vượt qua vòng xét tuyển của Samsung. Doanh nghiệp nhận sinh viên vào thực tập từ năm thứ 3 hoặc năm thứ 4, cử người hướng dẫn, hỗ trợ chi phí thực tập và nhận sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Các doanh nghiệp thường xuyên tham gia các ngày hội việc làm để giới thiệu các cơ hội nghề nghiệp và tuyển dụng sinh viên.

479731966_921385620156868_4109198068658333483_n.jpg
Một buổi đào tạo thực hành tại phòng thí nghiệm với các sinh viên Khoa Viễn thông của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: NVCC.

Hiện đang là sinh viên năm cuối, Nguyễn Thị Hằng đã có cơ hội thực tập tại một doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông. Đây là quãng thời gian giúp Hằng áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học vào môi trường làm việc thực tế, đồng thời rèn luyện nhiều kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp tương lai.

“Khác biệt lớn nhất giữa học tập trên giảng đường và làm việc thực tế là em được tiếp cận trực tiếp với quy trình triển khai một dự án viễn thông, từ khâu lập kế hoạch, giám sát, thiết kế, thi công cho đến nghiệm thu và bảo trì,” Hằng chia sẻ. Không chỉ vậy, cô sinh viên trẻ còn có cơ hội làm quen, thao tác với các thiết bị mạng, phần mềm chuyên dụng — những công cụ mà trước đây em chỉ biết qua sách vở.

Bên cạnh việc tiếp thu kiến thức chuyên môn, môi trường thực tập còn giúp Hằng rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề và quản lý thời gian — những yếu tố không thể thiếu trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp. “Trước đây, khi còn là sinh viên, em có thể thoải mái trễ giờ 5-10 phút, nhưng khi đi thực tập, em nhận ra tính kỷ luật và hoàn thành công việc đúng thời hạn là yếu tố cực kỳ quan trọng. Điều này giúp em học cách sắp xếp công việc hợp lý và ưu tiên các nhiệm vụ một cách khoa học hơn.”

Ngoài ra, khi tham gia vào các dự án thực tế, Hằng cũng nhận thấy tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là khi cần phối hợp với đồng nghiệp hoặc trình bày ý tưởng trước các chuyên gia, kỹ sư trong ngành.

Nhớ lại một kỷ niệm trong quá trình thực tập, Hằng kể: “Có lần em gặp một vấn đề mới nhưng lại nhút nhát, không dám hỏi ai, chỉ tự tìm tài liệu để giải quyết và cuối cùng xử lý sai hoàn toàn. Điều em bị nhắc nhở không phải vì làm sai, mà vì đã không chủ động hỏi. Từ đó, em rút ra bài học: trong công việc, không phải lúc nào sách giáo khoa cũng có câu trả lời. Quan trọng là phải chủ động học hỏi, dám đặt câu hỏi và không ngừng hoàn thiện bản thân.”

Với Hằng, quãng thời gian thực tập không chỉ là cơ hội để áp dụng lý thuyết vào thực tế, mà còn là hành trình trưởng thành, học cách thích nghi và làm việc một cách chuyên nghiệp trong môi trường doanh nghiệp. Sắp tới, em sẽ tiếp tục rèn luyện thêm các kỹ năng, cố gắng học tập trau dồi kiến thức các lĩnh vực liên quan để mở ra cho bản thân có nhiều cơ hội thăng tiến, phát triển công việc trong tương lai.

Trần Trang