Theo thống kê mỗi năm tại Việt Nam, số bệnh nhân ung thư mắc mới là 150.000 người và có 75.000 người tử vong. Cộng với số bệnh nhân đã mắc, tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 240.000 - 250.000 người phải sống chung với bệnh ung thư.
Điều đáng nói ung thư có xu hướng gia tăng, không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong có vấn đề chế độ dinh dưỡng ít rau quả, nhiều thịt, mỡ động vật, thừa đạm và đặc biệt thức ăn có chứa chất bảo quản thực phẩm, sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn…
Lo ngại thực phẩm bẩn gây ung thư khiến người tiêu dùng lo lắng (ảnh minh họa, nguồn Vietq). |
Từ đó suốt hiện tâm lý lo lắng ăn cũng chết (lo thực phẩm không an toàn), không ăn cũng chết đè nặng lên nhiều người.
Trước vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.
- Nhiều người cho rằng thực phẩm không đảm bảo an toàn là nguyên nhân khiến số người mắc ung thư ngày một ra tăng dẫn đên tâm lý hoang mang khi lựa chọn thực phẩm. Ý kiến của ông thế nào?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Ung thư có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ thực phẩm, nhưng ngoài thực phẩm còn có nguyên nhân khác.
Ví dụ ung thư phổi do sử dụng thuốc lá, ung thư do sai lệch về gien thậm chí có yếu tố di truyền. Tuy nhiên ung thư cũng có nguyên nhân từ thực phẩm.
Nhưng chúng ta không nên hoang mang mà thay vào đó nên tìm nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn để sử dụng.
- Vấn đề là người dân tìm thực phẩm an toàn ở đâu?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Các thực phẩm đã được các cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ an toàn thực phẩm người dân hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn. Người dân chỉ mua sản phẩm được cấp chứng nhận an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đối với thực phẩm như rau phải lựa chọn từ cơ sở được sản xuất xuất rau an toàn được ngành nông nghiệp chứng nhận. Với sản phẩm đóng gói sẵn, phải có nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng…
TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ảnh H.Lực) |
Tuy nhiên, rủi ro do sử dụng thực phẩm rất khó tránh. Ví dụ các nước phát triển kể cả Nhật Bản các sản phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước cho phép lưu hành tuy nhiên trong quá trình sản xuất, lưu thông, bảo quản, lưu trữ trước khi sử dụng không đảm bảo tốt cũng gây ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Vì thế muốn giảm thấp nhất mức độ không an toàn cần sự cộng tác của cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất và của người tiêu dùng.
- Như vậy chúng ta cần có chỉ dẫn thực phẩm an toàn?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Điều này rất khó, thực tế có những cửa hàng, có những cơ sở đã từng được cơ quan quản lý cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng trong quá trình kinh doanh thực hiện không nghiêm túc.
Thậm chí có những cơ sở được chứng nhận bán rau an toàn nhưng lại nhập cả rau không an toàn vào bán. Khi phát hiện, các cơ quan quản lý đã xử phạt nghiêm, tuy nhiên điều này cũng làm mất đi lòng tin của người tiêu dùng.
Về phía cơ quan quản lý, một mặt đẩy mạnh thanh tra kiểm tra, phổ biến tuyên truyền. Một mặt nữa chính nhà sản xuất, kinh doanh phải có trách nhiệm trong vấn đề sản xuất kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn.
- Nói như thế, phải chăng chứng nhận an toàn thực phẩm không đáng tin cậy, thưa ông?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Hoàn toàn không đúng, các chứng nhận an toàn thực phẩm được các cơ quan quản lý nhà nước cấp đều đáng tin cậy. Tuy nhiên phải nói rất thật có nhiều cơ sở lợi dụng giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh gian dối.
- Lỗ hổng trên có phải do chúng ta cấp giấy chứng nhận an toàn nhưng không giám sát?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Chúng ta vẫn thực hiện giám sát nhưng nếu nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh không tự ý thức cùng với sự vào cuộc của cộng đồng thì một mình cơ quan quản lý rất khó để suốt ngày đêm có mặt ở đó để giám sát.
Một cơ sở sản xuất thực phẩm hoạt động 24/24h, trong giờ hành chính, ngoài giờ hành chính... các cơ quan quản lý không thể giám sát 100% được. Vì vậy ngoài sự cố gắng nỗ lực của cơ quan chức năng, sự đầu tư của nhà nước thì trách nhiệm rất lớn thuộc về doanh nghiệp, nhà sản xuất.
Tôi nhấn mạnh lần nữa để đảm bảo an toàn thực phẩm cần cộng đồng trách nhiệm của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng.
- Cũng có ý kiến cho rằng, các chế tài xử lý vi phạm an toàn thực phẩm nhỏ lẻ hiện vẫn được xem là khá nhẹ khiến nhà sản xuất coi thường, "nhờn luật", quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Nghị định 178 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã có quy định rất rõ, khác hoàn toàn với Nghị định 45 trước đây về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế bao gồm cả an toàn thực phẩm.
Cụ thể, trước đây chúng ta xử lý bằng hành vi nhưng Nghị định 178 vừa xử lý hành vi vừa xử lý theo mức độ vi phạm vì vậy thay đổi được cách xử phạt chung chung. Từ hành vi cụ thể với mức phạt nếu mức phạt không tương xứng với hành vi thì nghị định mới cho phép chúng ta xử phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.
Tôi cho rằng, các cơ quan thanh tra kiểm tra an toàn thực phẩm khi phát hiện vi phạm nếu mức phạt vi phạm không tương xứng với hành vi thì có thể xử phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm.
Như vậy Nghị định xử phạt vi phạm hành chính an toàn thực phẩm như hiện nay rất cao đủ sức răn đe.
- Vậy với những cơ sở được cấp phép nhưng lợi dụng giấy phép an toàn thực phẩm để sản xuất kinh doanh thực phẩm không an toàn sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông
TS. Nguyễn Thanh Phong: Với cơ sở vi phạm như vậy xử lý 2 mức: Hành vi vi phạm và giá trị sản phẩm sai phạm. Ví dụ, một cơ sở được phép sản xuất 1 tạ hàng hóa, tuy nhiên lợi dùng giấy phép sản xuất 1 tấn thì ngoài hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa sản xuất trái phép vượt mức.
- Một vấn đề nữa là, trước ma trận thực phẩm không an toàn hiện nay, theo ông người tiêu dùng phải làm gì?
TS. Nguyễn Thanh Phong: Thứ nhất người tiêu dùng phải dứt khoát không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đó vừa là quyền và là trách nhiệm của người tiêu dùng.
Thứ hai người tiêu dùng phải sử dụng đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Thứ ba người tiêu dùng phải mạnh rạn đứng ra tố giác hành vi vi phạm an toàn thực phẩm.
Hơn 80% số người được hỏi vì sao không tố giác hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm đều có chung trả lời ngại va chạm. Quan điểm này phải thay đổi ngay.
Tất nhiên nói như vậy không phải đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay cần phải có sự phối hợp cùng lên tiếng của cả cộng đồng.
- Xin cảm ơn ông!