Nhiều hoài nghi về bình ổn giá vàng

14/10/2011 09:12
Hà Nhi (Tổng hợp)
(GDVN) - Giá vàng trong nước sáng nay (14/10) bị đẩy lùi về ngưỡng 44 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Trong giao dịch đêm qua tại thị trường New York, vàng đã “hạ nhiệt” ngày thứ hai do cổ phiếu giảm giá và đồng USD tăng giá, làm hạn chế nhu cầu kim loại quý như một tài sản thay thế.

Các chuyên gia tại Commerzbank cho rằng, vàng chỉ còn thiếu 17 USD/ounce nữa lại chạm mốc tâm lý 1.700 USD/ounce. Việc thất bại trong khi đạt tới ngưỡng này có thể sẽ tạm thời gia tăng đà bán ra trong ngắn hạn. Tâm lý sẽ là bán ra khi thất vọng do không đạt mục tiêu lợi nhuận.

Trong khi đó sức cầu tại thị trường vàng vật chất từ châu Á đang tăng lên khiến cho giá vàng không thể mất giá sâu. Thêm vào đó, các nhà đầu tư lớn vẫn trông chờ các biện pháp bơm tiền từ cuộc giải cứu hệ thống ngân hàng châu Âu và vòng xoáy nợ công tại các quốc gia EU này.

Giá vàng trên sàn Kitco hiện đang đứng ở 1.666,4 USD/ounce, giảm khoảng 15 USD so với cùng thời điểm sáng hôm qua. SPDR hôm qua còn bán nhẹ 0.48 tấn đưa mức nắm giữ xuống còn 1,227.51 tấn vàng.
Mặc dù giá vàng trong nước đã giảm nhiệt nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi xoay quanh câu chuyện bình ổn giá vàng.
Mặc dù giá vàng trong nước đã giảm nhiệt nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi xoay quanh câu chuyện bình ổn giá vàng.

Do ảnh hưởng bởi đà giảm của giá vàng thế giới, vàng trong nước sáng nay cũng mất 200.000 đồng/lượng so với cùng thời điểm ngày hôm qua.

Giá vàng SJC tại TP.HCM do Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết lúc 9h sáng là 43,75 và 44,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), còn tại Hà Nội, giá vàng này được các doanh nghiệp niêm yết tương ứng là 43,75 và 44,02 triệu đồng/lượng.

Từ đầu tuần tới nay, giao dịch vàng khá trầm lắng, trao đổi với PV Tiền Phong, phụ trách chi nhánh một ngân hàng chuyên bán buôn vàng cho các doanh nghiệp cho biết: sức mua hai ngày nay rất thấp, gần như không đáng kể.

Theo vị này, nguyên nhân có thể do giá vàng thế giới đang đà tăng lại; trong khi mấy hôm trước, tranh thủ giá vàng xuống ngưỡng 43 triệu đồng/lượng, người dân đã mua vào nhiều.

“Khách mua chủ yếu là người dân rút tiết kiệm. Họ mua không phải để đầu cơ mà chỉ là hình thức chuyển đổi kênh dự trữ từ tiền đồng sang vàng”, vị này chia sẻ.

Trước câu hỏi tại sao đã một tuần bán ra thay vì kéo giá xuống như kỳ vọng, giá vàng trong nước vẫn tăng, ông này phân tích: “Căn cứ để so sánh với giá thế giới đang được tính theo giá USD trên thị trường tự do, vì trên thực tế các DN kinh doanh vàng rất khó mua USD như giá ngân hàng niêm yết”.

Theo đó, thời gian qua, khi thực hiện mua bán vàng vật chất, cân đối trạng thái mua - bán nhiều lần, các doanh nghiệp phải chịu lỗ tới cả triệu đồng/lượng (bởi mua đuổi, bán đuổi, thậm chí không cân đối được lượng bán ra tới vài ngày hoặc cả tuần liền).

Việc NHNN sử dụng các NHTM có nguồn vàng sẵn từ huy động cũng như mở trở lại kênh vàng tài khoản được xem là “bài thuốc” cắt cơn sốt vàng dứt điểm và hiệu quả hơn giải pháp cấp quota nhập vàng.

Mong muốn của NHNN là: chỉ sau một thời gian khi 5 NHTM cùng SJC tham gia bán vàng, thị trường sẽ trở về bình ổn, kéo giá vàng trong nước xuống mức chênh từ 200 - 400 ngàn đồng/lượng so với thế giới.

Như thế, chẳng có lý do gì để 5 NHTM nhất quyết vin lý do là bán vàng theo giá SJC niêm yết (chưa kể theo phản ánh của khách hàng, có ngân hàng đã niêm yết giá cao hơn SJC cùng thời điểm- PV). Trong khi SJC lại nhất mực phải tính theo tỷ giá tự do.

“Dư luận có thể đặt câu hỏi, phải chăng SJC và 5 NHTM này chưa làm tròn nhiệm vụ NHNN giao phó lại còn tranh thủ thị trường để kiếm lời”, một cựu giám đốc sàn vàng nhận xét.
Hà Nhi (Tổng hợp)