Nhiều người Việt mua sừng tê giác để... thể hiện quyền lực

16/05/2014 09:40
Theo TBKTSG online
Lý do người tiêu dùng Việt Nam mua sừng tê giác là vì muốn thể hiện quyền lực, thể hiện địa vị xã hội hơn là công dụng chữa bệnh mà dân gian lưu truyền.


Lý do người tiêu dùng Việt Nam mua sừng tê giác là vi muốn thể hiện quyền lực, thể hiện địa vị xã hội hơn là công dụng chữa bệnh mà dân gian lưu truyền.

Tổ chức quốc tế TRAFFIC vừa đưa ra kết quả khảo sát hành vi và thái độ người tiêu dùng sừng tê giác trong khuôn khổ chiến dịch chống buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã của WWF/TRAFFIC. Cuộc khảo sát đã hỏi ý kiến 720 người ở Hà Nội và TPHCM, gồm những người được lựa chọn ngẫu nhiên và trong đó có những người từng mua, sử dụng sừng tê giác.

Một con tê giác Nam Phi đang nuôi ở Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Hùng.
Một con tê giác Nam Phi đang nuôi ở Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Hùng.

Kết quả cho thấy, phần lớn những người mua và sử dụng sừng tê giác là muốn thể hiện quyền lực, nâng cao địa vị xã hội. Sừng tê giác đôi khi được mua chỉ vì mục đích duy nhất là làm quà tặng cho người thân trong gia đình, cho đối tác làm ăn hoặc tặng những người có quyền lực.

Báo cáo cũng chỉ ra, trong xã hội Việt Nam niềm tin sâu xa về tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác là một trong những động cơ mua và sử dụng sừng tê giác của người dân.

Khảo sát của TRAFFIC cho thấy, những người sử dụng sừng tê giác có xu hướng là đàn ông trên 40 tuổi. Người mua sừng tê giác thường là phụ nữ tuổi 50, mua cho người thân trong gia đình. Có 40% người tham gia khảo sát cho biết sẽ không bao giờ mua hay tiêu dùng sừng tê giác.

Tiến sĩ Naomi Doak, Trưởng đại diện TRAFFIC Đông Nam Á – Chương trình Tiểu vùng Mê Kông Mở, trích dẫn một báo cáo của Bộ Môi trường Nam Phi cho thấy, tính đến ngày 11-4-2014 đã có 277 cá thể tê giác bị giết để lấy sừng ở Nam Phi. Năm 2013, có 1004 cá thể tê giác đã bị giết ở quốc gia này.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc gia tăng số vụ săn bắn trái phép tê giác và cuộc khủng hoảng hiện nay là nh cầu tiêu thụ sừng tê giác tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.

Cuộc khảo sát của TRAFFIC nhằm xác định những nhóm tiêu thụ chính các sản phẩm bất hợp pháp này và động cơ sâu xa đằng sau quyết định mua và sử dụng sản phẩm.

TRAFFIC là mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã, hoạt động nhằm đảm bảo việc buôn bán các loài động, thực vật hoang dã không là mối đe dọa tới bảo tồn thiên nhiên.

WWF là Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên, một trong những tổ chức độc lập về bảo tồn lớn nhất thế giới, với hơn 5 triệu người ủng hộ và mạng lưới toàn cầu hoạt động tại trên 100 quốc gia.

Theo TBKTSG online