Do đó, dự Luật Phòng chống tác hại rượu bia do Bộ Y tế xây dựng đã nhận được nhiều ủng hộ.
Trong các cuộc họp xây dựng dự thảo Luật Phòng tác hại của rượu, bia, nhiều ý kiến của các đại biểu quốc hội cho rằng cần sớm ban hành Luật để tăng cường quản lý cũng như hạn chế tình trạng sản xuất, sử dụng rượu, bia. Có chế tài xử phạt nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm...
Đã có nhiều góp ý của các cơ quan ban ngành đoàn thể, địa phương cho dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu, bia.
Khó có thể tự hào với thành tích uống bia của người Việt. |
Trong phiên thảo luận của Quốc hội ngày 17/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Ủy ban thường vụ quốc hội tán thành sự cần thiết xây dựng dự thảo luật; cho đây là dự án Luật quan trọng, tác động lớn đến nhiều vấn đề về kinh tế, văn hóa, xã hội, do đó cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng về các chính sách trong dự án Luật.
Mới đây nhất, tại Hội thảo đánh giá tác động kinh tế-xã hội liên quan đến Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia diễn ra chiều 15/11 tại Hà Nội, Ban soạn thảo dự thảo luật cho biết, đa số các ý kiến đều tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo luật và đánh giá sự cần thiết phải ban hành luật này.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo luật được thực thi và có hiệu quả, những ý kiến ủng hộ yêu cầu phải có quy định về tỷ lệ % cụ thể về khoản thuế tiêu thụ đặc biệt để chi cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.
“Vấn nạn sử dụng rượu bia ở Việt Nam hiện nay đang ở mức báo động. Nếu như luật có những nội dung, đáp ứng được các quy định và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thì việc chúng ta làm là giảm đi ảnh hưởng từ tác hại của rượu, bia tới sức khỏe, tới kinh tế-xã hội, kể cả với truyền thống văn hóa.
Nếu như luật “yếu”, thì chắc chắn sức khỏe của người dân trong ngắn hạn và trong dài hạn sẽ bị ảnh hưởng.
Người Việt uống rượu đa phần không rõ nguồn gốc, tửu lượng gấp 3 lần thế giới |
Theo đó, tác hại từ rượu, bia với kinh tế xã hội vẫn còn nguyên. Với quy định hiện hành, chúng ta không có đủ nguồn lực để tổ chức thực thi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia như Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá”, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cũng nhắc tới tranh cãi về tên gọi của luật này. Trong đó, có ý kiến đề xuất đặt tên là Luật phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang, Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là sự đan xen về các lợi ích, đặc biệt là lợi ích về sức khỏe và lợi ích về kinh tế. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi nóng nhất.
“Cũng có ý kiến, nếu chúng ta ban hành luật này nó sẽ ảnh hưởng tới các hiệp định kinh tế song phương mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết như các Hiệp định tự do thương mại (FTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…, gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”, ông Nguyễn Huy Quang nói.
Một nạn nhân của rượu thủ công không rõ nguồn gốc. (Ảnh: LC) |
Sáng 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) đồng ý cao với sự ban hành luật và tên gọi là phương án 1 (Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia) đặc biệt là chế định chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa việc quảng cáo rượu, bia.
Ông phân tích mặt hàng này là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật nhưng các quảng cáo bia rượu làm cho người nghe lầm tưởng sự hấp dẫn, như: Hào khí ngàn năm, chất men thành công, chung một đam mê…Những lời đó đã cố tình quên đi những vụ thảm án hay những vụ tai nạn giao thông, các vụ bạo hành… cũng từ rượu, bia mà ra.
Dẫn ra thứ hạng uống bia đứng đầu Đông Nam Á, thứ 3 châu Á của Việt Nam, đại biểu Nhân thẳng thắn: "Thật khó mà tự hào về thành tích uống bia, rượu đứng đầu Đông Nam Á của Việt Nam".
Người Việt chi tới 4 tỷ USD để uống bia Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đều đang gia tăng. Năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày qua thì đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Bộ trưởng Y tế - bà Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đưa ra con số thống kê hàng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia. Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%. Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3 đến 3,3% GDP của mỗi quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp. Nữ Bộ trưởng cũng đưa ra so sánh ở nước ta nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. “Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh... |