Bình gas được xem là một vật dụng phải được thiết kế đảm bảo độ an toàn cao. Bình gas lậu còn được ví như "bom nổ chậm". Thế nhưng vì hám lời, tiết giảm chi phí đầu vào, những bình gas thật lại được những lò chuyên sản xuất bình gas lậu biến thành phương tiện hoán cải, triết nạp gas trái phép gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, đẩy người tiêu dùng vào mối nguy hiểm khi sử dụng hàng ngày.
Nếu chỉ nhìn dáng vẻ bề ngoài của những bình gas, thì những người làm trong lĩnh vực sản xuất về gas cũng khó mà phát hiện đâu là bình thật, đâu là bình giả. Tình trạng được coi là đánh cắp quyền sở hữu công nghiệp một cách tinh vi đối với những sản phẩm là bình gas đang được nhiều đối tượng kinh doanh trái phép tận dụng để kiếm lời.
Các vỏ bình gas bị hoán cải. (Ảnh minh họa) |
Một công nhân từng làm việc tại một lò gas lẻ tại TP.HCM tiết lộ: "Chúng tôi dùng công nghệ cắt bỏ phần chỏm trên bình gas, loại bỏ hết thông số kỹ thuật. Sau đó, chúng tôi dập một vỏ tương đồng với chỏm dưới của bình gas của đơn vị cũ. Sau đó, chúng tôi hàn chỏm trên lại thì cơ quan chức năng cũng không thể phát hiện được".
Nói về công nghệ cũ cắt cổ bình gas, người công nhân này cho biết: "Công nghệ cũ cắt bình gas, thì chỉ cắt phần tai xách của bình gas, sau đó mài chữ nổi trên chỏm bình gas, rồi hàn tai xách mới vào Như vậy sẽ thành bình gas của chúng tôi. Công nghệ đó sẽ giảm chi phí và giá thành sản xuất".
Bình gas bị hoán cải đang trở thành nỗi nhức nhối với những cơ sở làm ăn chân chính. Tình trạng bình gas bị biến tướng dưới dạng "râu ông nọ cắm cằm bà kia" khiến họ rơi vào thế rất khó đỡ khi buộc phải đứng ra giải quyết hậu quả của những phi vụ sang chiết gas lậu, mạo danh hàng chính hãng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Ông Trần Minh Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết: "Có quy định những công ty khi đạt tiêu chuẩn thương nhân cấp 1, phải đạt tối thiểu số lượng vỏ bình gas của mình sở hữu là 300.000 vỏ trở lên. Từ đây xuất hiện hiện tượng cắt và hoán cải vỏ bình gas của những công ty khác với số lượng lớn và đang tồn tại trên thị trường. Việc cắt và hoán cải vỏ bình gas như vậy, thì chi phí để có vỏ bình gas mới chỉ từ 2/3 hoặc một nửa so với đầu tư, sản vỏ bình gas mới".
Theo các doanh nghiệp, việc đầu tư vỏ bình gas chiếm khoảng 70% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Do đó, đã có những doanh nghiệp thiếu khả năng đã chọn việc chiếm dụng vỏ bình gas của những thương hiệu uy tín, sau đó biến nó thành vỏ bình gas của mình để trục lợi phi pháp.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho rằng: "Thực trạng trên địa bàn thành phố có hiện tượng cắt quai, mài vỏ bình, giả thương hiệu, nên việc ban hành văn bản của Sở Công thương vừa qua cũng nhằm mục đích khắc phục được tình trạng chiếm dụng vỏ bình của các doanh nghiệp, phục vụ người tiêu dùng thành phố trong việc sử dụng bình gas được an toàn hơn".
Với những quy định mới về tổ chức phân phối thị trường gas, mới chỉ được các doanh nghiệp xem là biện pháp cấp bách trước mắt. Còn trên thực tế, thị trường có hàng trăm ngàn vỏ bình gas bị hoán cải, bị làm giả mà chưa thể phát hiện. Đó là bài toán nan giải với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này./.
Nguồn VTV
Hồng Anh