Những con số không rõ ràng nhìn từ cổ phiếu Petrolimex

20/07/2011 00:02
Vì lẽ gì một doanh nghiệp “có quyền” định đoạt giá xăng bán lẻ như Petrolimex lại phải mất công chào mời nhà đầu tư đến vậy?

Vì lẽ gì một doanh nghiệp “có quyền” định đoạt giá xăng bán lẻ như Petrolimex lại phải mất công chào mời nhà đầu tư đến vậy? Giá khởi điểm IPO 15.000 đồng/cổ phiếu có rẻ?

>> Lãi hàng nghìn tỷ, vì sao Petrolimex vẫn nhận tiền bù lỗ của Nhà nước?

>> Petrolimex lãi hàng nghìn tỷ vẫn kêu lỗ

 “Với doanh nghiệp như tổng công ty xăng dầu Petrolimex, lẽ ra không cần giới thiệu nhà đầu tư cũng đến mua cổ phiếu”, ông Phạm Viết Muôn - phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nói trong buổi giới thiệu đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) của Petrolimex chiều 14/7 tại TP.HCM.

Chín tháng dự kiến lỗ 1.220 tỉ đồng


Quan tâm đầu tiên của nhà đầu tư bao giờ cũng là hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo bản cáo bạch IPO, năm 2009 lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đạt 3.394 tỉ đồng, năm 2010 giảm mạnh còn 924,8 tỉ đồng. Nếu căn cứ vào vốn điều lệ sau cổ phần hoá của tổng công ty là 10.700 tỉ đồng, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của Petrolimex năm ngoái có 867 đồng, tính theo giá khởi điểm, chỉ số PE (thị giá trên thu nhập) tương đương 17 lần, cao hơn hẳn so với mặt bằng chung hiện tại.

 Với việc Nhà nước còn nắm giữ gần 95% cổ phần sau IPO, Petrolimex vẫn là doanh nghiệp nhà nước và vẫn là công cụ bình ổn giá xăng dầu của Nhà nước. Ảnh: Lê Quang Nhật

Với việc Nhà nước còn nắm giữ gần 95% cổ phần sau IPO,
Petrolimex vẫn là doanh nghiệp nhà nước và vẫn là công cụ
bình ổn giá xăng dầu của Nhà nước.

Năm nay bức tranh lợi nhuận của Petrolimex không có nhiều gam màu sáng theo công bố của chính tổng công ty. Chín tháng đầu năm, xăng dầu, mảng kinh doanh chính, dự kiến lỗ 1.220 tỉ đồng. Nguyên nhân theo giải thích của ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, là do công ty phải thực hiện việc bình ổn giá xăng dầu theo chỉ đạo của Nhà nước.

Các cuộc giới thiệu trước IPO của tổng công ty không giúp nhà đầu tư xác định được nguyên nhân thua lỗ là do thực hiện bình ổn giá hay còn lý do nào khác. Giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam sẽ cao hơn giá bán lẻ cùng loại của một số nước khu vực nếu tính trên cùng một mức thuế. Thuế nhập khẩu xăng dầu của một số nước từ 15 – 35%, còn của Việt Nam đang là 0 – 5%.

Những câu hỏi chưa có lời giải


Trong khoản lỗ dự kiến nói trên của Petrolimex nổi lên hai vấn đề: quản lý dòng tiền và mức hoa hồng cho các đại lý. Từ tháng 4/2011 trở về trước, bỏ qua yếu tố xăng dầu luôn là mặt hàng ưu tiên số một của Nhà nước trong cân đối cung cầu ngoại tệ, Petrolimex luôn nói gặp khó khăn trong việc mua ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu. Thay bằng mua, tổng công ty phải vay ngoại tệ, chịu áp lực điều chỉnh tỷ giá và lãi suất. Trong khi đó Petrolimex, theo lời ông Bảo tại cuộc giới thiệu chiều 14/7, vào thời điểm ấy gửi 17.000 tỉ đồng tại ngân hàng. Liệu chi phí vay ngoại tệ và điều chỉnh tỷ giá có lớn hơn khoản thu từ lãi suất tiền gửi ngân hàng?

Petrolimex là doanh nghiệp có doanh thu tiền đồng rất lớn. Ông Bảo cho biết mỗi ngày tổng công ty thanh toán tiền nhập khẩu xăng dầu khoảng 20 – 30 triệu đôla Mỹ và thu tiền đồng từ bán xăng dầu trong nước khoảng 500 – 600 tỉ đồng. Từ tháng 4 đến nay, Petrolimex có thể mua ngoại tệ tại các ngân hàng theo giá niêm yết và nguồn thu tiền đồng có thể sinh lời cao. Tuy nhiên, Petrolimex không có một lời nào đề cập đến lợi thế này.

Ông Bảo khẳng định mức hoa hồng 300 – 500 đồng/lít xăng, dầu cho các đại lý của tổng công ty hiện nay là hợp lý, đảm bảo lợi nhuận cho họ. Chưa có một cuộc kiểm toán độc lập công khai nào để người tiêu dùng và nhà đầu tư thấy mức hoa hồng đó phù hợp thực tế. Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp đại lý xăng dầu do tổng công ty góp vốn hiện nay “sống khỏe”, lợi nhuận cao. Có bình thường không khi tổng công ty dự kiến lỗ, còn các đại lý thì không?

Đứng trước nguy cơ lỗ, thông thường doanh nghiệp tiết kiệm và cắt giảm chi phí. Với Petrolimex, dường như không phải vậy. Theo bản cáo bạch, trang 49, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp năm 2009 của Petrolimex là 3.731,5 tỉ đồng, năm 2010 là 4.661,7 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 25%, một mức tăng quá lớn. Nếu tổng công ty tiết giảm được chi phí, thì cho dù có phải bù lỗ giá xăng, lợi nhuận năm 2010 vẫn có thể cao hơn.

Đắt và rẻ


Với quy mô, cơ sở vật chất, hệ thống phân phối rộng khắp và lợi thế mà không doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nào có được, giá khởi điểm IPO của Petrolimex nhìn bề ngoài là rẻ. Nếu được kinh doanh theo cơ chế thị trường, quản lý công khai, minh bạch, Petrolimex sẽ có gương mặt khác sau cổ phần hóa. Với việc Nhà nước còn nắm giữ gần 95% cổ phần sau IPO, Petrolimex như ông Bảo nói, vẫn là doanh nghiệp nhà nước và vẫn là công cụ bình ổn giá xăng dầu của Nhà nước.

Có nên kỳ vọng vào sự thay đổi khi Petrolimex chuyển đổi thành công ty cổ phần từ đầu tháng 10 tới? Nhà đầu tư không nhìn thấy nhiều sự thay đổi ở những doanh nghiệp nơi Nhà nước nắm cổ phần chi phối thấp hơn ở Petrolimex như Bảo Việt, Vietcombank, hai đơn vị này đã niêm yết.

Kế hoạch lợi nhuận sau cổ phần hoá của Petrolimex khá ấn tượng: lợi nhuận sau thuế ba tháng cuối năm nay dự kiến 491 tỉ đồng, năm sau là 2.109 tỉ đồng. Làm thế nào có được lợi nhuận đó thì không thấy bản cáo bạch cũng như lãnh đạo Petrolimex nói tới. Đưa ra một con số không khó, trong khi đường đi nước bước đến con số đó không rõ ràng, thử hỏi nhà đầu tư làm sao tin? Với sự không rõ ràng và không ít những câu hỏi thiếu lời giải đáp, trong điều kiện chứng khoán hiện nay, giá khởi điểm cổ phiếu Petrolimex có thể không hề rẻ chút nào.

Theo Sài Gòn tiếp thị

>> Lãi hàng nghìn tỷ, vì sao Petrolimex vẫn nhận tiền bù lỗ của Nhà nước?

>> Petrolimex lãi hàng nghìn tỷ vẫn kêu lỗ