Những đặc sản tiền triệu "cháy" hàng dịp Tết

26/01/2014 07:23
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Có những món ăn đặc sản trị giá tiền triệu này luôn được “săn lùng” ráo riết, thậm chí còn “cháy” hàng mỗi dịp Tết về...

Bánh tét khắc chữ giá gần triệu đồng

Chia sẻ trên tờ VnExpress, anh Trương Văn Phúc, Giám đốc điều hành thương hiệu bánh xèo Mười Xiềm - nơi làm ra loại bánh tét khắc chữ trong nhân cho biết, hiện nhu cầu đặt bánh tét khắc chữ tăng 50% so với năm ngoái, lên tới 500 cặp. Khách hàng chủ yếu là dân văn phòng, doanh nghiệp và đa phần dùng cho mục đích biếu tặng. Giá mỗi cặp bánh 800.000 đồng, khách mua số lượng nhiều sẽ giảm 20%.

Nét độc đáo của đòn bánh là mỗi khoanh bánh tét là một chữ cái riêng, một cặp bánh chứa một bộ chữ chúc xuân khác nhau. Khách hàng có thể chọn lựa những câu chúc như chúc mừng năm mới, phát lộc phát tài, tấn tài tấn lộc, tân niên phú quý, an khang thịnh vượng… hay có thể tự nghĩ ra một lời chúc độc đáo nào nó gửi tặng người thân, bạn bè và đưa yêu cầu này cho người làm bánh.

Bánh tét chữ được ưa chuộng trong dịp Tết. Ảnh: QT
Bánh tét chữ được ưa chuộng trong dịp Tết. Ảnh: QT
Những nồi cá kho bạc triệu đón Tết ở làng Vũ Đại
Món cá kho làng Vũ Đại trước đây vốn là một món ăn thường ngày của những người dân nghèo nơi đồng chiêm trũng này. Giờ đây, cá kho Vũ Đại đang trở thành một món ăn đặc sản hút khách dịp tết. Mỗi nồi cá kho có giá thấp nhất là từ 500 -700 nghìn đồng, đắt nhất là 1 - 1,2 triệu. 
Cơ sở cá kho của gia đình ông Trần Huy Thỏa (ở xóm 2, xã Nhân Hậu) một trong những người có thâm niên làm cá kho lâu nhất trong xã Nhân Hậu, ông cho biết cá kho Đại Hoàng phải là loại cá trắm đen từ 3kg trở lên, cùng những gia vị để kho cá như: riềng, sườn lợn, kẹo đắng, nước cốt chanh… Làm thịt cá cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật.
Cá kho Đại Hoàng còn có một thứ gia vị rất đặc biệt đó là nước cốt tương cua. Đây là một trong những gia vị làm cho món cá kho Đại Hoàng trở nên đặc biệt như vậy. Ngoài ra, trước khi kho cá, niêu phải được rửa sạch, luộc nước sôi tăng độ bền.
Cá kho niêu Hà Nam được chế biến rất cầu kỳ.
Cá kho niêu Hà Nam được chế biến rất cầu kỳ.
Chi tiền triệu mua cá Anh Vũ
Cá Anh Vũ là loài cá quý chỉ sống ở ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ), nhờ ăn rễ cây chiên đàn nghìn tuổi mà trở nên thiêng quý. Với cái môi dày toàn sụn nhìn như mõm lợn, ăn vào giòn sần sật, những thớ thịt trắng, quánh, cá Anh Vũ được người sành ẩm thực cho là ngon hơn bất kỳ loài thủy sinh nào của sông nước. Từ xa xưa, cá Anh Vũ đã được dùng làm thức tiến ăn tiến vua, được các bộ chính sử ghi lại.

Theo người chuyên buôn cá Anh Vũ cho biết, cá Anh Vũ thường là loại nhỏ, tuy nhiên, nếu người mua có nhu cầu, chủ cửa hàng có thể cung cấp cá to lên tới 5kg/con, với giá 982.000 nghìn đồng/kg. Tính ra, một con cá Anh Vũ có giá lên tới gần 5 triệu đồng.

Cá Anh Vũ tiền triệu được nhiều người mua về làm quà Tết.
Cá Anh Vũ tiền triệu được nhiều người mua về làm quà Tết.

Thịt trâu, bò, ngựa, lợn Mán gác bếp

Vài năm trở lại đây, các món “gác bếp” của người dân tộc thiểu số Tây Bắc cũng rất được ưa chuộng, nhất là với những người khoái lai rai. Những loại thịt “gác bếp” này có giá không rẻ, dao động từ 900.000 – 1,3 triệu/kg.

Nhìn chung, các món “gác bếp” đều được làm bằng kỹ thuật chế biến gia truyền, tẩm ướp bằng các gia vị, hương liệu địa phương đặc biệt là mắc khén – một loại hạt tiêu rừng - rồi treo trên giàn bếp, hun bằng khói của củi núi đá… tạo nên sự đặc biệt của món ăn.

Sau khi gác bếp hai tháng liền, khối thịt (có thể là thịt trâu, thịt bò, thịt ngựa, lợn Mán) ám khói đen và khô lại, thấm hết mọi gia vị vào trong. Miếng thịt khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt. Khi ăn, người ta xé nhỏ dọc theo thớ, chấm với gia vị đặc trưng hoặc tương ớt.

Các loại thịt gác bếp có giá bạc triệu nhưng vẫn đắt hàng dịp Tết nguyên đán.
Các loại thịt gác bếp có giá bạc triệu nhưng vẫn đắt hàng dịp Tết nguyên đán.

Hơn 60 triệu/kg, cà phê chồn vẫn hút khách

Cũng thuộc loại đặc sản “sang chảnh” được giới giàu có săn lùng mỗi khi Tết về, cà phê chồn (do một công ty cà phê của Việt Nam sản xuất) có giá khoảng 3.000 USD/kg (hơn 60 triệu đồng). 
Cà phê chồn là loại thức uống siêu cao cấp và cực kỳ đắt đỏ, nổi danh khắp thế giới. Sở dĩ loại cà phê này đặc biệt bởi chúng được sản xuất từ nguyên liệu hảo hạng do con chồn “sản xuất”. Trong môi trường thiên nhiên nhiên, chồn thường chọn ăn vỏ của các quả cà phê ngon lành, chín mọng nhất. Sau đó, chúng “thải” ra hạt cà phê. Được “tẩm ướp” chính nhờ một số chất có trong đường tiêu hóa của con chồn đã tạo ra hương vị đặc biệt của loại cà phê này. Sau khi thu mua được nguyên liệu thô có giá từ 1 - 10 triệu đồng/kg, loại cà phê này được chế biến bằng một quy trình sản xuất cầu kỳ và hoàn toàn thủ công.
Mỗi năm, công ty này chỉ sản xuất được từ 40 - 50 kg café chồn thành phẩm, nên dù nhiều người có tiền khao khát, sản phẩm này chỉ được bán theo đơn đặt hàng của các khách hàng "VIP". 
 
Cà phê chồn ở dạng nguyên liệu thô.
Cà phê chồn ở dạng nguyên liệu thô.
Chi gần trăm triệu để ăn gà “chân voi”, gà 9 cựa 
Khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, cứ đến Tết Nguyên đán là “cơn sốt” gà Đông Tảo (còn gọi Đông Cảo) lại rộ lên. Đây là loài gà cổ truyền của xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên), trước đây thường dùng để cúng tế hoặc dâng tiến vua.
Giống gà này khi trưởng thành nặng từ 4,5kg - 6,5 kg (gà trống) và khoảng 4 kg (gà mái), có đặc điểm nổi bật là cặp chân xấu xí, sù sì, bao quanh chân ở phía trước là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng, phần còn lại (3/4 diện tích) da sùi giống bề mặt quả dâu tằm. 
Giá con mới nở đã được bán với giá 300.000 – 550.000 đồng/con. Năm nay, những con gà Đông Tảo bán làm quà biếu Tết, xấu mã thì cũng lên đến 5 triệu đồng/con, riêng những con gà có cặp chân càng to, màu lông đẹp, mào đỏ, giá có thể lên đến cả chục triệu đồng/con.
Gà Đông Tảo "chân voi".
Gà Đông Tảo "chân voi".
Giá đắt như vậy, nhưng vì thịt ngon và quan niệm cho rằng, nếu có gà Đông Tảo để cúng trong đêm giao thừa thì năm đó sẽ làm ăn phát đạt nên gà Đông Tảo luôn là một trong những đặc sản siêu hot dịp Tết nguyên đán, trở thành một xu hướng chơi sang, thể hiện đẳng cấp của những đại gia chịu chơi. 
Giá “khủng” nhất cho gà Đông Tảo được ghi nhận đến thời điểm này thuộc về một cặp gà có giá 70 triệu đồng, được bán cho một đại gia ở TP. Hồ Chí Minh. Ngoài cặp gà trên, vị đại gia nọ cũng mua 2 chú gà trống và 6 gà mái Đông Tảo với giá 30 triệu đồng, thậm chí còn chi thêm 20 triệu đồng để thuê người bán đưa gà vào TP.Hồ Chí Minh.
Không có bàn chân đặc biệt hay trọng lượng khủng như gà Đông Tảo, nhưng gà 9 cựa (Phú Thọ) cũng là một đặc sản được “săn” nhiều vào dịp Tết. Giống gà này có kích cỡ nhỏ, chỉ chừng 1,5 - 2 kg/con, mào đỏ tươi như máu, đuôi cong tựa cầu vồng và rất mảnh. Loại gà này có nhiều cựa, mọc nối theo hàng, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như nanh lợn độc.
Gà 9 cựa Phú Thọ.
Gà 9 cựa Phú Thọ.

Gà có đầy đủ 9 cựa thì hiếm vô cùng, nhưng ở một xã vùng núi heo hút của tỉnh Phú Thọ, gà từ 6 cựa trở lên không thiếu. Gà càng nhiều cựa, giá bán càng cao. Những con gà có từ 4 – 8 cựa sẽ được bán theo hình thức cân trọng lượng. Một chú gà 4 - 6 cựa sẽ có giá từ 400.000 đến 800.000 đồng/kg, gà 7 – 8 cựa khá hiếm nên được bán với giá từ 3 – 4 triệu đồng/kg. 

Riêng gà có 9 cựa thuộc dạng cực kỳ hiếm có, nên nếu nhà nào may mắn nuôi được một chú gà như vậy, xem như năm đó ôm vàng ròng trong tay. Được biết, có đại gia đã chi 100 triệu đồng để mua được một chú gà 9 cựa từ vùng đất này để về cúng Tết nguyên đán./.

Hồng Anh (Tổng hợp)