Trong tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã hoàn thành cuộc đàm phán áp chót tại Bắc Kinh và đang chuẩn bị cho cuộc đàm phán cuối cùng tại Mỹ vào hôm 8/5/2019 trước khi chốt lại bằng một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau đó.
Cuộc đàm phán đi gần tới hồi kết và xoáy sâu vào những vấn đề nhạy cảm như quyền sở hữu trí tuệ, vốn được cho là đã đạt “nhiều tiến bộ” tới khi ông Donald Trump nổi giận và tuyên bố sẽ tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc cho dù đàm phán chưa kết thúc.
Theo đó, Mỹ sẽ tăng thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25%, bắt đầu từ 10/5/2019.
Tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khi đàm phán thương mại hai bên còn chưa kết thúc (Ảnh: Reuters). |
Tất cả ngôn từ hoa mỹ mô tả về những cuộc đàm phán Mỹ - Trung “tốt đẹp”, “tích cực”, “tiến triển tốt” đều trở thành vô nghĩa.
Tất cả thông báo từ các quan chức Mỹ và Trung Quốc cho rằng cuộc đàm phán tuần trước tại Bắc Kinh rất hiệu quả chỉ là những lời nói cường điệu.
Theo Bloomberg, Tổng thống Donald Trump nổi giận vì Trung Quốc nuốt lời, trở mặt.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer chia sẻ với báo giới rằng, các nhà đàm phán Trung Quốc đã “nuối lời” (renege) đảo ngược những điều khoản mà 2 bên đã thỏa thuận nháp trước đó.
Lu Xiang, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung từ Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) nhận định, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện chiến thuật gây áp lực mạnh mẽ và buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trên bàn đàm phán lần này.
Theo Giáo sư Susan Shirk, Đại học California (Mỹ), quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu xấu đi không phải là hành động của phía Mỹ mà đến từ sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Giáo sư Shirk là một trong những chuyên gia có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực quan hệ Mỹ-Trung, từng giữ chức Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cho rằng khó khăn và căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu từ thời Hồ Cẩm Đào.
Năm 2008, Mỹ và các nước Tây Âu lâm vào khủng hoảng tài chính quốc tế. Khi đó, chính phủ Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế khổng lồ, không chỉ tránh được tác động tiêu cực từ khủng hoảng tài chính mà còn duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao.
Vì sao quân sự là điểm nhạy cảm nhất trong tổng thể quan hệ Mỹ-Trung? |
Do đó, ở Trung Quốc đã xuất hiện những người theo chủ nghĩa thắng lợi quá sớm, cho rằng Trung Quốc đã tìm được đáp án cho tất cả các vấn đề.
Lãnh đạo và người dân Trung Quốc bắt đầu yêu cầu phải thực hiện chính sách ngoại giao cứng rắn hơn. Việc này có thể nhìn thấy rõ trong cách thức Trung Quốc xử lý vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc đã có bước chuyển mình trong chính sách đối ngoại. Chính sách ngoại giao cứng rắn hơn, hành động nhiều hơn của Trung Quốc đã được tăng gấp đôi dưới thời Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, các xu thế phát triển nội tại của Trung Quốc gồm sửa đổi hiến pháp hay hủy bỏ hạn chế nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước, tăng cường sự kiểm soát của đảng với chính quyền, quân đội và xã hội, thực hiện các chính sách mang tính áp đặt hơn đều khiến Trung Quốc bị phương Tây nhìn nhận như một mối đe dọa lớn hơn.
Chính sách và quyết định đối nội, đối ngoại của Trung Quốc đã khiến ngay cả những người bạn cũ của Bắc Kinh ở Mỹ như cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson lo ngại và lên tiếng chỉ trích. Đồng thời vấp phải sự chỉ trích quyết liệt của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Xung đột thương mại Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, có lẽ Trung Quốc có một số điều không ngờ tới như sau:
Một là, thù hận của Mỹ đối với Trung Quốc không ngờ lớn đến vậy. Tổng thống Donald Trump coi Trung Quốc là kẻ xâm lược kinh tế toàn cầu và là kẻ phá hoại quy tắc.
Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên truyền của Trung Quốc về quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước. Đó là trong anh có tôi, trong tôi có anh, không ai có thể rời khỏi ai.
Quan hệ Mỹ-Trung xấu đi được nhận định là do chính sách đối ngoại Trung Quốc có sự thay đổi từ thời Hồ Cẩm Đào (Ảnh: SCMP). |
Hai là, Bắc Kinh không thể ngờ được rằng Chính quyền Tổng thống Donald Trump lại thực sự là phái hành động, ra tay mạnh mẽ, quyết liệt, không cho phép đàm phán thêm nữa, khiến sách lược câu giờ của Trung Quốc hoàn toàn mất tác dụng.
Ba là, không ngờ được rằng trong chiến tranh thương mại, nhiều nước bất mãn với chính sách của Tổng thống Donald Trump, nhưng không có nước nào đứng ra đồng tình hay ủng hộ Trung Quốc, càng không thể nói tới việc xây dựng liên minh thống nhất chống Mỹ cùng Trung Quốc.
Bốn là, không ngờ rằng trên phương diện chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ lại thống nhất cao độ đến vậy. Trong Quốc hội Mỹ, không còn ai đứng ra nói ủng hộ Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng Donald Trump cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại chỉ là sách lược tạm thời phục vụ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11/2018, sau đó mọi việc sẽ như cũ.
Hơn nữa, Bắc Kinh còn lạc quan tin rằng việc áp thuế trừng phạt nhằm những nông dân ủng hộ Donald Trump sẽ khiến Tổng thống Mỹ phải xuống thang, không tin Trump có thể phá bỏ các quy tắc thương mại, gạt Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sang một bên, xây dựng các quy tắc mới, gạt Trung Quốc ra ngoài.
Tài liệu tham khảo:
1. https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/trung-quoc-don-hiem-donald-trump-ngua-bai-cuoc-chien-nhan-chim-the-gioi-529734.html
2. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3009426/us-president-donald-trump-repeats-plan-keep-tariffs-chinese
3. https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-05-09/trump-says-china-broke-the-deal-in-trade-talks-with-u-s
4. Tài liệu tham khảo 323-TTX của Thông tấn xã Việt Nam;