Những doanh nghiệp "thoát chết" ngoạn mục, "nhớ lại vẫn còn run"

26/05/2012 12:14
Theo Vnexpress
Tồn kho nhiều, không vốn làm ăn, ông chủ Công ty Loa tranh AA, TP.HCM bị dồn vào thế bí, quyết đánh cú chót, dốc hơn trăm triệu đồng cho quảng cáo để đẩy hết hàng tồn. Nhờ vậy, công ty thoát ải "tử" trong gang tấc.
Tới thời điểm này, nghĩ lại quyết định táo bạo của mình, ông Nguyễn Hùng Sơn, Giám đốc Công ty Loa tranh AA vẫn chưa hết run. "Sức mua giảm, hàng bán ra không tiêu thụ được. Tôi nghĩ đủ cách không biết phải xoay sở ra sao. Cuối cùng đánh liều đặt quảng cáo trên báo tới 50 triệu đồng một số", ông kể. Chưa khi nào ông chi bạo cho quảng cáo như thế. Số tiền hơn trăm triệu này càng có ý nghĩa hơn với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, tiền mặt hạn hẹp. "Tôi chỉ kỳ vọng sau khi quảng cáo, bán hàng với giá vốn là được. Nhưng, chỉ sau vài lần thông tin, hàng tồn kho hết sạch ngoài mong đợi", chủ thương hiệu loa tranh cho biết. Tuy nhiên, đây chỉ là "cần câu", đòi hỏi "mồi" phải chất lượng. Công ty nhắm vào những người thưởng thức âm thanh kết hợp với nghệ thuật. Ở đối tượng này, chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng hơn giá cả. Sau vài lần quảng cáo, đơn đặt hàng từ khắp nơi đổ về. Ngoài những người mua thưởng thức, phòng kinh doanh nhận hàng chục cuộc gọi lắp đặt cho các quán karaoke.
Sau khi "đánh liều" đầu tư cho quảng cáo, Loa tranh AA đã "giải quyết" hết sạch hàng tồn kho
Sau khi "đánh liều" đầu tư cho quảng cáo, Loa tranh AA đã "giải quyết" hết sạch hàng tồn kho
Trong khi đó, Công ty may Sơn Việt lại có cách làm khác để vượt khó, đó là tập trung vào phân khúc khách hàng thấp hơn, và mở rộng ra các tỉnh - điều mà trước nay công ty chưa coi trọng. Nhãn hiệu thời trang của Sơn Việt lâu nay luôn nhắm vào đối tượng trung và cao cấp. Tuy nhiên, trước sự thắt chặt chi tiêu, đơn hàng trong và ngoài nước của Sơn Việt đều giảm, nhiều showroom không có khách. Từ đầu năm đến nay, doanh số nhiều cửa hàng giảm 30-40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khi chịu khó "chăm sóc" khách hàng bình dân, công nhân, người có thu nhập thấp, doanh số công ty tăng lên rõ rệt. Theo ông Hà Xuân Anh, Tổng giám đốc Công ty may Sơn Việt, nhờ vậy mà doanh nghiệp mới đảm bảo các chỉ tiêu kinh doanh. "Có nhiều đồng nghiệp trong ngành chới với do hàng tồn kho quá nhiều, làm ăn thua lỗ, không có vốn xoay sở. Tôi nhanh chóng chuyển hướng mới nên may mắn thoát chết", ông Anh chia sẻ. Giám đốc một công ty trang trí nội thất tại TP.HCM lại dùng liệu pháp tâm lý để khơi gợi sức mạnh trong chính mỗi nhân viên.
Cục Thống kê TP.HCM vừa có báo cáo nhanh về thực trạng, tình hình khó khăn của gần 2.000 doanh nghiệp trong diện khảo sát. 100% doanh nghiệp phá sản, giải thể là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, 61,9% do kinh doanh thua lỗ, 28,6% thiếu vốn, 4,8% không tiêu thụ được sản phẩm, 9,5% khó khăn về địa điểm sản xuất...

Kết quả cho thấy, sau 13 tháng, số doanh nghiệp không có tại địa chỉ như đã đăng ký tới 27,7%. Khoảng 41,1% doanh nghiệp dự kiến thu hẹp sản xuất kinh doanh, do sức mua giảm, khó tiếp cận vốn vay, khó mua nguyên liệu đầu vào...
Giữa tháng 5, công ty mở cuộc họp được ví như "Hội nghị Diên Hồng", có sự tham gia của toàn bộ nhân viên, nói thẳng những khó khăn mà công ty đang gặp để mọi người đề xuất ý kiến - điều chưa bao giờ diễn ra trong hơn 7 năm qua. Theo bà, chưa khi nào tính tập thể lại phát huy tối đa như vậy, và kết quả bà nhận được là ngoài mong đợi. Những công nhân sản xuất nay kiêm luôn vai trò tiếp thị sản phẩm cho bạn bè, người thân, nếu bán được sẽ nhận hoa hồng. Họ cũng chấp nhận nghỉ thứ bảy không lương nhưng vẫn đảm bảo công việc, không tăng ca để giảm tiền lương ngoài giờ. Kết quả, quý I, công ty tiết kiệm nhiều chi phí so với cùng kỳ. Giám đốc marketing một công ty về bánh kẹo tại TP.HCM cho biết, chi phí đầu vào tăng cao nhưng tiêu thụ nội địa giảm mạnh. Công ty không thể đổ toàn bộ chi phí vào giá thành sản phẩm, như thế sẽ rất khó bán. Một số đối thủ trong ngành chọn cách giảm trọng lượng một chút so với trước và vẫn giữ nguyên giá bán. Do điều chỉnh trọng lượng nhẹ nên người tiêu dùng rất khó phát hiện. Điều này khiến việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành đã gay gắt lại càng quyết liệt hơn. Theo vị giám đốc tiếp thị này, có nơi lại thay đổi bao bì, làm mới sản phẩm, nhưng chất lượng hàng hóa không đổi. Thế nhưng, người tiêu dùng cứ nghĩ đó là sản phẩm mới, nên họ vẫn chấp nhận mua, dù giá bán điều chỉnh tăng. Ngược lại, có những doanh nghiệp lại dùng "chiêu" giảm giá lập lờ để kích cầu tiêu thụ, giải quyết nhanh hàng tồn kho. Ví dụ: khi mua 2 sản phẩm, khách được giảm giá 30%. Thế nhưng, thực chất, khách chỉ được giảm giá 30% ở sản phẩm thứ hai, còn sản phẩm đầu tiên vẫn bán giá cũ. Tiêu thụ giảm là tình hình chung của các doanh nghiệp hiện nay, nên việc bảo đảm hoàn thành kế hoạch đặt ra hằng tháng, hằng quý rất khó. "Năm nay công ty co cụm sản xuất, không dám mở rộng đầu tư và dự định tổ chức nhiều chuyến hàng về vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp... để đẩy nhanh tiêu thụ so với hiện tại", bà nói.
Theo Vnexpress